Chuyện ly kỳ về người mắc màn ngủ cùng hổ, sư tử giữa lòng Hà Nội
Những người nuôi thú dữ đã vượt qua khó khăn, nỗi sợ hãi, coi việc chơi với hổ, sư tử, cho hổ ăn, thậm chí nằm ngủ với hổ là chuyện thường ngày.
Chị Trần Thị Ngọc, 45 tuổi, ở phố Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội là một trong số những công nhân được giao trọng trách chăm sóc những loài thú dữ.
Bắt đầu từ hơn 7 giờ sáng hằng ngày, các công nhân ở Công viên Thủ Lệ (Hà Nội) lại bắt đầu công việc vệ sinh, chăm sóc hơn 600 cá thể động vật đang được bảo tồn tại nơi đây. Ngoài những loài động vật gần gũi với con người, tại đây còn đang bảo tồn những loài động vật hoang dã mà bất kể ai nghe tên cũng cảm thấy rùng mình như: Hổ, báo, gấu, sư tử…
Mắc màn ngủ cùng với hổ, sư tử
Chị Trần Thị Ngọc, 45 tuổi, ở phố Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội là một trong số những công nhân được giao trọng trách chăm sóc những loài thú dữ. Chị Ngọc kể rằng, khu nhà ở của sư tử tại công viên hiện đang có 2 con sư tử, mỗi con đều được đặt một cái tên riêng. Một con sư tử hơn 5 tuổi, nặng gần 150kg được đặt tên là Nam. Còn cá thể còn lại 2 tuổi được đặt tên là Trum, nặng gần 130kg. Trong đó, con sư tử tên Trum được chị Ngọc nuôi dưỡng, chăm sóc từ nhỏ và có nhiều kỷ niệm nhất.
Ngay từ khi mới sinh ra Trum không thể tự bú mẹ. Các bác sĩ thú y, công nhân chăm sóc đã phải tách Trum khỏi mẹ và nuôi trực tiếp bằng sữa ngoài. Ban đầu, Trum được nuôi ở một căn phòng ở của công nhân. Hằng ngày, chị Ngọc cùng đội ngũ bác sĩ thú y thay nhau trông nom, chăm sóc.
“Được 2 tháng tuổi, Trum bị sốt và nằm bệt, mắt lờ đờ, người mệt mỏi. Ban ngày, tôi phải vào nằm cạnh, vuốt ve, để dỗ dành Trum ăn. Đến tối, tôi ở lại ngủ cùng Trum. Việc này lặp lại nhiều lần cho đến khi Trum khỏi tôi mới thôi không ngủ cùng nữa”, chị Ngọc chia sẻ.
Con sư tử tên Trum được 2 tuổi, nặng khoảng 130kg.
Sau lần bị ốm, chị Ngọc coi Trum như một người bạn thân. Sau giờ dọn vệ sinh buổi sáng, cho mãnh thú ăn, chị lại dành thời gian chơi đùa cùng Trum. Một kỷ niệm nữa cũng rất đáng nhớ đối với chị Ngọc, đó là thời điểm Trum được 4 tháng tuổi, lãnh đạo công viên chuyển người bạn tên Trum của chị Ngọc vào khu vực chuồng nuôi. Đó là một chuồng rộng hơn 30m2, khu vực sân chơi ngoài rộng hơn 50m2, quây rào sắt xung quanh.
“Khi đưa Trum vào chuồng mới, người bạn này tỏ vẻ rất buồn bã, bỏ ăn, cào cửa đòi ra ngoài đến mức xước cả hai chân trước. Lúc đó, tôi phải vào chơi cùng và mắc màn ngủ cùng mất khoảng 2-3 tối. Mãi về sau Trum mới quen và không đòi ra ngoài nữa. Việc chăm sóc, dỗ dành lúc mới đưa Trum vào chuồng mới không khác gì việc đưa con nhỏ đi nhà trẻ lần đầu tiên”, chị Ngọc tâm sự.
Cũng tại khu vực nuôi mãnh thú này, ngoài sư tử, còn có 3 “chúa sơn lâm” được bảo tồn, nặng khoảng 130kg, được đặt tên lần lượt là Sóc Sơn, Bình Dương và Mi.
Anh Nguyễn Quang Phúc (49 tuổi), người hằng ngày vẫn chăm sóc “chúa sơn lâm” tên Mi kể, anh cùng với một số đồng nghiệp chăm sóc con hổ tên Mi từ lúc nhỏ đến bây giờ. Chính vì vậy, đối với anh Phúc, Mi giống như một người bạn thân, thành viên trong gia đình. Hiện tại, Mi được 16 năm tuổi, nặng khoảng hơn 100kg.
Anh Nguyễn Quang Phúc (49 tuổi), người hàng ngày vẫn chăm sóc “chúa sơn lâm” tên Mi
Nhiều năm làm công việc chăm sóc hổ, anh Phúc vẫn còn nhớ như in những lần anh và các anh em công nhân ở đây phải ăn nằm cùng hổ ở trong chuồng. “Đó là vào năm 2009, khi đó một con hổ Bình Dương, nặng khoảng 130kg bị thương ở bàn chân trái. Lúc này, chúng tôi phải cho hổ vào cũi rồi kê phản, mắc màn nằm ngay bên cạnh để ngủ cùng bởi nếu không chú ý để hổ liếm vào vết thương đứt chỉ sẽ rất lâu khỏi. Hơn nữa, chúng tôi ngủ cạnh hổ để mỗi khi hổ đi vệ sinh ra phải dọn luôn tránh để dính vào vết thương sẽ gây nhiễm trùng”, anh Phúc kể.
Hổ tên Mi được 16 năm tuổi, nặng khoảng hơn 100kg.
Coi hổ, sử tử như người bạn, thành viên trong gia đình
Anh Phúc kể, dù là động vật hoang dã nhưng hổ, hay sư tử cũng không tránh được những lúc ốm đau. Mỗi khi hổ hay sư tử ốm anh cũng như nhiều công nhân chăm sóc khác đều lo lắng, thậm chí, có những hôm bỏ cả ăn.
“Hổ cũng như con người vậy, cũng biết buồn, vui, giận hờn. Những lúc chúng vui sẽ thường xuyên chạy nhảy, chơi đùa. Lúc hổ, sư tử ốm sẽ nằm bệt, bỏ ăn. Những lúc như vậy, chúng tôi phải vuốt ve, dỗ dành để chúng ăn. Ở cương vị người nuôi và dành cho chúng một tình yêu thực sự sẽ dễ dàng cảm nhận được điều này”, anh Phúc chia sẻ.
Hằng ngày chế độ ăn cho hổ, sư tử cũng phải được kiểm soát rất sát sao về dinh dưỡng cũng như chất lượng. Mỗi xuất ăn của hổ, sư tử sẽ bao gồm thịt bò và sườn, thực đơn cũng có thể thay đổi theo ngày.
“Con hổ tên Mi năm nay đã đã 16 tuổi, răng đã yếu nên chúng tôi không cho ăn xương, chế độ thịt hằng ngày cũng phải cắt nhỏ từng miếng, chia nhỏ bữa ăn để dễ tiêu hóa hơn. Còn đối với Trum răng còn khỏe, chúng tôi có thể cho ăn cả xương, thịt từng miếng to. Ngoài ra, vào mùa đông chúng tôi còn lắp thêm máy sưởi, bổ sung thêm các loại vitamin để tăng cường sức đề kháng cho chúng”, anh Phúc kể.
Ông Phạm Đình Mạnh - Trưởng phòng Kỹ thuật (Công viên Thủ Lệ) cho biết, hiện tại, công viên thủ lệ có 10 cán bộ công nhân thay nhau chăm sóc, nuôi dưỡng các loại thú dữ. Tất cả công nhân đều thay ca nhau làm việc, trực, bất kể ngày Tết. Công việc của họ bắt đầu từ 7h sáng đến tận đêm. Mỗi cán bộ chăm sóc thú đều thân quen với hổ, sư tử như những người thân trong gia đình.
(còn nữa)
------------------
Đón đọc bài tiết theo Tận thấy người nuôi mãnh thú vuốt ve, “mát xa” cho sư tử vào lúc....
Đàn chuột túi wallaby hơn chục con sinh sống tại một trang trại ở Thủ đô Hà Nội đã khiến nhiều người ngỡ ngàng, thích...
Nguồn: [Link nguồn]