Chuyện ly kỳ của nữ điệp viên anh hùng
Cách đây không lâu, Cục 12 thuộc Tổng cục II, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Thượng úy Nguyễn Thị Mỹ Nhung, nguyên cán bộ Cụm H63, Phòng Tình báo Miền, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng tham mưu. thượng úy Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo, tên thường gọi là Tám Thảo) là một trong số nữ điệp viên hiếm hoi được vinh dự nhận danh hiệu anh hùng.
Câu chuyện về cuộc đời và những công việc bí ẩn của cô Tám Thảo đưa chúng ta về với những năm tháng tuổi trẻ hào hùng và gian khổ của lực lượng tình báo tinh nhuệ một thời.
Kỳ I: Học trò nhỏ của anh hùng Phạm Ngọc Thảo
Gặp cô Tám Thảo ngay sau khi cô nhận được danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, nom nhà tình báo ở tuổi 86, tóc bạc trắng nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát và những câu chuyện về cuộc đời hoạt động như “từng thước phim tư liệu” lấp lánh sắc màu hiện diện mỗi ngày trước mắt cô vậy. Cô nói: “Tôi vào nghề tình báo vì đam mê thôi. Trải qua thời gian, nhiều lúc đam mê ấy tưởng bị chôn vùi vì đủ thứ việc không tên tổ chức giao cho, nhưng tôi vẫn kiên định đi theo ước mơ thời tuổi trẻ của mình và làm những công việc đôi khi vượt qua sức chịu đựng của con người”.
Anh hùng Phạm Ngọc Thảo khi còn làm tỉnh trưởng Kiến Hòa (tỉnh Bến Tre ngày nay) Ảnh: Tư liệu
Khởi đầu từ ước mơ lãng mạn
Gia đình cô Tám Thảo gốc ở tỉnh Bắc Ninh, vào Nam với nghề buôn tơ lụa thành đạt, giàu có. Tên khai sinh của cô là Nguyễn Thị Mỹ Nhung, sau đi hoạt động cô lấy tên Nguyễn Thị Yên Thảo, tên thường gọi là Tám Thảo. Sinh ngoài Bắc, 8 tuổi vào Nam, cô vẫn nhớ những ký ức về xứ Kinh Bắc đẹp đẽ và những người con gái rất tảo tần tháo vát. Gia đình bán tơ lụa, mẹ cô khéo giao dịch, ăn nói rất có duyên. Cha cô tính trầm, rất thương và ủng hộ con.
Thời kỳ chống Pháp, gia đình cô buôn bán vải ở Đồng bằng sông Cửu Long. Lúc ấy thanh niên hoạt động chống Pháp mạnh mẽ. Cô bé Nhung biết có người hoạt động tình báo đang ở trong gia đình cậu ruột. Bé Nhung cũng thích được làm tình báo, bèn đến xin theo chị Nguyễn Thị Minh là một tình báo viên (đang ở nhà ông cậu). Thấy cô bé còn nhỏ mà gan lỳ lại đam mê công việc tình báo, chị Minh giới thiệu cô bé Nhung với tổ chức. Công việc tập sự ban đầu là đưa những tài liệu từ trong nội đô ra khu căn cứ của Việt Minh.
Má cô biết cô hoạt động, cười đùa: “Mày muốn đi lấy chồng chứ đi cách mạng gì”. Nhiều năm sau, khi con gái lớn tuổi mà vẫn hoạt động cách mạng, không lập gia đình, bà cụ giục chuyện chồng con. Cô Nhung lôi lại chuyện xưa, bảo: “Đấy! Ngày xưa mẹ bảo con đi làm cách mạng là để kiếm chồng, bây giờ má thấy con đi cách mạng không phải kiếm chồng nha”.
Sau nhiều lần làm giao liên, cô bé Nhung bị địch theo dõi truy lùng. Một lần cô về nhà,cô còn nhớ đó là buổi chiều, vừa đi bộ về tới nhà, má cô nhìn con, một lúc sau mới bảo: “Đừng về nữa! Tụi nó đi tìm”. Thế là từ hôm đó, cô bé Nhung ở lại cứ. Năm 1950 cô được kết nạp Đảng tại chiến khu.
Hai chị em Mỹ Nhung (phải), Mỹ Linh đã được giao nhiệm vụ kết nối liên lạc giữa Phạm Ngọc Thảo với tổ chức tình báo miền
Người thầy đầu tiên
Vào nghề tình báo, cô bé Nhung được đào tạo các kỹ năng hoạt động. Đơn vị tình báo tuy nằm trong chiến khu, nhưng đóng riêng trên một ốc đảo, không ai vào được, trừ người trong đơn vị. Tại đây, cô được dìu dắt, tập luyện ngày đêm để có thể hoạt động trên nhiều địa bàn khác nhau. Chính những người tình báo đi trước cùng đơn vị là tấm gương, là những người thầy đầu tiên của cô.
Một vinh dự, trách nhiệm, cũng là kinh nghiệm hoạt động quý báu về sau của cô bé Nhung, chính là nhiệm vụ đưa nhà tình báo huyền thoại Phạm Ngọc Thảo đi gặp các cơ sở cách mạng tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ban đầu chị Minh làm liên lạc cho anh Phạm Ngọc Thảo, sau đó chị Minh đưa Nhung đi theo để “học việc”. Sau khi Nhung đã thạo việc, chị Minh giao hẳn cho Nhung làm giao liên cho Phạm Ngọc Thảo.
Nhớ lại những bài học đầu tiên với nhà tình báo lớn, cô Tám Thảo kể: “Lúc đó tôi mới hơn 16 tuổi, lòng tràn đầy ước mơ đi làm tình báo. Được giao nhiệm vụ làm giao liên cho anh Phạm Ngọc Thảo suốt 3 tháng ròng, bản thân không có vũ khí gì, nhưng tôi luôn tin tưởng rằng mình sẽ hoàn thành tốt công việc”.
Ban đầu, cô bé Nhung dẫn Phạm Ngọc Thảo tới từng cơ sở, sau khi anh đã biết đường đi lối lại, cô chỉ dẫn anh tới một quãng đường rồi chờ anh vào gặp cơ sở xong, đi ra, lại tiếp tục dẫn về. Nhà tình báo lão thành vẫn nhớ như in sự chăm sóc quan tâm của Phạm Ngọc Thảo với cô giao liên tình báo mặt còn hơi sữa. “Phạm Ngọc Thảo người xương xương, cao cao, giống như diễn viên Chánh Tín đã đóng vai Nguyễn Thành Luân vậy” - cô Tám Thảo nhớ lại. Là một nhà tình báo, nhưng anh Thảo luôn nhẹ nhàng và luôn có nụ cười rất đẹp.
Kết nối với Phạm Ngọc Thảo tại Sài Gòn
Sau thời kỳ hoạt động và rèn luyện tại Đồng bằng sông Cửu Long, Tám Thảo được tổ chức “bắn” vào Sài Gòn để chuẩn bị cho những công việc quan trọng tiếp theo. Lúc này, gia đình của cô cũng về Sài Gòn buôn bán tơ lụa. Nhà của cô cũng là cơ sở để cô gặp gỡ, tiếp xúc với lực lượng tình báo trong nội thành.
Nhớ ngày mới lên Sài Gòn, tổ chức biết cô từng làm liên lạc cho Phạm Ngọc Thảo, nên cử cô và em gái là Mỹ Linh (cùng hoạt động tình báo trong một tổ) tìm cách bắt liên lạc với Phạm Ngọc Thảo.
Anh Thảo khi đó nổi tiếng là một “chuyên gia tổ chức đảo chính” rất nổi tiếng trong bộ máy chính quyền. Để đảm bảo an toàn, Mỹ Linh, em gái của Tám Thảo đã đến gặp đại tá Phạm Ngọc Thảo. Nhờ Mỹ Linh kết nối, Phạm Ngọc Thảo đã bắt được liên lạc với đơn vị tình báo miền. Mỹ Linh đưa Phạm Ngọc Thảo gặp tổ chức tình báo của ta, Phạm Ngọc Thảo rất vui mừng. Anh cũng nhận được những chỉ thị hết sức quan trọng.
Khi được tin Phạm Ngọc Thảo hy sinh, chị em Mỹ Nhung, Mỹ Linh rất đau xót. Cô nhớ lại: “Tôi nghe người nói anh Thảo bị bắn chết. Tôi rất đau lòng. Bởi anh Thảo là người rất hiền, nhất là nụ cười của anh ấy. Gia đình Phạm Ngọc Thảo rất giàu có, là tư sản lớn ở Vĩnh Long, vậy nhưng anh bỏ tất cả sự sung sướng phong lưu để đi làm cách mạng, chấp nhận hy sinh”. (Còn nữa)
Anh hùng Phạm Ngọc Thảo sau này trở thành cảm hứng để ngành điện ảnh xây dựng nên nhân vật Nguyễn Thành Luân trong phim “Ván bài lật ngửa”. Cô Nhung nói, “Nhân vật Nguyễn Thành Luân khá giống với anh Thảo, song ở ngoài đời thì Phạm Ngọc Thảo còn có sức lôi cuốn hơn cả nhân vật trong phim ảnh!”. |
Ngày vui của đất nước cũng là ngày đoàn tụ của gia đình ông sau gần 30 năm vợ chồng xa cách.