Chuyện ly kỳ trên những chuyến xe đường dài

Sự kiện: An toàn giao thông

Nghề tài xế luôn đối mặt với nhiều hiểm họa bất trắc. Tài xế lành nghề cũng không thể lường hết tai nạn do người khác gây ra cho mình dọc đường.

Dẫu xe có tốt bao nhiêu, sự an toàn trên mỗi hành trình luôn thuộc về người cầm lái. Ảnh: Tạ Tôn

Dẫu xe có tốt bao nhiêu, sự an toàn trên mỗi hành trình luôn thuộc về người cầm lái. Ảnh: Tạ Tôn

Vì vậy, việc cảnh giác tai nạn luôn được đề cao ngay trong thân tâm mỗi tài xế khi ngồi sau tay lái. Ngoài tính điềm đạm, tài xế phải có kỹ năng phát hiện nguồn nguy hiểm tiềm ẩn đâu đó quanh xe mình rồi đưa ra tình huống xử lý trước…

Tiếng rắn “phì”

Năm ngoái, tôi từ TP Điện Biên trở về TP Thái Bình trên một chuyến xe giường nằm. Cung đường này dài hơn 500km, nên nhà xe chọn phương án chạy đêm. Đường vắng, tài xế cứ thế đều ga, hành khách ngủ một giấc dài, mở mắt ra là xe đã đến nơi rồi. Nghe qua thì thật tiện và an toàn nhưng điều đó chỉ đến với những chiếc xe có tài xế lành nghề, chuyên tâm bảo dưỡng và cầm lái.

Là người trong nghề, mỗi lần bước lên xe do người khác lái tôi luôn có cảm giác đề phòng. Bởi tôi biết, dẫu xe có tốt bao nhiêu đi nữa, sự an toàn luôn thuộc về người cầm lái. Trong đêm khuya thanh vắng, chỉ cần sơ sẩy của tài xế là tính mạng hành khách như đèn treo trước gió rồi.

Cũng may lần này tôi gặp người tài xế khá cẩn thận, đi đứng điềm đạm. Dẫu vậy, tôi cũng không hoàn toàn an tâm bởi biết đèo Pha Đin là con đèo nổi tiếng nguy hiểm.

Với tâm trạng ấy, tôi không ngủ được, bèn lần mò lên ngồi gần tài xế, nói chuyện phiếm giúp anh ta tỉnh ngủ và cũng để ngắm cảnh, đường sá đã đổi thay thế nào so với thời điểm tôi có dịp đi qua trước đây.

Trời càng về khuya, ánh đèn pha càng rực sáng trong đêm tối. Giữa lúc xe đi trong cảnh khuya thanh vắng, tôi bỗng nghe tiếng “phì” rất khẽ phát ra từ đâu đó trong xe. Người lái xe cũng nghe thấy tiếng đó và giải thích với tôi đó là tiếng “phì” của con rắn do một hành khách miền núi mang lên xe lúc nãy. Thế rồi, tiếng phì của “con rắn” càng lúc càng dày và nghe rõ hơn khiến tôi nghi ngờ và lo lắng. Tôi gợi ý tài xế cần kiểm tra cho yên tâm thì anh ta xẵng giọng: “Bác không biết gì thì ngồi im cho, cứ lo bò trắng răng”.

Cũng may xe chuẩn bị qua đèo Pha Đin thì đổi tài. Người tài xế mới thay này nãy giờ ngủ say không biết chuyện gì đã xảy ra trên xe, tuy nhiên vừa cầm lái một đoạn anh ta liền đánh thức phụ xe dậy và nói: “Tớ nghe có tiếng hơi xì đâu đó dưới dầu xe cậu ạ. Có thể do ống dẫn hơi tới phanh trước bị rò, phải dừng xe kiểm tra cho yên tâm thôi”.

Xe dừng lại ven đường và được kéo phanh tay, chèn bánh chống trôi lại. Người tài xế bảo phụ xe ngồi vào ghế lái rồ ga để cho mình chui xuống gầm xe kiểm tra. Quả thật, sau vài phút kiểm tra, anh đã phát hiện hơi từ ống trợ lực phanh dẫn tới bánh trước bên phải bị rò do sự va đập bất thường nào đó. Với phát hiện đó, tài xế lên xe cho xe đi thật chậm tìm đến một garage nằm ven đường và mất cả giờ mới khắc phục được sự cố.

