Chuyện lạ ở Vùng Kho
Chỉ 300 hộ dân với gần 1.400 người Vân Kiều sinh sống nhưng Vùng Kho có nét độc đáo mà ít nơi nào có được, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền dân tộc
Thôn Vùng Kho, xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị nằm bên Quốc lộ 9 với địa thế lưng tựa núi cao, đầu hướng ra sông thẳm. Những ngày cận Tết, góc núi này trở nên xôn xao, không chỉ bên quốc lộ mà ngay cả trong rừng sâu.
Miệt mài lo Tết
Tuyến Quốc lộ 9 chạy từ TP Đông Hà lên miền biên viễn Quảng Trị dài tròm trèm 84 km. Dọc hành trình thiên lý, nếu để ý thấy bên vệ đường nào có nhiều chị em xúng xính váy áo thổ cẩm, bày bán những sản vật rừng "độc, lạ" thì đó chính là Vùng Kho.
Một góc thôn Vùng Kho nhìn từ trên cao
Lâu nay, cứ mùa nào thức ấy, người dân Vùng Kho đưa nông sản, sản vật rừng ra vệ đường để bày bán. Mùa nắng thì mít, chuối, còn mùa mưa thì bày bán đủ loại măng tre, bí, bầu. Đó là những nông sản người dân tự tay làm ra. Chúng sạch tưng bởi quá trình đơm hoa đến kết quả đều do "trời chăm", tuyệt nhiên không dính giọt thuốc bảo vệ thực vật nào.
Một đôi vợ chồng trẻ hăng say lao động ở Vùng Kho
Ở thôn Vùng Kho này, dường như nhà nào cũng lận lưng vài ba bài thuốc chữa bệnh từ cây rừng. Đó có thể là gia truyền hoặc nhà này truyền sang cho... nhà khác. Bằng chứng là dọc Quốc lộ 9 xuyên qua bản làng đầy những sâm đất, sâm cau, sâm dây, củ hà thủ ô, rễ cây bổ máu cùng nhiều loại rễ, củ bí truyền khác được bày bán. Chúng được bó thành từng bó hoặc xắt thành lát nhỏ, vừa tươi vừa khô để bán cho khách đi đường. Người mua có thể mang về ngâm rượu hoặc sắc nước uống dần, tùy theo hướng dẫn của người bán.
Người dân Vùng Kho leo núi tìm sản vật rừng bán Tết
Chị Hồ Thị Hinh (ngụ thôn Vùng Kho) mới 33 tuổi nhưng có thâm niên trong việc tìm kiếm, nhận biết các loài sâm núi. Cứ đều đặn một tuần 3 ngày, chị Hinh cùng các chị, các mẹ người Vân Kiều lại đi rừng. Lúc nào cũng vậy, chị Hinh rời nhà khi trời vừa ló dạng và trở về khi mặt trời tắt bóng với a-chói nặng trịch những sản vật rừng. Mỗi chuyến vào rừng, chị Hinh thu nhập được 200.000 - 300.000 đồng. Tuy miệt mài mưu sinh nhưng chị Hinh chỉ lo đủ cái ăn, cái mặc cho 4 đứa con chứ chẳng dư dả được đồng nào. Đó là lý do những ngày cận Tết, đôi chân của chị Hinh vẫn trực chỉ về phía núi cao.
Vũng nước Pồng Kho gắn với câu chuyện Vua Hàm Nghi và đoàn hộ ngự để lại chiếc nồi lớn khi xuất bôn chống Pháp
Chị Hinh nhẩm tính thời điểm này ở Vùng Kho có khoảng 30 người băng rừng tìm sản vật rừng. Bà con đi thành từng nhóm từ 3 - 5 người để tương trợ nhau. Khi đưa sản vật rừng về nhà thì các chị, các mẹ ngồi bán bên quốc lộ, bán hết lại vào rừng. Có điều những lần sau đều đi xa hơn lần trước, phải leo thêm nhiều con đồi và mồ hôi vì thế cũng đổ nhiều hơn.
