Chuyện lần đầu mới kể từ điều dưỡng cận kề bệnh nhân 91

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Không ngại lây nhiễm, các điều dưỡng BV Chợ Rẫy hết lòng với công việc và đã góp phần cứu sống bệnh nhân người Anh.

“Chiều 22-5, bệnh nhân (BN) phi công người Anh được chuyển từ Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM qua BV Chợ Rẫy và tôi là người tiếp nhận BN này” - chị Lê Thị Hồng Thắm, 28 tuổi, điều dưỡng Khoa hồi sức cấp cứu thuộc BV Chợ Rẫy, kể.

Chăm sóc bệnh nhân lúc hôn mê thì cực, lúc tỉnh táo thì khổ

Kể từ ngày đó, chị Thắm dành trọn thời gian trong BV để chăm sóc BN nặng gần 90 kg nằm mê man, bất động ngày đêm, từ việc truyền dịch cho tới tiêm thuốc, từ việc theo dõi nhịp thở cho tới vệ sinh cơ thể…

Nếu làm ca sáng, chị Thắm cặm cụi chăm sóc BN từ 7 giờ tới 14 giờ, ca chiều từ 15 giờ đến 21 giờ và ca đêm từ 21 giờ tới 7 giờ sáng hôm sau. Chị Thắm luôn theo dõi sức khỏe sát sao và báo bác sĩ mỗi khi có chuyện bất thường.

“Sợ thì có sợ do BN đã nhiễm COVID-19. Bởi vậy, tôi tự nhủ không được chủ quan và hết sức thận trọng trong việc phòng hộ cũng như kiểm soát nhiễm khuẩn mỗi ngày” - chị Thắm chia sẻ.

Do mức độ lây nhiễm có nguy cơ cao nên chị Thắm không dám nói với người thân vì sợ mọi người lo lắng. Chị âm thầm với công việc và thầm mong BN mau hồi phục. Cho dù BN hôn mê nhưng mỗi lần tiêm, mỗi lần truyền dịch hoặc thực hiện bất kỳ thủ thuật nào, chị Thắm vẫn nói nhỏ vào tai BN với hy vọng BN vẫn nghe được.

“Và điều kỳ diệu đã tới. Sức khỏe BN hồi phục từng giờ, từng ngày, cho tới khi mở mắt, động tay động chân và tỉnh táo hẳn. Vậy là công sức của tất cả nhân viên y tế đã được đền đáp” - chị Thắm chia sẻ.

Chăm sóc BN mê man có nỗi cực riêng, chăm sóc BN tỉnh táo cũng có nỗi khổ riêng. Nhớ lần đầu mở khí quản cho BN, do BN không biết chị Thắm đang làm gì nên khó chịu và căng thẳng. BN lại nói tiếng Anh giọng Scotland rất khó nghe nên chị Thắm gần như chẳng hiểu gì. Với vốn tiếng Anh ít ỏi, chị Thắm cố gắng giải thích và dần dà BN cũng hiểu. Từ hiểu tới thông cảm, từ thông cảm dẫn đến mối quan hệ giữa điều dưỡng và BN tốt hơn.

Điều dưỡng Lê Thị Hồng Thắm cho bệnh nhân phi công người Anh uống nước. Ảnh: BVCC

Điều dưỡng Lê Thị Hồng Thắm cho bệnh nhân phi công người Anh uống nước. Ảnh: BVCC

Học tiếng Anh, dạy tiếng Việt cho bệnh nhân

“Ngôn ngữ là rào cản lớn nhất mà tôi đối mặt. Do hạn chế tiếng Anh nên đôi khi việc tôi làm khiến BN không vui. Do vậy, tôi mày mò học thêm tiếng Anh mỗi khi rảnh rỗi. Những câu tiếng Anh tôi học đầu tiên là “Tôi có thể giúp đỡ gì cho ông?”, “Tôi sẽ cố gắng làm những gì để ông cảm thấy thoải mái nhất”… Tôi cũng cố gắng học những từ chuyên môn y khoa để có thể hiểu và giải thích cặn kẽ cho BN” - chị Thắm cho biết.

