Chuyện lạ Thanh Hóa: Mục sở thị cây ổi "phì cười" độc nhất xứ Thanh

Mỗi ngày có hằng trăm du khách đến viếng điện Lam Kinh và mục sở thị cây ổi "phì cười" mang dáng rồng, gốc phủ rêu xanh độc nhất Xứ Thanh, thuộc hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa).

Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 50 km về phía tây. Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng 200 ha, nơi anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược.

Sau khi chiến thắng, năm 1428, Lê Lợi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt.

Chuyện lạ Thanh Hóa: Mục sở thị cây ổi "phì cười" độc nhất xứ Thanh - 1

Lam Kinh di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Vũ Thượng

Về khu di tích Lam Kinh, du khách đến viếng điện Lam Kinh và tham quan chụp ảnh với nhiều công trình bề thế, những cây cổ thụ có hàng trăm năm tuổi. Đặc biệt, ở trong khuôn viên di tích có cây ổi mang dáng rồng độc nhất Xứ Thanh, được trồng từ năm 1933.

Chuyện lạ Thanh Hóa: Mục sở thị cây ổi "phì cười" độc nhất xứ Thanh - 2

Nhắm mắt, tĩnh tâm chạm tay nhẹ vào thân cây ổi có cảm giác lâng lâng. Ảnh: Vũ Thượng

Bà Đỗ Thị Tuyết, một du khách tham quan nói: "Nghe kể ở khu di tích Lam Kinh có cây ổi biết "phì cười" mang dáng rồng, thấy lạ nên tôi cho các con về chiêm ngưỡng. Đúng, khi chạm tay nhẹ vào thân cây ổi thì các đầu lá rung rinh, nếu nhắm mắt lại có cảm giác lâng lâng, quay cuồng đầu óc và rung lắc".

Chuyện lạ Thanh Hóa: Mục sở thị cây ổi "phì cười" độc nhất xứ Thanh - 3

Gốc cây sần sùi, phủ lớp rêu màu xanh. Ảnh: Vũ Thượng

Theo quan sát của phóng viên, cây ổi biết "phì cười" chỉ cao khoảng 3 mét, các cành, nhánh tỏa đều đi bốn hướng, thân cây sần sùi uốn lượn như con rồng, phía dưới gốc có chỗ lồi, lõm phủ lớp rêu màu xanh.

Bà Trịnh Thị Nghĩa (69 tuổi) kể: "Tôi vào khu di tích Lam Kinh làm việc được 20 năm, hằng ngày trực tiếp quét dọn khu vực lăng mộ vua Lê Thái Tổ và chăm sóc cây ổi biết "phì cười" dáng rồng. Cây ổi này rất lạ, phát triển chậm, quả chỉ to hơn ngón tay cái nhưng cho trái quanh năm, khi chín tỏa mùi thơm và thường được hái dâng lên mộ vua. Du khách về tham quan rất thích thú, khi đụng vào thân cây thì các đầu lá cứ đu đua nhẹ nhàng theo cơn gió".

"Theo kể lại, cây ổi “phì cười” do ông Trần Hưng Dẫn quê tỉnh Nam Định cung tiến năm 1933. Ông Dẫn vốn hiếm muộn con nên đã cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ, nhờ đó mà ông hạ sinh được quý tử. Để tỏ lòng thành, ông cung tiến 4 tượng voi, 2 cây long não và  cây ổi để trồng trong khu lăng mộ. Đến nay, dòng tộc ông Dẫn đang sinh sống tại Hải Phòng, mỗi đời chỉ có một người con trai nối dõi tông đường" bà Trịnh Thị Nghĩa kể thêm.

Chuyện lạ Thanh Hóa: Mục sở thị cây ổi "phì cười" độc nhất xứ Thanh - 4

Cây đa thị có hàng trăm năm tuổi. Ảnh: Vũ Thượng

Được biết, năm 2008, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã có đề án nghiên cứu cấp quốc gia về dòng gen của cây ổi ở Lam Kinh, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Ngoài cây ổi "phì cười" còn có cây sui hơn 500 tuổi, cây đa thị hơn 300 tuổi...đều là cây di sản Việt Nam.

Được biết, năm 1962 khu di tích Lam Kinh được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 2012, tiếp tục được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Hằng năm, cứ vào ngày 21 (giỗ Lê Lai) và 22 (giỗ Lê Lợi), tháng 8 Âm lịch nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội Lam Kinh để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân.

Chuyện lạ Thanh Hóa: Mục sở thị cây ổi "phì cười" độc nhất xứ Thanh - 5

Du khách thích thú khi nghe, chạm vào cây ổi "phì cười". Ảnh: Vũ Thượng

Bà Bùi Thị Ánh Tuyết - Phó trưởng ban khu di tích Lam Kinh cho biết: "Cây ổi "phì cười" ở đây rất đặc biệt, chưa ai giải thích được vì sao cứ đụng nhẹ vào thân thì các đầu lá lại đung đưa, chính điều đó khiến du khách tò mò muốn trực tiếp đến cảm nhận và quan sát thực tế. Riêng trong quý 1 vừa qua, khu di tích đã hướng dẫn 72.000 lượt khách về tham quan”.

Chuyện lạ con bê có 6 chân ở Hà Tĩnh

Người phụ nữ ở Hà Tĩnh phát hoảng khi nhìn thấy con bê vừa được bò mẹ sinh ra có tới 6 chân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Thượng ([Tên nguồn])
Chuyện lạ Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN