Chuyện ít biết về Chuẩn tướng Hạnh

40 năm sau ngày giải phóng, cựu Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh – người đã tác động để Tổng thống Dương Văn Minh phát đi lời kêu gọi các binh sĩ Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí, tránh gây thêm đổ máu - đang có cuộc sống an nhàn, thảnh thơi tuổi xế chiều ở một ngôi nhà nhỏ tại Tiền Giang...

Ở tuổi 91, ông Nguyễn Hữu Hạnh vẫn là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mỗi tháng, ông lại thuê xe đi từ ấp Me, thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đi TP.HCM dự họp và lãnh lương để sinh sống. Trí nhớ không còn minh mẫn, đôi lúc phải “nghiệm” ra một lúc mới nhớ được sự kiện nhưng ông vẫn còn nguyên bầu nhiệt huyết với quá trình hòa giải, hòa hợp dân tộc. “Người Việt Nam mình không bao giờ chia rẽ và không thể chia rẽ” – ông Hạnh thỉnh thoảng nhắc lại câu này trong cuộc trò chuyện với chúng tôi.

Vị tướng... không bắn súng

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ rộng chừng 30m2 tại ấp Me, thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, gần với nơi chôn nhau cắt rốn ở xã Phú Phong, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (cũ), “tướng” Hạnh đã chia sẻ về những điều đã thôi thúc ông chọn cho mình một tâm thế hòa hợp xuyên suốt trong những ngày tháng đầy biến động của thời cuộc.

Chuyện ít biết về Chuẩn tướng Hạnh - 1

Ông Nguyễn Hữu Hạnh (trái) tại hội nghị MTTQ tại TP.HCM năm 1976. Tư liệu 

Ông Hạnh kể, hồi nhỏ ông học giỏi, nhất là môn toán và tiếng Pháp nên năm 1946 cũng đi “đăng lính” ở Sài Gòn, coi như một “nghề” kiếm sống chứ không có ý định thăng tiến trong con đường binh nghiệp.

“Tôi ở cùng đại đội với ông Dương Văn Minh. Lúc đó ông Minh đã là thiếu úy chỉ huy còn tôi là lính mới tò te. Ông Minh dạy tôi bắn súng, nhưng tôi chỉ bắn tập chứ ra trận chưa bắn viên nào. Trong quân đội, tôi chủ yếu làm... kế toán trưởng kiêm luôn thông ngôn. Thành ra, có người nói tôi làm tướng mà không biết bắn súng là vì vậy” – ông Hạnh kể.

Là “học trò ruột” của Dương Văn Minh, ông Hạnh và ông Minh đã có những buổi nói chuyện rất lâu về cuộc chiến và nhận ra rằng cả hai ông cùng rất nhiều người khác chỉ mơ một ngày thống nhất, không mặc quân phục, không phải đeo súng. Tài liệu ghi lại, ông Hạnh đánh trận không bao giờ rút súng bắn vào đồng bào, còn ông Minh thì từ chối ném bom miền Bắc, từ chối phá đê sông Hồng. “Miền Bắc lúc đó, hay là người miền Nam, chúng tôi cũng là người Việt Nam. Chúng tôi phải làm thế nào cho hợp với tư tưởng của người Việt Nam”- ông Nguyễn Hữu Hạnh lý giải.

Đường binh nghiệp hanh thông như diều gặp gió nhưng ông Hạnh vẫn là “viên tướng không bắn súng”. Năm 1970, thông qua người bác họ là Nguyễn Tấn Thành, ông Nguyễn Hữu Hạnh trở thành cơ sở của Ban binh vận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Trong cùng năm, ông được thăng làm chuẩn tướng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Vào ngày 29.4.1975, ông được ông Dương Văn Minh phân công giữ chức phụ tá Tổng Tham mưu trưởng cho Trung tướng Vĩnh Lộc, người đã đào nhiệm sau đó. Với cương vị này, ông cùng với ông Dương Văn Minh đã phát đi lời kêu gọi các binh sĩ miền Nam buông súng vào sáng ngày 30.4.1975. Cũng chính ông cùng với Tướng Nguyễn Hữu Có đã có mặt cùng ông Dương Văn Minh tại Dinh Độc Lập trong giờ phút cuối cùng của Việt Nam cộng hòa.

Tháng 6.1975, ông được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Thành Đồng. Sau năm 1975, ông tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách nhân sĩ yêu nước cho đến nay.

Hạnh phúc cuối đời

Ông Hạnh kể, ông có đến 11 người con, một người hiện đang định cư ở Đức, còn lại đều có nhà riêng và sinh sống ổn định tại TP.HCM. Cách đây gần chục năm, vợ ông mất do già yếu, ông sống cùng một người con ở huyện Củ Chi, ngoại thành TP.HCM. “Vợ mất tôi buồn quá, các con cháu đều đi làm nên tôi hay bắt xe đò về quê cũ ở Tiền Giang thăm họ hàng, thăm lại những người ngày xưa “khác chiến tuyến” với mình. Ông trời sắp đặt, tôi gặp một người phụ nữ “khổ nhất thế gian” ở cái ấp Me, thị trấn Tân Hiệp và không ngờ gắn bó với nhau lúc xế chiều” – ông Hạnh kể về mối nhân duyên ở cái tuổi gần 90 mà ông mới gặp là bà Trần Thị Hiệp, năm nay 60 tuổi.

Ở ấp Me, mối lương duyên của ông Hạnh và bà Hiệp là một câu chuyện đẹp, nhiều người biết. Nhưng, ít người ở đây biết rằng “ông già hiền khô” ở trong căn nhà nhỏ xíu, xung quanh toàn mồ mả trước đây từng là một vị tướng, quyền uy một vùng. Nhiều người dân ấp Me kể, cách đây 5 năm, họ thấy có một ông già da trắng, dáng vẻ khoan thai hay tới chơi dài ngày ở nhà ông Bảy Rết. Hàng ngày, mấy người bán vé số ế đi ngang, ông già hay mua giúp. Trong số những người này, có bà Hiệp hoàn cảnh là đáng thương nhất: Chồng bà mất năm 1999, để lại bà một nách 5 đứa con nhỏ.

Không đất đai, hàng ngày bà Hiệp đi bán vé số nuôi con. Năm 2010, thấy đứa con út của bà Hiệp mới 12 tuổi đi ngang nhà ông Bảy Rết, ông Hạnh kêu lại, hỏi đi mua gì. Cháu bé nói đi mua gạo, ông cầm lên thấy nhẹ tênh, đứa nhỏ mới nói mẹ con không có tiền, mỗi lần đi mua chỉ mua được 1kg, mua là nấu cơm ăn luôn. Ông Hạnh quay vào nhà, rồi nhờ ông Bảy Rết đi mua 20kg gạo, gửi tặng cho gia đình bà Hiệp.

Rồi ông Hạnh cũng về lại TP.HCM. Ít tuần sau, ông lại quay về nhà ông Bảy Rết. Và lần này, vị nhân sĩ 87 tuổi quyết định ở chơi nhà ông bạn già suốt 3 tháng. “Tôi lớn tuổi lắm rồi. Thiệt tình mà nói, ở cái tuổi này không ai ham hố gì nữa đâu. Mà có ham hố, thì cũng thiếu gì cách chứ ai lại đem lòng cảm mến một người đàn bà khổ sở như thế. Tôi cứ thấy bà Hiệp tảo tần lại thấy thương, rồi đâm ra nhớ vợ, muốn có người thủ thỉ tuổi già” – ông Hạnh cười móm mém kể.

Ban đầu, bà Hiệp cũng nhất quyết không chịu “ông già” vì “tôi cũng già khú đế rồi. Ở với nhau chắc chỉ đấm lưng cho nhau cho đỡ đau nhức xương cốt chứ có làm ăn gì nữa ở cái tuổi này. Rồi chênh lệch tuổi tác nữa, nhìn thì tưởng ổng trẻ ai ngờ con lớn của ổng còn lớn hơn tôi nên tôi không chịu” – bà Hiệp kể.

Đến lúc bà Hiệp đồng ý làm bạn với ông Hạnh cho vui tuổi già thì đến lượt các con của ông Hạnh không đồng ý. Ông Hạnh sau một thời gian ở nhà ông Bảy Rết cũng phải về TP.HCM. Khoảng vài ngày sau, một người cháu nội của ông Hạnh tìm về tận ấp Me, tìm gặp bà Hiệp, đưa bà 5 triệu đồng và cái điện thoại với lời dặn: “Ông nội con đưa cho cô, nói cô chi tiêu và dùng điện thoại gọi cho ông”. Ít lâu sau, những người con của ông Hạnh cũng dần đồng ý để ông về ấp Me sinh sống.

“Tôi đâu có tài sản gì ngoài lương. Tiền bạc của con cái tôi không muốn dính vì làm vậy là làm khó cho bả (bà Hiệp). Thành ra, tôi gặp cô Dung bên mặt trận (bà Võ Thị Dung – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM) mượn cô 30 triệu đồng về ấp Me cất cái nhà sống với bà Hiệp. Tôi nói để mỗi tháng “trừ” lương 2 triệu đồng nhưng cô Dung nói chỉ lấy 1 triệu đồng mỗi tháng. Vậy là vợ chồng già có cái nhà nhỏ để ở” - ông Hạnh kể.

Nhà ông Hạnh cất trên một góc nghĩa địa, xung quanh vẫn còn nhiều mồ mả. Ngay lối vào nhà là một cái mả đá chắn ngang. Hỏi ông ở đây có buồn không, ông Hạnh cười hiền: “Người sống cầm súng đối đầu nhau còn chưa giết nhau, còn ngồi được với nhau thì mình sống gần người chết cũng đâu có hề gì. Tôi ở đây và cảm thấy vui, hàng tháng lại thuê xe đi TP.HCM họp hành, thăm con cháu. Tôi dự tính sống chừng 10 năm nữa, lúc đó nhà báo khỏe thì cứ ghé chơi với tôi” - ông Hạnh chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Danh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN