Chuyện lạ: Ngày lễ tết, người dân rời làng đi tứ xứ
Vào mỗi dịp lễ, tết hay ngày nghỉ cuối tuần, người dân ở làng tò he Xuân La (Hà Nội), lại gói ghém đồ nghề rời khỏi làng đi tứ xứ.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành trình diễn nghệ thuật nặn tò he và bán cho du khách
Trái với những ngôi làng khác, vào mỗi dịp lễ tết, những người con làm ăn xa nhà thường trở về quê hương đoàn tụ với gia đình thì những người làm tò he ở Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) lại tỏa đi khắp nơi để mưu sinh mỗi dịp lễ tết.
Anh Nguyễn Văn Thành, chủ nhiệm làng nghề truyền thống nặn tò he cho biết, làng nghề làm tò he ở Xuân La là làng nghề duy nhất của Việt Nam, đã có truyền thống hơn 300 năm. Với đặc thù làm tò he là trình diễn trực tiếp tại chỗ nên các nghệ nhân của làng đều đến các khu vui chơi, giải trí, các lễ hội để trình diễn và bán tò he.
Gia đình anh Thành đã sáng tạo ra một loại hoa hấp có độ bền và có thể xuất khẩu được.
“Những ngày lễ, tết, ngày thứ Bảy, Chủ nhật lại là ngày làm việc rất miệt mài của các nghệ nhân nặn tò he, vừa quảng bá nét đẹp truyền thống của làng, vừa bán hàng cho du khách”- anh Thành cho hay.
Hiện nay, làng tò he có hơn 300 hộ đang giữ gìn và phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống. Từ chỗ làm nghề trong lúc nông nhàn, giờ đây nghề nặn tò he của người làng Xuân La được duy trì hoạt động quanh năm. Người đi gần thì sang các làng lân cận, người xa hơn thì đi các tỉnh như Hải Phòng, Nghệ An, Móng Cái, thậm chí vào cả Cà Mau.
Các cháu nhỏ thích thú với những hình thù tò he rực rỡ sắc màu
Hình ảnh những người nặn tò he ở các khu vui chơi, lễ hội đã trở thành quen thuộc đối với du khách. Đồ nghề, chỉ cần 1 thùng xốp, hộp gỗ trong đó chứa que tre, bột nặn,… là các nghệ nhân nặn tò he có thể đi khắp nơi để quảng bá nét đẹp truyền thống và bán hàng.
Tò he ngày càng phong phú và đa dạng hơn, ngoài những hình ảnh quen thuộc với nông nghiệp như con trâu, con gà, con heo,… rồi đến những con vật thiêng liêng như con rồng, kỳ lân, hay các nhân vật hoạt hình như siêu nhân,… các nghệ nhân nặn tò he còn thêm các loại hoa, búp bê để phục vụ nhu cầu của du khách.
“Bằng đôi bàn tay điêu luyện, các nghệ nhân nặn tò he thường mất 1 đến 2 phút sẽ hoàn thành được 1 tác phẩm” - anh Thành tâm sự.