Chuyện ít biết về người say đắm cổ vật Óc Eo

Bước vào căn nhà 40m2 của ông Tạ Mân ở TP.Cần Thơ, ai cũng choáng ngợp trước bộ sưu tập đồ cổ phong phú của gia đình, đặc biệt là những món đồ cổ quý giá thuộc nền văn hóa Óc Eo cổ xưa. 

Nặng lòng với đồ cổ

Đến nay, ông Tạ Mân (tên thật là Tạ Hòa Thọ) ở khu Tràng Thọ 1, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt đã có 28 năm theo nghiệp đồ cổ và sưu tầm được hơn 200 món đồ. Ông từng vui sướng tột cùng khi tìm được món đồ cổ quý, và cũng không ít lần hụt hẫng khi phải đi xa mà không được gì, nhưng vẫn miệt mài gắn bó với niềm yêu thích của mình. Ông bộc bạch: “Chơi đồ cổ thì tốn kém tiền bạc, công sức là điều đương nhiên, nhưng khi có được món đồ quý thì mình quên hết mệt nhọc, lo lắng. Đó là niềm hạnh phúc của những người chơi đồ cổ như tôi”.

Chuyện ít biết về người say đắm cổ vật Óc Eo - 1
Ông Tạ  Mân bên các bức tượng Óc Eo cổ.   CHÚC LY

Vốn đam mê đồ cổ, 28 năm trước, trong lần tình cờ gặp được bức tượng thần Vishnu bằng đá sa thạch, cao 1,5m, nặng 90kg ở Ba Thê (An Giang), ông Mân mua làm kỷ niệm vì thấy thích, đó là món đồ cổ về nền văn hóa Óc Eo đầu tiên của ông. Ông cho biết: “Trước giờ tôi không bán món đồ nào, dù có rất nhiều người đến hỏi mua vì đồ cổ về văn hóa Óc Eo với tôi là vô giá. Khoảng 7 năm trước, Bảo tàng Lịch sử ở Hà Nội có đến hỏi mua lại những món đồ cổ của tôi để trưng bày, họ trả tượng thần Vishnu giá 1 tỷ đồng, nhưng tôi không đồng ý bán. Tôi từng cho Bảo tàng Cần Thơ mượn 50 món đồ để trưng bày trong vòng 1 năm”.

 

Để tìm đồ cổ, ông Mân đi khắp các nơi, từ Rạch Giá – Kiên Giang đến núi Sậm, Ba Thê, Ba Trúc – An Giang, có khi qua cả Campuchia. Ông kể: “Mấy chục năm trước việc sưu tầm khó khăn lắm, vì là thời bao cấp, tiền bạc đâu phải dễ xài. Mình mua cũng sợ mà người ta bán cũng sợ, vì sợ bị bắt. Có lần tôi mua món đồ cổ ở An Giang, phải ngụy trang trong xe ba gác, lấy cỏ đắp lên, rồi hì hục đạp về tận Cần Thơ”.

Hiện trong gian nhà nhỏ của vợ chồng ông có khoảng 50 di vật Óc Eo có niên đại khoảng thế kỷ VII – XII, số còn lại ông phải chuyển lên nhà ở TP.HCM vì không đủ chỗ trữ. Món nào cũng được ông Mân cẩn thận chụp hình. Ông Mân cho biết: “Các món đồ cổ tôi sưu tầm được rất đa dạng về chất liệu: Đá, đồng, đất nung, gỗ và cả ngọc. Thời gian đầu, tôi tìm sách báo, lên mạng để biết rõ nguồn gốc, xuất xứ của mỗi món đồ. Sau này, khi đã có kinh nghiệm, tôi chỉ cần nhìn chất liệu, phong cách tạc tượng là có thể đoán được xuất xứ, thời gian tồn tại”.

Ông Mân lần lượt giới thiệu cho chúng tôi xem những di sản văn hóa Óc Eo độc đáo như voi thần Ganesha (mình người đầu voi, thế kỷ XII); tượng đầu bà Liễu Điệp bằng đá hoa cương, nặng 40kg. Trong bộ sưu tập của ông có cả những cổ vật nhỏ nhất, như tượng bò thần Nandin; thần Siva và thần Gama… tượng nào cũng được khắc họa tỉ mỉ từng chi tiết.

Am hiểu nền văn hóa Óc Eo

Dù chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng ông Mân khá thông thạo về nền văn hóa Óc Eo, ông đang là thành viên Câu lạc bộ Cổ vật TP.Cần Thơ, hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam. “Văn hóa Óc Eo là nền văn hóa Phù Nam, là sự giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nên rất phong phú, phát triển từ thế kỷ I - VI sau Công nguyên trên ĐBSCL. Đỉnh điểm của nền văn hóa này là đạo Hindu, đạo Bà La Môn và đạo Phật. Giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật điêu khắc Hindu giáo và Phật giáo ở đây là từ thế kỷ V - VII. Về gốm Óc Eo có 3 dòng: Đen, xương bánh kẹp và trét nhựa cây. Riêng tượng đá Óc Eo cái nào cũng rất nặng, hơi đá mát lạnh gan bàn tay” - ông Mân phân tích rành mạch.

Hiểu biết về nền văn hóa Óc Eo của ông Mân cũng song hành cùng những hiện vật ông sưu tầm được. Ông đọc khá nhiều sách về lịch sử, văn minh xứ Phù Nam, về đồ cổ và văn hóa Óc Eo. Hỏi về cách phân biệt các cổ vật Óc Eo, ông Mân cho biết rằng ông đã tự tay nắn nót viết lại trên tập học trò để ghi lại những hiểu biết, kinh nghiệm ông có được sau mấy chục năm chơi đồ cổ Óc Eo.

Ngôi nhà của ông Mân đã từng tiếp đón một vài vị khách quý đến từ nước ngoài, nhưng đông nhất là các sinh viên, học sinh đến tìm hiểu về nền văn hóa Óc Eo. Những dấu vết của nền văn hóa này được tìm thấy ở khu Ba Thê, Óc Eo, núi Sam (An Giang), Nền Chùa, Cạnh Đền, Mốp Văn (Kiên Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp), lan dài tới tận Tây Nguyên.

Giờ đây, tháng nào ông Mân cũng lặn lội đến nơi có những cổ vật Óc Eo còn tiềm ẩn trong đất, đá để dò thăm tin tức. Ai tìm được cổ vật là ông bỏ tiền ra mua với mục đích góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc, không để những cổ vật quý hiếm của Óc Eo bị thất thoát ra nước ngoài. Có thể nói ông Tạ Mân là một người hết lòng với di sản cha ông.

 Tháng nào ông Mân cũng lặn lội đến nơi có những cổ vật Óc Eo còn tiềm ẩn trong đất, đá để dò thăm tin tức. Ai tìm được cổ vật là ông bỏ tiền ra mua với mục đích góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc.


Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chúc Ly ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN