Chuyện ly kỳ về "kho báu đồng đen" ở ngôi chùa cổ

Khi đào móng xây chùa và tiến hành đóng xà, sư thầy Thích Minh Quang bất ngờ gặp vật cản dưới lòng đất ở độ sâu 3m.

Thấy vậy, vị sư vội dùng xẻng khơi lên thì phát hiện một chiếc ấm đựng nước màu đen óng. Tiếp tục đào, sư Minh Quang lại tìm thấy một cặp gà trống đúc màu đen. Chưa dừng lại ở đó, những ngày sau, sư Quang lại phát hiện thêm một tượng Phật cổ với thiết kế rất lạ. Theo vị sư trụ trì này, nhóm cổ vật đều màu đen, rất nặng và không hề có hiện tượng gỉ sét. Nhiều luồng dư luận nghi hoặc, lão sư ông đang sở hữu một kho báu đồng đen.

Đào móng xây chùa phát hiện cổ vật

Minh Quang Tự, ngôi chùa ở vùng ngoại ô TP. HCM thuộc phường Tân Tạo (Q. Tân Phú), nhiều năm nay mang trong mình bí mật khiến giới săn lùng cổ vật thèm thuồng. Theo đó, vị sư trụ trì Minh Quang Tự đang sở hữu một kho báu đồng đen, thứ kim loại xưa nay vẫn được dân gian truyền miệng là có giá trị quý hơn vàng. Người ta còn rỉ tai nhau, nếu ai đó chỉ cần sở hữu được một phần trong số cổ vật của “kho báu” này và đem bán đi thì sẽ giàu to. Từ đây, Minh Quang Tự đã phải đối mặt với  nhiều cuộc “viếng thăm” của dân buôn đồ cổ, khách thập phương hiếu kỳ và cả phường đạo tặc.

Trở lại ngôi chùa tìm hiểu sự thực về kho báu này, chúng tôi được sư thầy Thích Minh Quang (74 tuổi), người nổi tiếng trong vùng với những chuyến từ thiện cho người nghèo, cưu mang những phận đời cơ nhỡ, cho biết: “Minh Quang Tự tính đến nay mới xây dựng được tròn 24 năm. Nơi đây, sư thầy mở giảng đường nói chuyện Phật pháp, làm nơi tu tập và nhiều năm qua hành nghề bấm huyệt chữa bệnh miễn phí cho người dân".

Chuyện ly kỳ về "kho báu đồng đen" ở ngôi chùa cổ - 1

Sư thầy Minh Quang cho rằng, ông có cơ duyên với số cổ vật. Ảnh TG

Theo sư thầy Minh Quang, chùa không ẩn chứa những câu chuyện kỳ bí như lâu nay người ta vẫn đồn thổi, ngoại trừ một số cổ vật bằng kim loại rất lạ đang lưu giữ, bảo vệ. Sư Minh Quang tin rằng, đây không phải là sự ngẫu nhiên mà giữa người và cổ vật có căn duyên nào đó. Trước khi vào câu chuyện, vị sư trụ trì kể cho chúng tôi nghe về quá khứ vất vả trước khi đến với ngôi chùa hiện tại. Tuổi thơ bất hạnh, 2 tuổi mồ côi cha mẹ. Năm 9 tuổi, cậu bé mồ côi quyết định xuất gia. Đến năm 1965, sư Minh Quang từ Đồng Tháp lên Sài Gòn, tu tại chùa Tuyền Lâm (Q.6). Tại đây, sư Minh Quang học thêm kỹ thuật bấm huyệt để sau này có cơ hội chữa bệnh cho người nghèo. Năm 1992, lúc này đã 50 tuổi, sư thầy Minh Quang quyết định rời nơi tu tập, xin về vùng Tân Tạo ngoại thành Sài Gòn để lập tịnh thất làm nơi chữa bệnh từ thiện. Quyết định này cũng chính là căn duyên giúp sư thầy Minh Quang tìm được số cổ vật kỳ lạ.

Theo sư thầy, những ngày mới khai hoang lập chùa, cả vùng đất này chỉ là đồng ruộng mênh mông ngập nước, phủ đầy lau sậy. Một mình sư thầy ngày đêm đào móng, đóng xà làm nền dựng chùa. Khi đào một đường móng sâu được khoảng 3m, sư thầy quyết định dùng cọc đóng xà chống lún. Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường cho đến khi một chiếc cọc bị khựng lại. Lúc đó, sư thầy lấy hết sức bình sinh nện nhưng vẫn không ăn thua. Chiếc cọc không tiến thêm được phân nào khiến sư thầy có cảm giác nó bị một vật gì đó cản lại.

Thấy lạ, sư thầy dùng xẻng đào lên xem thì phát hiện một vật như cái ấm đựng nước màu đen. Sư thầy mang đi rửa sạch thì thấy bề mặt thêm nhẵn bóng và dưới ánh mặt trời, chiếc cổ vật hiện lên dòng chữ Nho, dịch ra là Minh Mạng Vương. Với hiểu biết của mình, sư thầy đoán rằng đây là cổ vật thời vua Minh Mạng để lại (?!). Đang bận bịu với việc dựng chùa, sư thầy tạm bỏ chiếc ấm sang một bên và tiếp tục đóng cọc thì lại gặp vật cản. Lần này, vật được sư thầy moi lên là một cặp gà trống màu đen óng, trông oai phong ngạo nghễ. Nhìn trực quan có thể thấy, chất liệu của cái tích và cặp gà không khác nhau. Chưa hết ngạc nhiên, khi đóng cọc tiếp, sư ông lại gặp một vật khác, lần này là một pho tượng Phật được đúc khá lạ. Bắt gặp liên tiếp những cổ vật từ lòng đất, sư thầy Minh Quang không khỏi nghi vấn, bản thân có mối duyên nào đó với người xưa. Sư thầy quyết định dừng tay, rửa sạch số cổ vật trên mang vào thất cất giữ cẩn thận.

Nghi vấn về “kho báu đồng đen”

Sư thầy Minh Quang kể, sau khi tình cờ bắt được những cổ vật trên, sư không bắt gặp thêm những cổ vật nào nữa mà chỉ có ít đồ sành sứ. Chuyện tưởng như chỉ dừng lại ở đó, sư thầy không ngờ lời đồn thổi mình bắt được kho “báu đồng đen” bị lan truyền. Những ngày sau đó, rất nhiều người đã đổ xô đến tịnh thất để xem. Trong đó, không ít tay săn đồ cổ tìm đến gạ mua nhưng sư thầy Minh Quang nhất định không bán. Những tay sừng sỏ trong giới chơi đồ cổ, sau khi xem qua số cổ vật trong tịnh thất trầm trồ cho rằng, tất cả đều được cổ nhân đúc rất tinh vi, mang nhiều dụng ý. Có lẽ vì chúng màu đen, lại không phải nhôm hoặc sắt… nên người ta đồn đoán là đồng đen.

Chuyện ly kỳ về "kho báu đồng đen" ở ngôi chùa cổ - 2

Chiếc tích, cặp gà và tượng Phật cổ. Ảnh TG

Theo sư Minh Quang, chiếc ấm cao khoảng 11cm, nặng 700gram, thân bình khắc cảnh sông nước ôm quanh ngôi cổ tự nằm trên sóng gió lồng lộng. Họa tiết đơn sơ nhưng có thần uy, gợi cho người thưởng lãm cảm giác an lành, vững chãi. Cặp gà trống cao khoảng 24cm, mỗi con nặng 1,1kg, đuôi uốn cong, dáng đứng ngạo nghễ, ngực ưỡn về phía trước. Mào răng cưa dựng đứng, mỏ uy nghi, mắt có thần. Dưới chân, mỗi con gà đều đứng lên những đồng tiền với họa tiết sắc sảo, cùng với đó là 2 chữ “Sanh Tài” bằng chữ Nho. Điều này cho thấy, nghệ nhân đúc chúng không những có dụng ý mà còn tay nghề rất cao. Sư  thầy Minh Quang cho hay, đây là cặp gà mà bản thân ông rất tâm đắc, bởi chiếu theo tuổi thì sư Minh Quang sinh năm Ất Dậu, việc xây chùa gặp tượng gà ứng với tuổi nên đây có thể coi là điềm lành, cơ duyên hiếm có trong đời.

Bức tượng Phật cũng kỳ bí không kém, theo sư Minh Quang, tượng cao khoảng 12cm, nặng 450gram. Phật ngồi ở thế kiết già, hai tay nâng bình cam lộ, gương mặt thiền định vô ưu, đầu đội lọng hình con rắn thần 7 đầu. Bên trên là một tượng Phật nhỏ, có 8 vị La Hán làm tòa cho Đức Phật ngồi thiền, nhìn như những đài sen. Góc sau của đài tượng là 2 con sư tử ứng với truyền thuyết sư tử hống của đức Phật. Toàn thân pho tượng gõ nhẹ chỗ nào cũng phát ra âm thanh. Càng gõ dần lên trên âm thanh càng vang, trong như tiếng chuông.

Trước những lời đồn đoán đây là những cổ vật quý hiếm hay kho báu đồng đen, sư thầy đều cho là hoàn toàn không có cơ sở. Sư Minh Quang khẳng định, số cổ vật trên hiện đang được lưu giữ và bảo quản cẩn thận tại chùa. Dù chúng có là đồng đen hay chất liệu quý hiếm nào đó thì nhà chùa cũng không bán, đổi. Vị sư thầy trụ trì cho biết thêm, vào những ngày lễ nhà chùa mới đem những cổ vật ấy cho Phật tử thưởng lãm. Cho đến nay, đã hơn 2 thập niên kể từ ngày phát hiện số cổ vật này, vẫn không ai biết đích xác chúng được làm bằng chất liệu gì. Có lẽ vì thế, “kho báu đồng đen” trong ngôi chùa vẫn là một câu chuyện kỳ bí, gợi sự tò mò không ngớt cho người dân trong vùng.

Đồng đen chỉ là huyền thoại?

Ông Lại Hồng Thanh (Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản, Tổng cục Địa chất và khoáng sản VN) cho biết, đồng đen là một từ dân dã, dùng để chỉ một thứ kim loại do con người luyện nên. Còn một chuyên gia của Viện Khoa học Công nghệ mỏ luyện kim cho biết, theo tài liệu nước ngoài, từ cổ xưa con người đã luyện ra đồng đen từ quặng. Đồng đen có màu đen, chứa nhiều kim loại quý (như vàng, bạc, thiếc...). Sự huyền bí của đồng đen chủ yếu do con người đồn thổi nên. Chuyên gia này cho biết, đồng đen khi tách hết các tạp chất thì ra đồng đỏ đẹp. Đồng đen có nhiệt độ nóng chảy thấp (trong khi nhiệt độ nóng chảy của đồng nguyên chất lên tới trên 1.200 độ C), dễ đầy khuôn nên người xưa có thể nấu và đúc tượng được bằng phương tiện thủ công, thậm chí dùng củi lửa để nấu đồng. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận “chưa bao giờ thấy đồng đen”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Nguyễn – Hàn Phong (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN