Chuyện lạ về người đàn ông 30 năm vớt xác trên sông Hồng
Hơn nửa cuộc đời làm nghề vớt xác chết và cứu người nhảy cầu tự vẫn trên sông Hồng nhưng ông Nguyễn Văn Lội (hay gọi là Chắc) chưa bao giờ muốn kể về nó. Cứ mỗi vụ qua đi, ông lại cho nó vào quá khứ, bởi “mỗi lần nhắc đến là mỗi lần khiến tôi đau lòng”.
Ông Chắc hồi tưởng chuyện nghề vớt xác của mình. Ảnh: Q.C
Nửa cuộc đời làm nghề… vớt xác
Ông Nguyễn Văn Lội gần 60 tuổi với thâm niên hơn 30 năm làm nghề vớt xác là câu chuyện mà chúng tôi tình cờ được biết trong một chuyến tác nghiệp trên sông Hồng cách đây chưa lâu. Thuyền của ông đậu ven bờ sông Hồng, thuộc tổ dân phố số 12, phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Ông Lội được người ta quen gọi là “Chắc” – như thân hình nhỏ bé nhưng rắn chắc của ông.
Ông sinh ra, lớn lên rồi mưu sinh trên con sông hùng vĩ này. Ông bảo, từ nhỏ đã chứng kiến không biết bao nhiêu xác người trôi dạt ở sông Hồng. Cứ nhìn thấy là ông vớt xác rồi an táng cho người quá cố. Sau này, khi có những chiếc cầu nối liền hai bờ sông Hồng trên địa bàn Hà Nội, ông lại đau đớn chứng kiến cảnh nhiều người gieo mình từ trên cầu xuống nước với bất cứ lý do gì. Cứ mỗi lần như thế, người ta lại đến nhờ ông đi tìm người thân, ngày một nhiều hơn. Chẳng biết khi nào, nghề vớt xác trở thành một cái nghề mặc nhiên gắn bó với cuộc đời ông.
Khi chúng tôi trò chuyện với ông về cái sự kiêng cữ của những người làm nghề sông nước rằng “không ai được cướp miếng ăn của hà bá”, ông đã gạt phắt: “Ai kiêng thì mặc họ chứ riêng tôi thì không. Nhà nào có người chết đuối, đến nhờ là tôi giúp”.
Câu chuyện ông Chắc chuyên vớt xác trôi sông “nổi tiếng” đến mức, gia đình nào không may mắn có người nghĩ quẩn gieo mình trên sông Hồng là họ lại tìm đến ông Chắc. Thời gian đầu ông Chắc làm công việc vớt xác, nhiều người trong xóm vạn chài và tổ dân phố dị nghị cho rằng ông không bình thường. Bởi, chẳng ai dại gì làm cái công việc mà chỉ nghe nói đã thấy lạnh gáy này. Tuy nhiên, bỏ ngoài tai những lời dị nghị ấy, ông Chắc vẫn tiếp tục công việc cứu người, vớt xác của mình trong suốt hơn 30 năm qua.
Mỗi lần vớt xác là làm lễ xin thần linh tha tội
Quang cảnh khúc sông nơi vợ chồng ông Chắc mưu sinh.
Làm cái việc vất vả và đặc biệt như vậy, nhưng ông Chắc không bao giờ để ý đến tiền bạc, ai cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu. Nhiều khi ông còn phải bỏ tiền túi ra lo cho những người đuối nước không có thân nhân. Thậm chí, có khá nhiều người, sau khi ông chôn cất đến nhận người thân, nhà nghèo quá, ông phải bỏ tiền túi ra giúp đỡ việc đi lại, đưa về quê.
Người đàn ông vạn chài ấy tâm sự: “Chả ai làm giàu bằng nghề này bao giờ. Nhưng đã là việc tâm đức thì phải làm hết mình. Nghề gì thì cũng mưu sinh nhưng ắt phải có tâm đức dù có phải đánh đổi bằng sức khỏe vẫn làm. Gặp người chết trôi trên sông, tôi không thể làm ngơ được. Khi ấy, tôi lại vớt vào bờ, kiểm tra trên người họ có giấy tờ tùy thân gì không, hoặc ai còn điện thoại trong người thì tôi tháo lấy sim rồi tìm cách liên lạc để báo tin về cho gia đình họ. Còn nếu không có bất cứ một thông tin gì, tôi lại báo cho công an phường”.
Cứ mỗi lần sau khi vớt xác như thế, ông lại phải tiến hành làm lễ tạ ơn để xin thần linh tha tội vì đã động chạm đến lòng sông. Trong cuộc đời sông nước của mình ông Chắc đã cứu, vớt hàng trăm người vì nhiều nguyên do mà trầm mình xuống sông.
Gắn bó với việc vớt xác ngót 30 năm, người dân nơi này ai cũng biết “ông Chắc vớt xác”. Thậm chí, nhiều người còn nhớ cả số điện thoại của ông để mỗi khi có người tự tử, hay cần tìm xác là gọi cho ông Chắc. Bao nhiêu năm “cướp miếng ăn của Hà Bá”, với ông Chắc chỉ cần nghe tiếng động lạ trên mặt nước phẳng lặng, bất kể ngày hay đêm thì thân hình đen xạm, nhỏ thó của ông lại nhanh thoăn thoắt leo lên chiếc xuồng máy phóng thật nhanh đến nơi đó.
Trên gương mặt đã in hằn những nếp nhăn thời gian, ông Chắc hồi tưởng lại: “Cứ mỗi lần vớt lên được một cái xác do tự tử là tôi lại xót xa, người càng trẻ thì càng khiến tôi không khỏi ngậm ngùi. Nói về những lần vớt xác, không biết bao nhiêu chuyện nhưng tôi không muốn kể về nó. Tôi muốn nói về một vụ mà ai cũng biết là câu chuyện đi tìm kiếm xác chị Huyền trong vụ Cát Tường. Mặc dù không phải là người trực tiếp tìm thấy nhưng tôi là người đem thi thể người đã bị mất đầu nghi là chị Huyền lên bờ để phục vụ công tác điều tra. Do xác ở dưới nước quá lâu nên đang trong quá trình phân hủy và việc trục vớt gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, xác bốc mùi hôi thối nên chẳng ai dám đảm nhiệm, nên tôi lại xắn tay làm”.
Hơn nửa cuộc đời lênh đênh trên sông Hồng, ông Chắc bảo: “Có năm tôi vớt cả chục xác, có năm thì 2, 3 xác. Cứ mỗi vụ việc qua đi là tôi cho vào quá khứ. Cứu người cũng vậy, có người quay lại cảm ơn, nhận tôi làm bố nuôi hoặc ân nhân nhưng vì cuộc sống bình yên, tôi không muốn tiết lộ danh tính của họ”, ông Chắc tâm sự.
Không lên bờ vì nhớ sông nước
Trong cái nhà được ghép nối giữa 2, 3 cái thuyền nhỏ lại với nhau, ông Chắc nhìn về phía bà Ngọc, vợ ông với ánh mắt trìu mến. Ông bảo, cuộc đời ông may mắn là có người vợ luôn thấu hiểu và ủng hộ, sát cánh bên chồng. Bà Ngọc không ghê sợ với việc chồng làm, thậm chí, “nhiều ca” phức tạp bà còn phụ giúp ông. Bà Ngọc chia sẻ: “Mới đầu, tôi sợ lắm nhưng được chồng trấn an tôi lại yên tâm. Lâu dần thành quen, tôi lại thấy hãnh diện”. Cũng như mẹ, hai người con trai cuả ông Chắc cũng rất tự hào và ủng hộ công việc của bố.
Điều khiến chúng tôi khá tò mò là mặc dù ông Chắc có ngôi nhà khang trang ở tổ dân phố số 12, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, nhưng gần như ông ít khi… lên bờ. “Tôi sống nhờ vào con sông này mấy chục năm rồi. Để có được ngày hôm nay, chúng tôi nhờ vào con tôm, con cá dọc ven sông Hồng. Hai vợ chồng chúng tôi đã quen ở sông nước, bây giờ nằm ngủ mà không được lắc lư theo con sóng thì ngủ không ngon được. Bao nhiêu năm ở đây, tôi cứu được khá nhiều người nhảy cầu tự vẫn, giúp được bao gia đình tìm thấy xác người thân nên tôi nghĩ, còn khỏe là tôi vẫn tiếp tục cứu người và vớt xác. Chỉ trừ khi nào già yếu không theo được nữa thì mới chấp nhận lên bờ”.
Nhìn về phía lòng sông Hồng mênh mang, ông Chắc bộc bạch: “Có lẽ cái số của tôi sinh ra là phải gắn với công việc này, nhiều lúc cũng nghĩ đến việc bỏ hẳn để tránh phiền hà. Tuy nhiên, ai đến nhờ thì tôi lại mủi lòng và tiếp tục tham gia tìm kiếm. Cứ nhiều lần như vậy, muốn lên bờ là lại nhớ sông, nhớ nước, nhớ thuyền, nhớ lưới… nên chả lên được”.
“Chẳng hiểu sao người ta tìm đến cái chết dễ dàng thế. Thà bị nạn còn được, đằng này, chỉ vì yêu đương, học hành, tiền nong, chuyện vợ chồng mà tìm đến cái chết. Họ coi mạng sống thật vô nghĩa. Mình sống đến giờ, nghèo khổ đến mức này mà vẫn muốn sống, muốn có sức khoẻ để tiếp tục làm việc thiện”, ông Chắc tâm sự. |