Xe đến bến, những hành khách lúc trước ngủ say, ai nấy hoan hỉ với một ngày mới. Còn tôi uể oải xuống xe, tự hỏi: Nếu tiếng “rắn phì” không được người tài xế thay lái phát hiện, thì hành khách giờ đây ra sao nhỉ?

Tưởng đóng phim

Hôm đó, miền Bắc đang giữa hè, trời nắng như đổ lửa. Đoạn đường từ cố đô Hoa Lư vào Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) có đoạn người dân phơi rơm liên tục và dài cả mấy cây số. Xe tôi đi trên đường rơm êm, vàng rực và bồng bềnh làm hành khách có cảm giác chiếc xe như con thuyền lướt trên dòng sông trăng!

Hành khách thích thú bao nhiêu thì tâm trạng tôi lại lo lắng bấy nhiêu. Xe tôi gầm thấp, chỉ cần một cọng rơm chui vào chạm ống xả nằm ở đầu máy thì xe sẽ bốc cháy mất. Không thể vì lo sợ của mình mà quay xe về hủy chuyến tham quan của hành khách, nên vừa lái xe tôi vừa quan sát, tìm nguồn nước đâu đó ven đường để chữa cháy nếu nỗi lo của mình thành hiện thực.

Tôi đem lo lắng của mình chia sẻ với một hành khách ngồi sát ghế lái. Tôi dặn nếu xe bị cháy, anh nhớ cầm cái thùng đựng nước đá (để gần anh) phụ với tôi chữa cháy nhé. Tưởng tôi nói đùa, anh này trố mắt cười ha hả.

Nào ngờ chỉ mấy phút sau mùi rơm cháy “thơm thơm” rồi khen khét len lỏi chui vào xe. Đã có phướng án chuẩn bị trước, tôi nhìn thấy cái ao sen ven đường nằm phía trước đầu xe mấy trăm mét liền cho xe chạy nhanh đến sát mép ao và dừng lại. Tôi tức tốc bấm nút mở cửa cho hành khách thoát ra khỏi xe và tắt máy.

Chộp lấy bình chữa cháy để sát tầm tay, tôi mở nắp che máy ra và phụt chất chữa cháy vào nơi lửa đã bùng thành ngọn. Người hành khách tôi nhờ lúc nãy cũng tức tốc dội cả thùng nước đá vào nơi đang cháy. Ngọn lửa trong khoang máy bị dập tắt ngay tức khắc; nhưng rồi lại bùng lên cháy nhiều chỗ khác dưới gầm xe do tàn lửa vương vãi trước đó rơi xuống rơm nằm tràn lan mặt đường.

Tôi vội chộp thùng đựng nước đá trong tay người hành khách đó và lao xuống ao lấy nước... Và cứ thế tôi múc nước tát lấy tát để nước ao vào gầm xe dồn dập. Khi ngọn lửa được dập tắt thì tôi mệt quá… gục xuống mặt đường.

Một người chăn vịt đứng gần đó, không hiểu sao cứ bình thản nhìn tôi chữa cháy xong rồi mon men đến gần xe tò mò nhìn vào chỗ cháy. Tôi bực dọc trách anh ta sao quá vô cảm, anh phân bua: “Thấy các anh trên xe lao xuống và nhoáng một cái lửa đã tắt rồi nên tôi tưởng… đóng phim”!. Kết quả xe tôi bị hỏng máy lạnh nhưng vẫn tiếp tục hành trình được nên hành khách trên xe ai nấy đều hoan hỉ…

Nguồn: [Link nguồn]

Theo chân tài xế đường dài: Hành trình Nam - Bắc

Ăn không đúng bữa, giấc ngủ không trọn, tai nạn rình rập…, đời tài xế Bắc - Nam đủ mùi cơ cực…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Kiêm Hạ ([Tên nguồn])
An toàn giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN