Chuyện lạ về "ông vua" đôi dép huyền thoại: Hạn chế người mua

Mỗi khách hàng chỉ được mua 1 đôi trong 1 năm. “Ông vua” của đôi dép huyền thoại này còn cẩn thận ghi lại tên tuổi, địa chỉ của người mua.

Chuyện lạ về "ông vua" đôi dép huyền thoại: Hạn chế người mua - 1

Hơn nửa thế kỷ ông Xuân đã làm thủ công hàng trăm nghìn đôi dép lốp

“Ông vua dép lốp” Hà thành

Trong con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Biểu (Ba Đình, Hà Nội) vẫn còn một người thổi hồn vào các lốp xe cũ, “hô biến” chúng thành những đôi dép cao su (dép lốp).

Ông Phạm Quang Xuân (1942) là người thợ nổi tiếng làm dép cao su duy nhất còn sót lại ở Hà Nội. Từ những ngày phụ cha làm dép khi tuổi 12, tới nay ông đã có hơn 60 năm có lẻ làm công việc này.

Chuyện lạ về "ông vua" đôi dép huyền thoại: Hạn chế người mua - 2

Đo khổ đế dép từ nguyên tấm cao su

Tròn 18 tuổi ( năm1960), ông đã làm việc tại xí nghiệp dép lốp Trường Sơn số 45 hàng Bồ. Đây là thời điểm “hưng thịnh” của thứ đồ mà theo ông là “xa xỉ phẩm” lúc ấy. Sau đổi mới người dân không còn ưa chuộng, dép lốp không còn sức hấp dẫn, không cạnh tranh được với nhiều mẫu mã, chất liệu đa dạng trên thị trường thì cũng là thời điểm xí nghiệp giải thể.

Không còn làm dép nhưng trùng hợp một điều, những công việc về sau của ông đều có liên quan ít nhiều với lốp xe và cao su. Từ thợ kim khí, thợ làm đệm đường tàu… Mãi đến khi về hưu vì nhớ nghề thêm có thời gian rảnh, ông lại hì hục với lốp xe cũ làm dép tặng bạn bè.

Vật liệu làm dép là những lốp ô tô, lốp máy bay cũ, đều là các loại phương tiện vận tải siêu cường, siêu trọng. Tuy đã qua sử dụng nhưng phần cao su còn rất dày.

Cầm chiếc dùi mũi khế sắc nhọn trên tay, ông đưa từng đường một cách khéo léo, tỉ mỉ. Từ việc phá lốp cắt đế, soi viền, khía rãnh, dùi quai, lên quai, tất cả đều được làm thủ công và thành thục chỉ chưa đầy 40 phút.

Chuyện lạ về "ông vua" đôi dép huyền thoại: Hạn chế người mua - 3

Từng đường dao cắt đế rất “ngọt”

Khó nhất là khâu lên quai dép, làm sao để người đi xỏ vào vừa vặn, ôm chân không bị tuột, gây cảm giác đau, vướng. Quai đeo phải tỉ lệ với đế và kích cỡ đế dép.

Công việc này không phải việc phổ biến, nên đồ nghề của ông cũng là những dụng cụ đặc biệt: “Qua vài chục năm làm nghề, những ngày đầu chưa có máy móc hay dụng cụ thì sản phẩm làm ra cũng thô sơ, sau rút kinh nghiệm dần, càng làm càng nghĩ ra được những thứ đồ phục vụ cho công việc tốt mà hiệu quả hơn, tôi phải đặt theo ý đồ riêng của mình, vậy nên nhiều thứ không ai có cả”. Ông chia sẻ.

Hạn chế số lượng mua, phân phối sản phẩm như thời bao cấp

Ông Xuân là người đầu tiên mô phỏng hình bản đồ Việt Nam cùng 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lên hàng nghìn đôi dép lốp.

Với ông, đó không đơn giản là việc khẳng định chủ quyền dân tộc mà còn như một cách để người đi hiểu rằng dép lốp là sản phẩm độc quyền của Việt Nam, theo dấu chân người Việt đi khắp mọi miền Tổ quốc.

Chuyện lạ về "ông vua" đôi dép huyền thoại: Hạn chế người mua - 4

Ông Xuân là người đầu tiên mô phỏng hình bản đồ Việt Nam lên dép lốp

Ở tuổi 75, sức khỏe không còn như xưa, ông Xuân tự đặt giờ giấc để có thể duy trì công việc lâu dài hơn. Hàng ngày, ông làm việc tới 16h giờ chiều thì nghỉ. Vì thế mà lượng dép làm ra cũng ít đi và chủ yếu theo nhu cầu đặt hàng của khách.

Mỗi khách hàng chỉ được mua 1 đôi trong 1 năm, ông có ghi chép lại cẩn thận ra cuốn sổ riêng. Khi không có loại lốp phù hợp, khách đợi đến 2 tháng mới có dép là chuyện bình thường.

Việc hạn chế số lượng, phân phối sản phẩm theo đầu người này càng làm những người mê dép lốp liên tưởng tới thời bao cấp xưa. Cũng là cách để tránh có người mua số lượng nhiều đổ mối buôn bên ngoài.

Những Cựu binh Pháp, Mỹ trực tiếp đến hoặc nhờ người thân tìm mua dép lốp như cách họ tìm lại phần ký ức trong quá trình tham chiến tại Việt Nam.

Có người mua để sử dụng hoặc làm quà tặng vì chất liệu đặc biệt cũng như độ bền của nó, nhiều vị khách tìm gặp ông Xuân đơn giản là muốn tận mắt xem cách làm loại “dép Bác Hồ”, “dép Bác Giáp” như thế nào.

Những điều đó càng thêm khẳng định giá trị lịch sử những đôi dép lốp thương hiệu Việt thật đặc biệt và không bị lãng quên.

-------------------

Hà Nội xưa có nhiều nghề mà đến nay đã có không ít bị mai một theo thời gian. Tuy nhiên, vẫn có những nghề "hot" một thời còn tồn tại. Đón đọc kì tiếp theo "Kỳ nhân" vẽ truyền thần: Khách nhận tranh ngồi khóc hàng giờ vì... quá giống vào lúc 0h30 ngày 6/9.

Khó tin giữa lòng phố cổ Hà Nội vẫn có người đàn ông làm nghề này

Nhà mặt tiền phố cổ, chỉ cần cho thuê cũng được khá tiền nhưng ông Hùng quyết giữ cái nghề truyền thống cha ông để...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Cảnh ([Tên nguồn])
Những nghề HOT một thời ở Hà thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN