Chuyện ít biết về thợ cơ khí từng chế tạo trực thăng “made in Việt Nam”

Một người bạn ở Cần Thơ có niềm đam mê công nghệ đã liên hệ với ông Thắng hỏi mua chiếc trực thăng “made in Việt Nam”.

Cuối năm 2013, ông Nguyễn Văn Thắng (51 tuổi), ở tổ 7, phố Gia Quất, quận Long Biên, TP.Hà Nội đã chế tạo, thử nghiệm thành công chiếc máy bay trực thăng. Sau đó, ông Thắng đã tháo cánh, treo chiếc trực thăng lên mái xưởng cơ khí và tạm ngừng việc thử nghiệm.

Năm 2013, ông Thắng đã nghiên cứu chế tạo thành công chiếc trực thăng

Năm 2013, ông Thắng đã nghiên cứu chế tạo thành công chiếc trực thăng

Máy bay đã về tay chủ mới 

Trong những ngày đầu tháng 12, chúng tôi có dịp ngồi trò chuyện với cha đẻ của chiếc trực thăng “made in Việt Nam” từng gây xôn xao dư luận. Nhấp ly trà, ông Thắng kể, mới đây, ông đã bán chiếc máy bay trực thăng cho một người bạn ở Cần Thơ.

“Người bạn của tôi ở Cần Thơ làm kinh doanh và rất đam mê công nghệ. Nói là bán chứ thực ra tôi lấy có vài triệu đồng tiền vật liệu và đổi kèm một số đôi loa cũ. Hiện tại, chiếc máy bay trực thăng đang được trưng bày ở một khu xưởng trong đó”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cho hay, cuối năm 2013, ông đã đem chiếc máy bay ra bãi đất trống gần nhà để thử nghiệm. Sau khi thử nghiệm thành công, ông đem cất vào khu xưởng và không chỉnh sửa, lắp ghép gì thêm.

Đến khoảng ngày 18/1/2014, lữ đoàn 918 của Binh chủng Phòng không Không quân đã xuống yêu cầu gia đình ông ký một bản cam kết với nội dung không được tiếp tục nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm. Đồng thời, gia đình ông phải giữ nguyên hiện trạng chiếc máy bay.

“Sau đó đoàn bên Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sang gặp gỡ tôi trao đổi và muốn tôi viết bản dự án chi tiết, hoàn thiện về chiếc máy bay. Họ sẽ hợp tác với tôi trong quá trình nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm. Tuy nhiên, tôi đã không đồng ý bởi muốn tự bản thân mình sẽ hoàn thiện và chế tạo thành công máy bay, sau đó mới nghĩ đến tương lai xa hơn”, ông Thắng chia sẻ.

Cha đẻ của chiếc trực thăng kể thêm rằng, do khu vực nhà xưởng quá chật hẹp, cộng thêm việc người bạn của ông thuyết phục nhiều lần nên ông mới đồng ý bán chiếc cho người này.

Chuyện ít biết về thợ cơ khí từng chế tạo trực thăng “made in Việt Nam” - 2

Chiếc máy bay được ông Thắng bán cho một người bạn ở Cần Thơ

Chiếc máy bay được ông Thắng bán cho một người bạn ở Cần Thơ

Sẵn sàng chế tạo chiếc máy bay thứ 2

Ông Thắng cho hay, hiện giờ ông đã dừng lại mọi hoạt động liên quan đến việc chế tạo máy bay. Tuy nhiên, thỉnh thoảng ông vẫn liên hệ, trao đổi với kỹ sư Bùi Hiển (Bình Dương) - người chế tạo trực thăng cất cánh ở độ cao hơn 1m trong vòng 15 phút vào năm 2016.

“Thỉnh thoảng kỹ sư Bùi Hiển cũng qua nhà tôi chơi. Cả hai cùng trao đổi với nhau về kinh nghiệm chế tạo, vận hành chiếc trực thăng. Kỹ sư Hiển còn hứa sẽ giúp và tặng tôi một đôi cánh quạt nếu như tôi chế tạo chiếc trực thăng thứ 2”, ông Thắng nói.

Hiện tại, ông Thắng vẫn miệt mài với công việc độ xe máy, xe ba bánh dành cho người khuyết tật

Hiện tại, ông Thắng vẫn miệt mài với công việc độ xe máy, xe ba bánh dành cho người khuyết tật

Tuy nhiên theo cha đẻ của chiếc máy bay trực thăng, vấn đề lớn nhất hiện nay vẫn là việc được các cơ quan chức năng cấp phép cho việc nghiên cứu, chế tạo máy bay. “Nếu Nhà nước có một cơ chế để những người đam mê khoa học như tôi có thể phát huy thế mạnh của mình thì tôi sẵn sàng bỏ tiền, kể cả đi vay vượn tiền để tiếp tục nghiên cứu, chế tạo chiếc trực thăng thứ 2. Và khi đó tôi tin chắc rằng, chiếc máy bay này sẽ thử nghiệm thành công”, ông Thắng bày tỏ.

Hiện tại, ông Thắng vẫn miệt mài với công việc độ xe máy, xe ba bánh dành cho người khuyết tật. Ông Thắng nói rằng, đó là công việc, là niềm đam mê mấy chục năm nay của ông. Mỗi lần hoàn thiện xong một chiếc xe độ mới, hay một chiếc xe máy ba bánh dành cho người khuyết tật ông cảm rất vui và hạnh phúc.

Trước đó, năm 2013, trong một lần đọc báo thấy một người ở trong Sài Gòn chế tạo được máy bay, ông Thắng đã nảy sinh ý tưởng làm máy bay thử. Ông đã đi tìm mua loại thép có độ đàn hồi cao, chịu lực tốt về làm khung cho chiếc máy bay. Còn cánh quạt quay của máy bay, ông tìm mua loại thép dẻo làm xương sống cho cánh rồi bọc lớp inox vào hàn lại

Mất 3 tháng miệt mài, cộng với số tiền 200 triệu đồng chi phí cho việc mua nguyên liệu, ông Thắng đã hoàn thiện chiếc máy bay trực thăng cỡ nhỏ. Chiếc trực thăng sử dụng động cơ ô tô Suzuki 38kW, 2.0L, với vòng tua 4000-4500 vòng/phút vì quá lớn nên anh phải giảm xuống còn 700 vòng/phút. Trực thăng có cân nặng 185kg, chiều cao 2m60, chiều rộng 1m55, chiều dài thân vào đuôi là 6,8 và chiều dài cánh là 5,5m. Đầu năm 2014, sau 3 lần thử nghiệm (lần thứ 3 trực thăng bay lên khỏi mặt đất 50cm), ông Thắng bị nhà chức trách nhắc nhở và phải dừng nghiên cứu chế tạo.

Nguồn: [Link nguồn]

“Hai lúa“ chế tạo máy bay: Dừng tập bay vì bị kiểm tra

Trước thông tin chiếc máy bay đang được bay thử, cơ quan chức năng đã tới nhà ông Hiển để kiểm tra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
"Hai lúa" và những sáng chế để đời Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN