Chuyện lạ ở làng: Làng nuôi đẻ

Nhiều phụ nữ ở làng Nông Sơn (xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) "đắt sô" đến nỗi lịch đặt nuôi đẻ đã kín ngay từ đầu năm

Làng Nông Sơn hiện có hàng chục người nuôi đẻ; chưa kể những người không chuyên, mỗi năm chỉ làm vài ba tháng. Tên làng nổi tiếng đến nỗi không cần bất kỳ hình thức quảng cáo nào, rất nhiều người từ các tỉnh miền Nam vẫn biết và tìm đến để thuê người nuôi đẻ.

Tiếng lành đồn xa

Chúng tôi phải đặt lịch hẹn rất nhiều lần và dường như khá may mắn mới có dịp gặp bà Lê Thị Ngọc - một trong những phụ nữ làm nghề chăm sóc trẻ và sản phụ sau sinh ở thôn Nông Sơn. Ngoài dịp Tết, số ngày bà ở nhà chỉ đếm được trên đầu ngón tay bởi lịch nuôi đẻ đã kín ngay từ đầu năm. Cứ hết mỗi ca, bà lại về nhà dăm ba ngày rồi đi.

Chuyện lạ ở làng: Làng nuôi đẻ - 1

Để sống được với nghề, bà Lê Thị Ngọc (trái) luôn dặn lòng mình kiên nhẫn, trách nhiệm, từ tâm Ảnh: NAM PHƯƠNG

Gắn bó với nghề đã 17 năm, bà Ngọc tâm niệm sống được với nghề, bản thân phải thật kiên nhẫn, trách nhiệm, từ tâm. Năm 2000, bà bắt đầu nuôi đẻ và xem đó như nghề "tay trái", mỗi năm chỉ nhận vài ca; thời gian còn lại, bà làm ruộng. Đến khoảng năm 2005, thấy công việc thuận lợi, bà Ngọc chuyển giao ruộng cho người khác và trở thành người nuôi đẻ chuyên nghiệp.

"Ngày đó, không ai muốn theo nghề giữ trẻ vì họ ngại... bẩn và vất vả. Nhưng tôi lại khác, yêu trẻ con nên theo nghề này" - bà Ngọc tâm sự.

Trước khi đến với công việc này, bà Ngọc học hỏi kinh nghiệm nuôi đẻ của những phụ nữ thôn quê cộng với khoảng thời gian mình từng ở cữ. Một ca nuôi đẻ của bà được bắt đầu từ ngày sản phụ đến bệnh viện để sinh và kết thúc khi trẻ được 1 tháng tuổi. Ngày gia chủ mừng trẻ đầy tháng cũng là ngày làm việc cuối cùng của bà Ngọc. Hiện nay, bà Ngọc nhận mức lương 8 triệu đồng/tháng, nếu nuôi đẻ ở những tỉnh, thành xa xôi thì 10 triệu đồng/tháng. So với người dân thôn quê, lương của bà Ngọc là mơ ước.

Đổ mồ hôi, sôi nước mắt

Công việc nuôi đẻ hết sức vất vả, nếu không kiên nhẫn sẽ khó cầm cự được. Khi sản phụ từ bệnh viện về nhà, công việc của người nuôi đẻ cũng chính thức bắt đầu.

Mỗi ngày, người nuôi đẻ phải thức dậy từ 3 giờ để quạt than hơ mặt, tay chân cho sản phụ. Sau đó, người nuôi đẻ nấu nếp để rà mặt cho sản phụ nhằm giúp da hồng hào, tươi tắn; chiều đến lại nấu nước xông, hơ háp cho em bé. Xen giữa các công việc hơ, háp, xông... là nấu cơm, giặt quần áo cho sản phụ và trẻ sơ sinh.

Gặp những trường hợp trẻ hay khóc còn phải thức cả đêm để ầu ơ cho trẻ ngủ. Ngoài ra, những người nuôi đẻ còn phải biết cách xử lý khi bé ọc sữa hay nóng sốt, đi lỏng, hướng dẫn người mẹ ăn gì để có nhiều sữa cho con bú, khuyên người chồng thường xuyên quan tâm đến vợ đang ở cữ, giải thích cho gia đình nội ngoại khi sản phụ sinh cháu có giới tính không như ý muốn của họ...

"Người ta thường nói "khổ như nuôi đẻ" là thế. Lấy được đồng tiền của người ta cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt chứ đâu có dễ dàng gì" - bà Ngọc bộc bạch.

Ngoài bà Ngọc, ở thôn Nông Sơn còn có bà Đoàn Thị Bích, Nguyễn Thị Tuân, Huỳnh Thị Hồng... cũng hành nghề này. Bà Bích làm nghề được 10 năm, trải qua không biết bao chuyện vui buồn nhưng không thể nào quên một gia đình ở TP HCM. Do sản phụ thiếu máu nên sau khi sinh, người rất yếu, da xanh xao. Nhìn người mẹ trẻ, lòng bà như thắt lại. Thay vì dành thời gian nhiều cho việc xông hơ, bà luôn quan tâm đến việc nấu thức ăn gì để người mẹ bổ sung máu. Sau một tháng được bà Bích chăm sóc, tình hình sức khỏe của mẹ con sản phụ khá lên thấy rõ. Ngày bà ra về, gia đình sản phụ lưu luyến không muốn rời.

Đối với người nuôi đẻ, đôi lúc họ không khỏi chạnh lòng khi bắt gặp cái nhìn dè bỉu hay sự đối xử phân biệt chủ tớ. Kể lại chuyện cũ, bà Bích rơm rớm nước mắt. Có một ca nọ, bà chỉ làm được vài ngày thì nghỉ giữa chừng. Trước khi làm, bà Bích cũng xác định công việc khó nhọc và tự nhủ sẽ không nản lòng. Thế nhưng, khi sản phụ ăn cơm xong và đưa phần cơm thừa cho bà ăn, bà đã bỏ ra về.

Còn bà Tuân cũng một lần bỏ việc giữa chừng vì gặp một sản phụ khó tính. Lần đó, sau khi xong việc xông hơ buổi sáng, bà xin phép gia chủ ra ngoài ăn điểm tâm. Khi chưa ăn xong tô bún thì sản phụ 2 lần gọi về trách ăn chậm. Sản phụ liên tục cằn nhằn, còn người thân trong gia đình này cũng không thông cảm, chia sẻ nên bà Tuân nhất định chấm dứt hợp đồng. Dù vậy, cả bà Tuân và bà Bích đều cho hay rất ít trường hợp như thế. Đa phần họ gặp các gia đình biết thương yêu, trân trọng nghề của họ. Nhiều sản phụ sau khi kết thúc hợp đồng vẫn thường xuyên điện thoại thăm hỏi hoặc nhờ các chị, các bà tư vấn cách nuôi con, chăm sóc con. Những dịp lễ, Tết cũng có nhiều người mua quà đến thăm.

"Theo được nghề này, ngoài kinh nghiệm, kiến thức về chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh, người nuôi đẻ phải có tấm lòng mênh mông của một người mẹ, xem con người ta cũng như con cháu mình" - bà Tuân nhấn mạnh.

Với những người thuê nuôi đẻ, dù có đôi lúc không hài lòng với người mình thuê nhưng nếu không có họ, thật sự những sản phụ không biết làm cách nào để vượt qua những thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời.

Chị Nguyễn Thị Phượng (ngụ TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) kể tháng 2-2015, chị sinh đứa con thứ hai nên đã cùng chồng đến làng Nông Sơn tìm người nuôi đẻ. Ban đầu, chị được bạn giới thiệu người nhưng khi đến nơi thì người này đã kín lịch, đành thuê người khác. Ngày sinh em bé, chị thật sự bị sốc và giận lây cả chồng khi nghe mùi thuốc lá trong hơi thở của người nhận nuôi mẹ con chị. Lúc này, chị định hủy hợp đồng nhưng không được, đành "ngậm bồ hòn làm ngọt". Tuy thế, khi chứng kiến người phụ nữ này đối xử với mẹ con chị như người thân, lại làm việc một cách rất chu đáo và cật lực, chị Phượng đã thay đổi suy nghĩ.

"Có những hôm, nhà tôi không có lá để xông hơ thì chị ấy đã đi khắp làng để xin lá về nấu và xông. Đến bữa cơm, chị ấy cứ ép ăn nhiều để có sữa cho con bú. Tối đến, khi em bé trở mình khóc, đang ngủ nhưng chị ấy cũng bật dậy ôm đứa trẻ ru à ơi, rồi cả ngày làm việc không nghỉ tay. Cho đến bây giờ, tôi vẫn thầm cảm phục sự tận tâm của chị ấy và xem như chị gái của mình" - chị Phượng tâm sự. 

Nghề không trường lớp

Những phụ nữ ở Nông Sơn cho hay nghề nuôi đẻ không có trường lớp nào dạy mà chủ yếu trao đổi kinh nghiệm cho nhau, người đi trước chỉ người đi sau. Cũng vì vậy nên mỗi người nuôi đẻ có "giáo án" riêng để chăm sóc cho mẹ và bé. Có người dùng muối để xông mặt, dùng lá bạch đàn, lá sả để xông cơ thể cho sản phụ nhưng cũng có người xông bằng nước cà rốt hoặc lá chanh, cây mắc cỡ...

Bi hài ở làng... “chân dài“

Đình Tràng được gọi là “làng khổng lồ” do có rất nhiều người cao nổi trội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRẦN THƯỜNG - NAM PHƯƠNG (Người lao động)
Chuyện lạ có thật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN