Chuyện làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

174 bút danh, 5 lần xuất hiện trên bìa Tạp chí Time, là tổng biên tập và chủ bút của nhiều tờ báo lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hàng ngàn bài báo cho nhiều tòa soạn khác nhau...

174 bút danh, 5 lần xuất hiện trên bìa Tạp chí Time, là tổng biên tập và chủ bút của nhiều tờ báo lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hàng ngàn bài báo cho nhiều tòa soạn khác nhau từ trong nước cho tới hải ngoại trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng.

Người không chỉ là thày của rất nhiều nhà báo, một cây viết chính luận xuất sắc, một nhà báo có tầm ảnh hưởng lớn tới nền báo chí nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người khai sinh ra nền Báo chí cách mạng Việt Nam.

Từ viết bởi đam mê…

Xét trên bình diện quốc tế, Hồ Chí Minh là nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự thiên tài, nhà ngoại giao kì cựu, danh nhân văn hóa thế giới. Xét về tài năng, Người còn là một nhà thơ, nhiếp ảnh gia, họa sĩ … và có một nghề hẳn giới chuyên môn phải luôn ngả mũ kính trọng, đó là nghề báo. Năm 1911, trong những ngày tháng chuẩn bị ra đi tìm đường cứu nước, tại khu vực thương cảng Sài Gòn, Người làm nghề bán báo dạo để kiếm sống. Niềm đam mê cầm bút bắt đầu hình thành đối với người thanh niên trẻ từ khi ấy.

Chuyện làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bìa báo chí phương Tây...

Khi bôn ba tìm đường cứu nước, Người làm nghề đánh máy, biên dịch, rồi viết báo. Những năm tháng sống ở Pháp, Mỹ, Liên Xô và sau này là Trung Quốc, Thái Lan… ngòi bút của Nguyễn Ái Quốc ngày càng được trau dồi, rèn giũa để trở thành nhà báo Hồ Chí Minh như chúng ta biết sau này. Những bài viết đầu tiên của Người chính là bản “Yêu sách của nhân dân Việt Nam” (hay còn gọi là bản yêu sách 8 điểm) được gửi đến hội nghị Versailles (Véc xây) năm 1919; “Tâm địa thực dân”, “Sự thực cuộc sống lầm than của người dân An Nam”… được báo chí Pháp đăng tải, khi đó đã gây tiếng vang lớn. Cái tên Nguyễn Ái Quốc bắt đầu được công chúng biết tới với tư cách là một nhà báo; còn nhà cầm quyền Pháp bắt đầu biết tới một nhà cách mạng “sừng sỏ” khó đối phó.

… đến phục vụ lý tưởng

Với niềm đam mê, Người đã dấn thân vào nghề báo với lý tưởng phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân. Từ những bài viết tuyên truyền, cổ vũ tinh thần, khơi dậy tinh thần yêu nước, cho tới những bài viết biểu dương những cái tốt, người tốt, việc tốt, ngăn chặn và đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực… Mỗi thời kì, mỗi giai đoạn, những bài viết của Người mang những sứ mệnh lịch sử khác nhau. Người coi ngòi bút là vũ khí sắc bén, báo chí là mặt trận và mỗi người cầm bút là một chiến sĩ.

Ngoài 174 tên gọi, bí danh, bút danh và hơn 2.000 bài báo đã được xác thực, Người còn có rất nhiều bài viết, bút danh mà chúng ta đang trong quá trình khảo cứu và tìm hiểu. Đặc biệt, nếu tính từ bài báo đầu tiên năm 1919 đến khi từ trần năm 1969, trong suốt 50 năm cầm bút, Người còn là tổng biên tập, chủ bút – linh hồn của rất nhiều tờ báo. Năm 1922, tại Pháp, Người tham gia sáng lập tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ) và là “linh hồn” của tờ báo khi vừa làm chủ bút, chủ biên. Với báo “Người cùng khổ”, bằng ngòi bút sắc sảo, Người vạch trần tội ác của bọn thực dân ở các xứ thuộc địa, ủng hộ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa đòi quyền sống, quyền con người, quyền dân tộc của các dân tộc thuộc địa. Năm 1924, Người sáng lập báo “Quốc tế nông dân”.

Đặc biệt, năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã thành lập tờ báo “Thanh niên” - cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội”, ra số đầu tiên ngày 21/6/1925. Từ đó, ngày 21/6 hàng năm trở thành dấu mốc cho sự ra đời của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Sau này, tờ Thanh niên đã hoàn thành tốt vai trò tuyên truyền con đường cách mạng giải phóng dân tộc, tập hợp và giác ngộ quần chúng, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930).

Nhận thức rõ tầm quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng, khi cầm bút, Người rất cẩn trọng trong từng câu chữ, ý tứ, nội dung các bài viết của mình, với tâm niệm viết sao cho dân chúng hiểu và quan tâm đọc. Chính vì lẽ đó, văn phong của Người thường ngắn gọn, trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ mà vẫn thể hiện những nội dung quan trọng cần truyền bá tới người dân. Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9/1962), Người tổng kết: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Hơn ai hết, nhà báo phải là người chí công vô tư, có hiểu biết rộng và nhất là có cái tâm trong sáng”.

Người dạy, báo chí là một nghề, cho nên người làm báo phải biết trau dồi kiến thức, học tập lý luận, lăn lộn trong thực tiễn và gắn bó với nhân dân. Văn phong báo chí Hồ Chí Minh được coi là khuôn thước cho tất cả các thế hệ nhà báo sau này. Nói như ông Vũ Kỳ, thư ký của Người: “Trong đội ngũ lãnh đạo nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngắn nhưng không thiếu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết dài nhưng không thừa” để nói về “thói quen” cầm bút của 2 con người được nhân dân Việt Nam đặc biệt quý trọng…

Triển lãm Bác Hồ với Báo chí cách mạng Việt Nam

Ngày 18/5, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã khai mạc triển lãm “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với Báo chí cách mạng Việt Nam” nhân dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2015) và 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2015). Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn: “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với Báo chí cách mạng Việt Nam” là một chủ đề lớn, xuyên suốt lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam. Ngay từ rất sớm, Người đã nhận thức rất rõ vai trò của báo chí, sử dụng báo chí như một hoạt động hữu hiệu để hoạt động cách mạng, làm nên thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam”.

Đáng chú ý, tại cuộc triển lãm này có nhiều hiện vật, tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh được giới thiệu. Trong đó, nổi bật là bức ảnh Bác Hồ đánh máy chữ năm 1950, có chữ ký và triện của Bác Hồ tặng nhà quay phim Nguyễn Thế Toàn; bài trả lời phỏng vấn 4 tờ báo của Nhật Bản có bút tích biên tập của Bác Hồ; bộ sưu tập 48 bức ảnh về các cuộc tiếp xúc, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí nước ngoài...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Phương (Infonet.vn)
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN