Chuyện lạ: Người bán bưng "lên đời" vì dẹp vỉa hè
Gần đây, chợ Phạm Văn Hai đã sôi động hẳn lên về tối do quận Tân Bình sắp xếp, bố trí hàng chục hộ dân chiếm dụng vỉa hè để buôn gánh, bán bưng.
Quầy kệ, chỗ ngồi tươm tất hơn
“Từ khi về bán ở chợ Phạm Văn Hai này, thu nhập từ việc bán hàng nước đã ổn định hơn. Tôi cũng không còn phập phồng ngó trước, nhìn sau như lúc đẩy xe đẩy đi lòng vòng bán hàng ở lòng đường, vỉa hè như trước đây” - chị Nguyễn Thị Phương Trang (phường 3, quận Tân Bình) nói.
Chị Trang là một trong 15 trường hợp được phường, quận Tân Bình lên danh sách, bố trí nơi buôn bán tại khu vực chợ Phạm Văn Hai (phường 3, quận Tân Bình) trước khi lực lượng chức năng địa phương ra quân lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè.
Chị Nguyễn Thị Phương Trang bán nước ép trái cây ở chợ Phạm Văn Hai đủ lo cho cuộc sống năm người trong gia đình. Ảnh: MP
Chị Trang cho biết: “Trước đây tôi bán nước trên xe đẩy tay nên chỗ nào trống là dừng lại bán chứ không cố định được một chỗ. Vậy mà thỉnh thoảng còn bị lập biên bản xử phạt đến “ê mình” nhưng vào đây thì khác hẳn. Tôi được ban quản lý chợ hỗ trợ, bố trí một mặt bằng làm nơi buôn bán. Anh thấy đó, quầy kệ, bàn ghế của tiệm nước đã tươm tất hơn, khách có chỗ ngồi lịch sự mà khi bán ở vỉa hè không có được. Bản thân tôi cũng được tập huấn buôn bán sao cho đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bán nước trái cây đâu có lời bao nhiêu nhưng tôi bán được và đủ lo cho cuộc sống của năm người trong gia đình”.
Bên cạnh tiệm bán nước của chị Phương, chị Nguyễn Thị Kim Ánh (phường 3, quận Tân Bình) đang tập trung múc xôi, bỏ gia vị rồi nhận, thối tiền. Tay làm, miệng chị Ánh kể cho hay, quầy xôi này là nguồn thu chính cho cuộc sống gia đình, trang trải chi phí, chuyện học hành cho hai đứa con.
“Hết bận tâm bị đẩy đuổi, bị phạt”
“Tôi bán xôi trên vỉa hè gần cầu số 3 của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (phường 5) trong một thời gian nhưng sau này bị công an, trật tự đô thị đuổi quá nên xin một chỗ ở chợ Phạm Văn Hai bán cho ổn định hơn. Tôi không bị công an đuổi và bất chợt bị lập biên bản, bị “hốt” đồ. Những lúc ấy, tôi cố gắng năn nỉ nhưng có lúc không được và phải dành dụm vài tháng mới bù được cho khoản “thất thu” này. Vào đây, tôi cảm thấy mừng lắm vì không những có mặt bằng rộng rãi cho khách ngồi ăn, có chỗ che nắng, che mưa và đặc biệt là không còn phập phồng chuyện bị phạt nữa” - chị Ánh chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Kim Ánh (phường 3, quận Tân Bình): Tôi đẩy xe bán xôi ngoài đường đã bị xử phạt rồi phải mất nhiều tháng dành dụm mới đủ bù cho số tiền phạt này. Ảnh: MP
Chị Nguyễn Trần Tường Vy (25 tuổi) cho biết đã ra bán bán gỏi cuốn, súp cua tại chợ Phạm Văn Hai chưa đầy một tháng. Vy kể: “Trước đây em bán trên vỉa hè đường Hoàng Sa nhưng nhiều lần “đau tim” vì bị đuổi, bị phạt. Em mới bán, chưa có khách quen như trước nhưng nguồn thu đã dần ổn định, đặc biệt không còn bận tâm vì việc bị “đẩy đuổi”, bị xử phạt như trước đây.
Theo ông Thái Bình Sơn, Trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai, có hơn 15 hộ ở phường 3 và các phường lân cận của quận Tân Bình được bố trí nơi buôn bán tập trung tại khu vực chợ Phạm Văn Hai.
Dì cháu chị Chị Nguyễn Trần Tường Vy (25 tuổi) bán ở chợ Phạm Văn Hai nói: "Em vào đây chưa được một tháng và không còn lo bị phạt, bị đuổi như lúc bán trên vỉa hè trước đây. Ảnh: MP
“Họ bán đủ ngành nghề ăn uống như bún bò, gỏi cuốn, phở, miến… từ khoảng 18 giờ 30 cho đến khuya. Chúng tôi có thu phí “thuê mặt bằng” với mức tượng trưng và thu phí vệ sinh, tiền điện, nước theo đúng quy định. Nhưng vào đây, họ phải theo các quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, việc khám sức khỏe định kỳ. Bước đầu cho thấy, việc buôn bán rất ngăn nắp, trật tự” - ông Sơn thông tin thêm.
>>XEM THÊM |