Sau khi BN tỉnh táo, tập vật lý trị liệu là phương pháp hết sức quan trọng. Với vốn liếng tiếng Anh vừa học được, chị Thắm giải thích để BN hiểu việc cần thiết phải tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động tay, chân sau thời gian dài nằm trên giường bệnh.

“Tôi phát âm không chuẩn, câu cú cũng chẳng đúng ngữ pháp, vậy mà BN vẫn hiểu và làm theo. BN cũng nhờ tôi dạy những từ tiếng Việt đơn giản như “ngồi”, “đi”, “ăn”, “nghỉ”… Đôi lúc tôi nín cười vì cách phát âm ngọng nghịu của BN” - chị Thắm nói.

Công lao đầu tiên thuộc về điều dưỡng

Công lao chữa trị cho BN 91 đầu tiên thuộc về các điều dưỡng, bởi bác sĩ sau khi khám cho BN rồi ra, công việc còn lại dồn lên vai các điều dưỡng cả ngày.

BS TRẦN THANH LINH,Phó Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy  

“Có thể nói 26-5 là ngày đánh dấu bước ngoặt cuộc đời của BN người Anh và là ngày tôi không thể quên, bởi sau bốn ngày được chuyển từ BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM (22-5) qua BV Chợ Rẫy, BN có dấu hiệu hồi phục” - BS Trần Thanh Linh, Phó Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu - BV Chợ Rẫy, chia sẻ.

“Tôi nhớ rất rõ tối 26-5, một bác sĩ và hai điều dưỡng trố mắt nhìn nhau và muốn hét to khi thấy những ngón tay BN động đậy sau hai tháng nằm mê man. Ánh sáng cuối đường hầm đã le lói và là tia hy vọng lớn lao cho thấy BN đã vượt qua giai đoạn nguy kịch” - BS Linh chia sẻ thêm.

Cũng có thể nói nụ cười của nhân viên y tế trong đêm 26-5 rất đẹp, bởi họ gần như trút bỏ được nỗi lo lắng đeo nặng trên người kể từ khi tiếp nhận BN phi công người Anh.

Những ngày tiếp theo, công việc của điều dưỡng thêm vất vả khi phải chăm sóc một BN “khó tính”. Vượt qua mọi rào cản và trở ngại, điều dưỡng đã giúp BN phi công người Anh hồi phục từng ngày, từng ngày…

“Đến ngày 12-6, sau khi rút nội khí quản, câu đầu tiên BN thốt ra là “Fantastic" (tuyệt vời). Đúng vậy, BN phi công người Anh được bác sĩ Việt Nam cứu sống quả là một thành tích tuyệt vời. Càng tuyệt vời hơn, những điều dưỡng nhỏ bé đã góp công sức to lớn đưa BN từ cõi chết trở về cuộc sống thực tại” - BS Linh trải lòng.

Đề nghị thưởng nhóm điều trị bệnh nhân phi công Anh 500 triệu đồng

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, BN91 là ca bệnh rất khó. Các y, bác sĩ đã nỗ lực gần ba tháng rưỡi qua cứu BN từ chỗ gần như hết hy vọng, đến nay BN đã gần như bình phục hoàn toàn.

Hiện văn bản đề nghị tặng thưởng nhóm điều trị BN phi công người Anh tại hai BV và một số chuyên gia hỗ trợ đã được gửi đến cấp có thẩm quyền.

Bệnh nhân 91 hứa chở y, bác sĩ Việt Nam bay trên bầu trời

“Bệnh viện phải mời đầu bếp là người châu Âu để nấu nướng những món ăn theo yêu cầu của bệnh nhân. Bệnh viện...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Ngọc- Hoàng Lan ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN