Chuyện ly kỳ của nữ điệp viên anh hùng: Vũ khí - niềm tin

Sự kiện: Thời sự

Không chỉ đối phó với cố vấn Mỹ, nữ tình báo viên chiến lược còn phải đối phó với lực lượng nhân viên tình báo Việt Nam Cộng hòa. Cô Tám Thảo kể: “Tôi muốn tạo vỏ bọc tốt cho mình, nhưng hàng năm trời tôi không thể bắt chuyện với các đồng nghiệp khác ở trong phòng tình báo, họ chỉ cười hoặc quay đi, không ai nói chuyện với tôi. Phòng nào làm việc phòng nấy. Vì thế, tôi không thể vào trong các phòng làm việc của họ”.

Chuyện ly kỳ của nữ điệp viên anh hùng: Vũ khí - niềm tin - 1

Nhiều đồng chí bạn bè tới chia vui cùng cô Tám Thảo

Phân thân

Cô Tám Thảo tiết lộ: “Tôi luôn tâm niệm mình không được nghĩ gì về chiến khu. Vào nơi làm việc, mình phải quên hết những gì ở cứ. Ấy nhưng một lần, nói chuyện với một sĩ quan Việt Nam Cộng hòa về công việc, tôi lại lỡ lời nói: “Thôi đi đồng chí!”. Nói xong tôi biết mình lỡ lời và tên sĩ quan kia cũng giật bắn cả mình. Liền đó, tôi bảo với anh ta: “Mình cứ dịch mãi tài liệu của Việt Cộng, lắm khi cũng bị lậm luôn”. Anh ta gật gù: “Đúng thế, tôi có lần cũng bị như chị”.

Một hôm, cô nghe xì xầm rằng “Thứ Hai tuần tới sẽ bắt một tên Việt Cộng cài vào”. Tám Thảo về báo với Tư Cang “Nếu anh em nào bị lộ, hãy trốn đi, sáng thứ Hai đừng đi làm nữa”. Nhờ vậy, địch không kịp bắt người của ta. Chúng lại rỉ tai nhau: “Hình như ở đây có nội gián”.

Một lần, tên cố vấn đem về một lá cờ của quân giải phóng, hắn hỏi Mỹ Nhung: “Cô biết cái này chứ?”. Mỹ Nhung (tên thật của Tám Thảo) nhìn lá cờ thân yêu, nhưng lòng không lộ ra sự rung động, cô hỏi lại: “Cờ của Việt Cộng à?”. Anh ta gật đầu: “Cờ của Việt Cộng”.

Một lần khác, địch đánh đập, điều tra người của ta ngay trong phòng làm việc của cô. Lúc này, nếu cô tỏ thái độ, chúng sẽ nhận ra ngay. Cô tỏ vẻ sợ hãi lấy tay che mặt. Cô Tám Thảo kể: “Tôi nhiều lần vào căn cứ, sợ rằng người bị bắt nhận ra tôi, hoặc tôi nhận ra người bị bắt, cũng đều không tiện. Nên tôi lấy tay che mặt, sau đó cáo mệt xin về nghỉ".

Chuyện ly kỳ của nữ điệp viên anh hùng: Vũ khí - niềm tin - 2

Nữ tình báo viên duy nhất của Phòng tình báo miền Tám Thảo được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cuối năm 2018

Trong cuộc đời hoạt động của mình, có lẽ chỉ một lần duy nhất Tám Thảo bộc lộ bản thân mình nhiều hơn cả, đó là trong chiến dịch Mậu Thân. Sáng mồng Một, lực lượng biệt động thành đánh vào Dinh Độc Lập. Nhà của Tám Thảo ngay sau dinh nên cô và anh Tư Cang mở hé cửa theo dõi từ đầu đến cuối. Lúc bấy giờ anh em biệt động thành đã hết đạn, lại đang trên đường rút ra, bị địch bao vây. Quá đau xót trước sự hi sinh của biệt động thành, Tám Thảo bảo anh Tư Cang: “Anh bắn đi”. Từ trong nhà, anh Tư Cang bắn gục một tên Mỹ và một tên Đại Hàn làm cho địch bối rối quay sang đi lục soát, tạo cơ hội cho biệt động thành của ta rút đi. 

Địch ập vào nhà Tám Thảo và mấy ngôi nhà gần đó lục soát. Anh Tư Cang đang nằm trong hầm bí mật, súng sẵn sàng rồi. Địch thấy phòng Tám Thảo có treo ảnh của cố vấn Mỹ, mới hỏi han, biết cô đang làm việc cho cố vấn Mỹ, chúng bèn bảo: “Cô làm việc cho cố vấn Mỹ sao nãy giờ không nói”, rồi rút đi.

Cô Tám Thảo giải thích: “Nguyên tắc hoạt động tình báo thì không được nổ súng, nhưng lúc đó thương anh em quá, không có cách nào khác. May mà lãnh đạo ở cứ nghe báo cáo xong, bảo rằng trong trường hợp cần thiết như thế, tình báo cũng được phép nổ súng đánh địch. Nhờ đó, chúng tôi không bị kỷ luật”.

Tất cả vì tài liệu

Nhận xét tài liệu mình lấy được từ cơ quan tình báo địch, cô Tám Thảo nói: “Tôi khó đánh giá được hết giá trị của tài liệu, vì nhiều tài liệu là mật mã, gửi về cứ, có người dịch ra mới biết được”.

Cô Tám Thảo nói: “Năm 1969, cấp trên yêu cầu tôi tìm kiếm tài liệu nguyên bản ý kiến của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đánh giá sau Mậu Thân 1968, Việt Cộng có tiếp tục đánh lớn nữa hay không?”. Nếu có được tài liệu này, chúng ta sẽ chủ động tạo bất ngờ cho đối phương.  Sau một thời gian tìm kiếm, Mỹ Nhung đã tìm được tài liệu trong đó  Mỹ và chính quyền Sài Gòn khẳng định là “Việt Cộng không đủ sức đánh lớn nữa”. Địch nhận định như vậy địch sẽ chủ quan và đó là cơ hội cho chúng ta tiếp tục cuộc chiến đấu. Nhưng yêu cầu của trên là “phải lấy được tài liệu nguyên bản”, nên Mỹ Nhung nghĩ cách đưa tài liệu về nhà cho anh Tư Cang chụp lại.

Tám Thảo tìm được tài liệu, bèn dặn dò anh Tư Cang: “Trưa nay, anh chuẩn bị máy đàng hoàng đi. Em về buổi trưa, đưa anh chụp, rồi em trả tài liệu vào chỗ cũ trước khi cố vấn đến làm việc”. Đúng kế hoạch, cô đưa tài liệu về cho anh Tư Cang chụp rồi đem ngay trở lại phòng tình báo. Cách vận chuyển tài liệu là cô đã bất chấp nguy hiểm, đi qua một phòng tình báo gồm nhiều nhân viên người Việt để vào phòng làm việc của cố vấn Mỹ bằng lối đi phụ. 

Tài liệu quan trọng được chuyển về cứ. Cô Tám Thảo vui mừng: “Một tuần sau thì tôi được tin báo là tôi được tặng huân chương, đồng thời tôi cũng nhận được lệnh vào ngay chiến khu để tránh bị lộ”.

Sức mạnh niềm tin

Tổ chức có giao cho Tám Thảo một khẩu súng lục, cô thấy vướng víu, bèn trả lại. “Tôi chẳng có vũ khí gì hết, tôi chỉ có một niềm chiến thắng” - người nữ điệp viên anh hùng tiết lộ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Mỹ Nhung được rút ra căn cứ và khi đó, cô được đeo quân hàm thiếu úy. Cô cũng nhận những đồng lương đầu tiên. Đất nước hòa bình thống nhất, cô Tám Thảo chuyển ngành sang lĩnh vực dịch thuật, với mức lương chuyển ngành cấp bậc chỉ là thượng úy.

Thời gian làm việc tại Phòng 2 (phòng tình báo) của Hải quân Việt Nam Cộng hòa trải qua 4 đời cố vấn Mỹ, từ năm 1966-1969:  “Trong bốn năm, chỉ trừ 3 tháng đầu tiên không có tài liệu,  còn lại hầu như ngày nào tôi cũng tìm cách đưa tài liệu về nhà cho anh Tư Cang chuyển ra căn cứ” - cô tự hào.

Nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, cô Tám Thảo nói “Cô cám ơn đồng đội, các anh chị bạn bè đã giúp cô thành công trong công việc của mình, đóng góp vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Những người như anh Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, anh Mười Hương, Tư Cang, anh Xuân Mạnh… đều đã hết lòng giúp đỡ Tám Thảo. Cuộc đời của cô rất may mắn được làm việc, học hỏi từ các anh các chị ấy”.

Thắp hương cho bố mẹ, nữ tình báo Tám Thảo tâm sự: “Biệt danh Tám Thảo là do chính cô chọn để nói lên lòng hiếu thảo với cha mẹ. Suốt đời mình, cô đã cố gắng để bố mẹ không phải buồn, để bố mẹ tự hào về cô con gái của mình. Cô nghĩ là cô đã làm được điều ấy”.

“Chị Tám Thảo là nữ điệp viên duy nhất của phòng tình báo miền. Chúng tôi có ý định nhân điển hình của chị Tám Thảo để khai thác khả năng phong phú và quý giá của phụ nữ miền Nam trong công tác tình báo”.(Hồi ký của Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm, Trưởng phòng tình báo miền (J22)

Chuyện tình của vợ chồng anh hùng tình báo Tư Cang

Ngày vui của đất nước cũng là ngày đoàn tụ của gia đình ông sau gần 30 năm vợ chồng xa cách.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Nguyên Anh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN