Chuyện lạ ở ngôi làng không cổng: Những phú bà có tấm lòng “bồ tát”
Tại làng Hoàng Xá xưa, có rất nhiều người phụ nữ tài giỏi, giàu có nổi tiếng khắp phủ Ứng Thiên và một số vùng lân cận vì có tấm lòng “bồ tát”.
Đình làng Hoàng Xá, ngôi làng sinh ra nhiều người phụ nữ tài giỏi, đảm đang.
Nơi sinh ra những bậc “cân quắc” được đúc tượng thờ
Ông giáo Đặng Đình Thiêm (SN 1936), người viết sử làng Hoàng Xá (xưa là làng Hoa Đình), thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội cho biết, trong suốt hàng trăm năm thành lập và phát triển của làng đã có rất nhiều người phụ nữ tài giỏi, giàu có nổi tiếng khắp phủ Ứng Thiên (Thăng Long xưa) và một số vùng lân cận vì có tấm lòng “bồ tát”.
“Họ giỏi ở chỗ có tài kinh doanh, buôn bán, gây dựng cơ nghiệp cho nhà chồng. Hơn nữa, việc kinh doanh dù bận rộn nhưng việc chăm nuôi chồng con vẫn không lơi là. Nếu nói ở Hoàng Xá có điều gì đặc biệt, nổi tiếng nhất thì đó phải kể đến con gái làng Hoàng Xá”, ông Thiêm nói.
Theo nghiên cứu của ông Đặng Đình Thiêm, từ những tài liệu mà ông thu thập được cho thấy vào thời kỳ phong kiến, làng Hoa Đình xưa có thể là phủ lị của phủ Ứng Thiên thuộc kinh đô Thăng Long từ thời nhà Đinh (theo cuốn Đại Việt sử ký tiền biên). Tên gọi Ứng Thiên mang ý nghĩa là hưởng ứng thiên tử (một cách gọi khác của vua). Phủ Ứng Thiên xưa chính là khu hậu cần, cung cấp vật tư, lương thực cho kinh đô.
“Nói về những người phụ nữ tài giỏi, xứng với câu “bậc cân quắc không thua đấng mày râu” ở làng tôi, gần đây nhất phải kể đến trước Cách mạng tháng 8 có bà Đặng Thị Ích. Thời điểm bà Ích được gả về nhà chồng mới được 13 – 14 tuổi.
Khi bà Ích về nhà chồng, gia đình chồng chỉ cho hai vợ chồng được một túp lều, dựng bốn phía tường lên thành cái nhà để ở. Sau một thời gian, bà Ích kinh doanh, buôn bán đã biến gia sản từ một túp lều ấy trở nên khổng lồ”, ông Thiêm kể.
Từ một túp lều, bà Ích đã sở hữu khoảng 350 mẫu ruộng. Mỗi khi bà Ích xuất hành để đi chợ thì luôn có 3 người tháp tùng, trong đó một người kéo xe, một người hầu và một người làm vệ sĩ. Sang giàu như thế nhưng dù đã trở thành một phú bà vẫn luôn mang trong mình tấm lòng “bồ tát”.
Hàng tháng, bà Ích thường xuyên đi làm từ thiện cho dân nghèo, cung tiến cho đền chùa. Đến tận ngày nay, tại khu vực Hương Sơn, huyện Mỹ Đức kế bên, người dân vẫn còn lưu truyền bức tượng thờ bà Đặng Thị Ích, một người phụ nữ tài giỏi, có tấm lòng nhân hậu.
Ngoài bà Ích còn có bà Nguyễn Thị Luyện, cũng nhờ kinh doanh mà trở nên giàu có, sở hữu hơn 500 mẫu ruộng. Đất nhà bà Luyện xưa được dân làng Hoàng Xá ví về độ rộng khiến “cò bay mỏi cánh”.
“Ngày nay, trụ sở huyện ủy, UBND huyện Ứng Hòa được xây dựng trên đất của hai người con trai của bà Luyện. Cũng như bà Ích, bà Luyện cùng các con thường xuyên tổ chức các buổi làm từ thiện cho dân nghèo và được ghi lại trong sử làng như là một trong những hình mẫu tiêu biểu của gái Hoa Đình”, ông Thiêm cho hay.
Ông giáo Đặng Đình Thiêm, người viết sử làng.
Phú bà đi làm bà mối
Nói đến những phong tục, tập quán “lạ đời” ở làng Hoàng Xá, ông giáo Đặng Đình Thiêm cho biết, ngoài tập tục cheo cưới, thách cưới cao ngất ngưởng còn phải kể đến những phong tục liên quan đến mời đám (mời khách đi ăn tiệc) và liên quan đến những bà mẹ chồng.
Riêng việc mời đám ở làng Hoàng Xá xưa cũng rất cầu kỳ, thường thường phải mời đến 3 lượt thì khách mới đến ăn tiệc.
“Ở làng tôi thời xưa, những nhà nào có đám thường rất vất vả. Ngoài các công việc chuẩn bị món ăn, bàn ghế, nơi tổ chức… như các đám tiệc ngày nay thì vất vả nhất phải kể đến việc mời khách đến ăn.
Lần đầu tiên mời khách gọi là sơ thỉnh, phải mời khách trước 1 tuần để thông báo thời gian mở tiệc, đây cũng là lần mời khách đến chia vui, ăn trầu uống nước cùng họ hàng đôi bên.
Lần thứ hai mời khách gọi là tái thỉnh, đấng sinh thành của cô dâu hoặc chú rể phải đến tận nhà khách để mời tiệc. Lần tái thỉnh này trước khi mở tiệc khoảng 2 ngày.
Lần cuối cùng đến mời khách là trước giờ ăn khoảng 1 đến 2 tiếng. Nếu không mời đủ 3 lần thì khách sẽ cho là mời kiểu “đãi bôi”, tức là mời không thật lòng và vì thế họ sẽ không đến ăn”, ông Thiêm nói.
Chính vì việc mở đám khiến gia chủ rất vất vả nên thường cỗ làng Hoàng Xá không mời to. Ngoài họ hàng nội ngoại, gia chủ chỉ mời những người thân thiết đến ăn tiệc.
Ông Trần Hữu Nhuận, Trưởng thôn Hoàng Xá.
Ngoài ra, ông giáo Đặng Đình Thiêm cũng cho biết thêm việc cưới hỏi ở làng Hoàng Xá không có bà mối, đây cũng là một nét độc đáo riêng trong phong tục của làng. Những người đóng vai bà mối trong việc kết tơ hồng cho cô dâu, chú rể lại chính là… bà mẹ chồng.
“Bất kể có giàu sang, phú quý thế nào nhưng nếu muốn con trai cưới được vợ thì bà mẹ chồng phải là người trực tiếp đến nhà cô dâu đặt vấn đề xin cưới. Chính vì vậy ở làng tôi khi xưa, việc phú bà đi làm bà mối không hiếm. Không phải họ tiếc tiền, không mời bà mối mà lệ làng là vậy. Nếu bà mẹ chồng không đi hỏi cưới thì họ nhà gái sẽ đánh giá là không thật lòng coi trọng con gái họ”, ông Thiêm cười.
Khi đón con dâu về nhà, việc động phòng hoa chúc trong đêm tân hôn cũng chẳng tồn tại ở làng Hoàng Xá. Thực tế, đêm đầu tiên cô dâu về nhà chồng sẽ ngủ với… mẹ chồng. Ý nghĩa của việc này theo ông Thiêm là để mẹ răn dạy con dâu nếp sống trong nhà.
Ông Trần Hữu Nhuận, Trưởng thôn Hoàng Xá cho biết ngày nay, những phong tục tập quán nói trên đã được lược bỏ đi rất nhiều. Việc cưới hỏi của làng Hoàng Xá cũng không khác biệt so với các vùng khác trên cả nước. Vì tính chất làng nằm gần đường chính nên rất ít người duy trì việc làm nông, chủ yếu là kinh doanh, buôn bán, thông thương với các vùng lân cận.
“Những phong tục, tập quán này đến thế hệ những người trưởng thành sau cách mạng như chúng tôi đã không còn sử dụng nữa mà chỉ là một nét văn hóa, ký ức một thời đã qua. Tất cả những nét độc đáo này đều được ông giáo Đặng Đình Thiêm, người viết sử làng và cũng là một trong những cụ cao niên trong làng ghi lại”, ông Nhuận cho biết.
Dù con gái làng Hoàng Xá rất xinh đẹp, tài giỏi, chỉ cần một đòn gánh là có thể nuôi cả chồng, cả con mà chẳng có...