Tháng chạp lên Vùng Kho, cánh đàn ông vai to, thịt bắp thì đi trả công, làm thuê. Người không có việc làm thì vào rừng hái đót, bắt dúi hay xuống suối bắt mát, bắt chình. Nhà nào cũng vắng người, chỉ có trẻ con, người già. Gặp tôi trong lúc đi gọi bà con trong thôn góp tiền để mua một con bò mổ ăn Tết, ông Hồ Văn Doóc (64 tuổi) nói rằng ngày Tết, trên gác bếp của người dân Vùng Kho luôn có thịt, cá. Năm nay, vì trong thôn không còn con heo nào nên bà con phải góp tiền mổ bò ăn dần. "Dịch giã đã khiến heo chết hàng loạt, đến nay trong thôn rất hiếm người còn nuôi. Vì thế, chúng tôi mới rủ nhau góp tiền mổ bò ăn Tết. Nói sang cũng được mà nói khó cũng hay. Cái ăn mời khách trong ba ngày Tết đối với người Vân Kiều rất quan trọng, nó thể hiện sự no đủ cả năm" - ông Doóc nói.
Theo ông Doóc, khi "cái ăn" đã đầy đủ thì phải chuẩn bị cái quan trọng khác dù không... ăn được, đó là củi đốt. Đó là nguyên do dưới chân mỗi ngôi nhà sàn ở Vùng Kho nói riêng và Đakrông nói chung đều chất đầy củi khô. Vì sao phải chuẩn bị nhiều củi khô đến thế? Ông Doóc nói ngay rằng người Vân Kiều rất kiêng kỵ việc lên rẫy đốn củi dịp đầu năm. Vì thế, cứ vào tháng chạp, mỗi gia đình đều phải trữ thật nhiều củi khô. Số củi này dùng để nhóm dần trong những ngày Tết, bảo đảm rằng bếp xuân luôn đỏ lửa.
Tết không bia, rượu và thuốc lá
Bà Hồ Thị Oi (75 tuổi) là chủ nhân của quán tạp hóa "3 không" đặc biệt ở gần cuối thôn Vùng Kho. Quán của bà mặt hàng gì cũng có nhưng tuyệt nhiên không có 3 mặt hàng thông dụng mà bất kỳ quán tạp hóa nào cũng phải có. Đó là bia, rượu và thuốc lá. Lân la hỏi chuyện thì được biết vợ chồng bà Oi cùng 6 người con và cả 15 cháu chắt không ai "đụng" đến rượu, bia, thuốc lá. Cả mấy chục năm nay đã như thế, chứ không phải mới ngày một, ngày hai. Tại xóm bà Oi ở, có hơn chục nhà cũng như thế.
Anh Hồ Văn Kê Nai (27 tuổi, con út của bà Oi) dẫn chứng cho việc trên bằng câu chuyện trọng đại đời mình. Đó là vào năm ngoái, anh Kê Nai lấy vợ. Ngày cưới, cả đằng trai lẫn đằng gái đều không dọn rượu, bia, thuốc lá. "Ở đây, nhiều cô dâu - chú rể, đằng nội, đằng ngoại trong ngày cưới không hề uống giọt rượu nào. Cưới hỏi không dọn rượu, bia, thuốc lá nên đỡ gánh nặng cho gia đình, khi cưới xong còn dư một khoản để lập nghiệp. Rượu bia vào không điều khiển được bản thân, không rượu bia mới biết yêu thương vợ con, chí thú làm ăn, kinh tế khá giả" - anh Kê Nai nhìn nhận.
Phụ nữ thôn Vùng Kho bày bán sản vật rừng bên Quốc lộ 9
Mang chuyện trên đi hỏi ông Hồ Thanh, Chủ tịch UBND xã Đakrông, thì được ông xác nhận đúng là có chuyện như vậy. Ông Thanh bảo rằng không chỉ ngày thường, dịp cưới hỏi mà ngay cả ngày Tết, nhiều người trên địa bàn không sử dụng rượu, bia, thuốc lá. Thay vào đó, ngày Tết mỗi nhà chỉ dọn bánh kẹo và mời khách bằng nước trà, nước ngọt. Vì thế, họ đón ngày Tết trên tâm thế chủ động và đỡ phần nào áp lực tài chính cho gia đình.
Ông Thanh cho hay người Vân Kiều trên địa bàn có 2 cái Tết chính trong năm. Ngoài Tết cổ truyền của dân tộc, bà con còn đón Tết mừng lúa mới. Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 kéo dài và hậu quả thiên tai nặng nề trong năm 2020 khiến nhiều người dân trên địa bàn gặp khó khăn, số hộ nghèo tăng cao.
Ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông, khẳng định năm nào huyện, tỉnh cũng quan tâm đời sống người dân trên địa bàn, đặc biệt là gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số trong dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, huyện Đakrông đã chuẩn bị gần 1.000 suất quà (khoảng 500.000 đồng/suất) để hỗ trợ người dân. Ngoài ra, UBND huyện Đakrông đang đề xuất UBND tỉnh đề nghị trung ương hỗ trợ vài trăm tấn gạo cho người dân địa phương trong mùa giáp hạt sắp tới.
"Huyện nắm cụ thể tình hình, bảo đảm người dân trên địa bàn không thiếu, không đói, không rét trong dịp Tết Nguyên đán 2022" - ông Thái Ngọc Châu khẳng định.
Nơi Vua Hàm Nghi từng đi qua
Vùng Kho là địa danh hành chính được sáp nhập huyện Đakrông đầu những năm 1980.
Cư dân địa phương ngày trước gọi vùng núi non này là Pồng Kho. Pồng theo tiếng Vân Kiều là cái nồi lớn. Với người Vân Kiều, nồi thì có nhiều loại, nhỏ nhất niêu (nấu vừa 1 lon gạo) đến lờ, la hai, la ba, la bay và lớn nhất là pồng. Pồng được làm bằng đồng, nặng cả tạ, phải 4 người mới khiêng nổi.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi là Pồng Kho. Theo các cụ cao niên ở Vùng Kho, cha ông của họ ngày trước vẫn thường kể rằng vào thế kỷ XIX, Vua Hàm Nghi trong quá trình xuất bôn chống Pháp từng đi qua nơi này. Đến nay, người dân vẫn truyền tai nhau câu chuyện vị vua trẻ yêu nước cùng đoàn hộ ngự khi qua đây đã để lại một chiếc pồng - nồi lớn. Vị trí để lại chiếc pồng là vũng nước khá lớn nằm tách biệt trên sông Đakrông.
Bình yên ở Vùng Kho
Đến nay, vũng nước đó vẫn còn và người dân đặt tên là Pồng Kho. Dù bao trận lũ dữ cuốn theo đất đá từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về nhưng vẫn không bồi lấp được Pồng Kho. Chưa một ai, thậm chí những người được mệnh danh "kình ngư" của vùng núi non này cũng chưa lặn thấu đáy Pồng Kho. Bí ẩn vũng nước không đáy cùng chiếc pồng của Vua Hàm Nghi và đoàn hộ ngự lúc xuất bôn cứ thế lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở Vùng Kho.
Cũng theo lời kể, khi đến Pồng Kho, Vua Hàm Nghi cùng đoàn hộ giá men theo một khe suối nhỏ để lên cỏh-đồng-Pua (có nghĩa là đồi nhà vua, nay gọi là Voi Mẹp, Tá Linh Sơn - đỉnh núi cao nhất tỉnh Quảng Trị) để ra Quảng Bình, Hà Tĩnh. Sau này, người dân lấy tên vị vua trẻ yêu nước đặt cho con suối này, gọi là khe Nghi. Khe Nghi bắt nguồn từ cỏh-đồng-Pua rồi hòa vào sông Đakrông, lững thững đổ ra biển lớn.
Bánh A-yớh đãi khách quý
Cuối tháng chạp cũng là lúc nhiều người Vân Kiều ở Vùng Kho chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh A-yớh. Đây là loại bánh độc đáo, dùng để đãi khách quý trong ngày Tết và các dịp trọng đại như cưới hỏi. Nguyên liệu làm bánh A-yớh rất đơn giản nhưng các công đoạn làm bánh lại đòi hỏi phải kiên trì, chú tâm.
Theo đó, muốn làm bánh A-yớh thì phải chuẩn bị nếp trắng, hạt mè đen (vừng) và muối hạt. Nếp được nấu thành xôi, sau đó bỏ vào cối, dùng chày giã. Khi xôi đã giã nhuyễn thì rắc hạt mè đen rang giòn, một ít muối hạt và tiếp tục giã cho đến khi chúng quyện thành màu đen. Sau đó, dát bánh lên mâm đồng sao cho tròn trịa, dày tầm 1-2 lóng tay là vừa. Bánh A-yớh vừa làm xong có thể ăn ngay, nếu để lâu ngày thì bánh cứng lại như đá. Khi đó muốn ăn thì dùng dao cắt từng miếng nhỏ, ngâm trong nước rồi đem nướng than hoặc chiên giòn. Người Vân Kiều quan niệm mời khách bằng bánh A-yớh là thể hiện sự son sắt, thủy chung và nghĩa tình.
Nguồn: [Link nguồn]
Tại làng Hoàng Xá xưa, có rất nhiều người phụ nữ tài giỏi, giàu có nổi tiếng khắp phủ Ứng Thiên và một số vùng...