Chuyện ít biết về bát chiết yêu “thần thánh” không thể thiếu trong mâm cỗ Tết xưa
Những chiếc bát chiết yêu là vật dụng đựng thức ăn không thể thiếu trên mâm cơm xưa, nhất là mâm cỗ ngày Tết.
Bát chiết yêu ngày xưa là thứ không thể thiếu trong các mâm cơm gia đình, đặc biệt là dịp Tết. Ảnh minh họa internet.
Bát chiết yêu (hay còn gọi bát yêu) là vật dụng thiết yếu trong mỗi gia đình người Việt xưa. Chiếc cầu kỳ thì vẽ hoa bằng tay, chiếc giản dị thì đóng triện gỗ làm trang trí. Tất cả đều vênh váo, cong cớn, mộc mạc đến thô thiển do nung lâu trong lửa than, lửa củi.
Ngày xưa, nhà giàu hay nhà nghèo cũng đều có bát chiết yêu trên mâm cơm. Cỗ 6 bát, 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc phát tài hay những gánh hàng bún, hàng cháo… cũng không thể thiếu hình ảnh của bát chiết yêu.
Ở thôn, bát chiết yêu thường được chủ nhà đánh dấu bằng sơn một ký hiệu hoặc viết tên dưới chôn bát để đến khi có đám, trong làng ngoài xóm họ mượn nhau, sau căn cứ theo dấu hiệu đó mà trả về, chẳng lẫn đi đâu được.
Mâm cơm ngày Tết có bát canh măng, canh bóng… đựng trong bát chiết yêu vênh váo, tuy không có tính thẩm mỹ nhưng khiến người ta cảm thấy thiêng liêng và nhớ mãi.
Thế nhưng, chuyện ấy cũng đã lâu lắm rồi. Ngày nay, hầu hết người ta bỏ bát chiết yêu đi, thay vào đó là những chiếc bát tô to tròn trịa, bóng bẩy. Bát chiết yêu vẫn được một số làng nghề sản xuất nhưng hình dáng và hoa văn không còn nguyên bản như cũ.
Trải qua thời gian, nhiều người vẫn lưu luyến hình ảnh những chiếc bát chiết yêu cổ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, bát chiết yêu có xuất xứ từ đâu và vì sao lại có hình dáng kì lạ như vậy?
Giáo sư Trần Lâm Biền – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam.
Theo một cán bộ của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, bát chiết yêu có nguồn gốc từ Trung Quốc và du nhập vào Việt Nam từ khoảng thế kỷ 13-14. Tài liệu ghi lại cho thấy, bát được nhập đầu tiên về vùng Hải Dương. Về sau, khi bát chiết yêu phổ biến, các lò nung thủ công ở các làng nghề Việt Nam sản xuất rất nhiều loại bát này.
Về tên gọi của bát chiết yêu, giáo sư Trần Lâm Biền – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho rằng, "chiết" có nghĩa là thóp, "yêu" nghĩa là lưng. Chiết yêu có nghĩa là thóp lưng. Tên gọi cũng xuất phát từ hình dáng của chiếc bát khi nó có miệng rộng, sau đó thóp nhỏ dần xuống tới đáy.
“Đây là loại bát phổ biến để ngày xưa người ta bán bún riêu cua, bún thang và khá phổ biến trên mâm cỗ Tết. Bát có 2 tầng, nửa trên loe ra, nửa dưới thóp lại, mục đích là đánh lừa thị giác của con người, thấy nó đầy đặn nhưng không phải thế”, GS Biền chia sẻ.
Nhiều người cũng cho rằng, thiết kế trên to, dưới bé của bát chiết yêu nhằm giúp người ăn không bị bỏng miệng. Miệng bát chiết yêu to, thức ăn sẽ nhanh nguội hơn nên ăn từ trên xuống dưới sẽ giữ được độ ấm nóng cho thức ăn.
Trong xã hội hiện đại, những gánh hàng rong bán cháo, bún… đã không còn dùng bát chiết yêu. Mâm cơm gia đình cũng đã được thay thế bằng các loại bát khác. Hình ảnh bát chiết yêu dần xa với thế hệ trẻ thế nhưng, đối với những người lớn tuổi, nhắc đến bát chiết yêu, cả một bầu trời ký ức sẽ ùa về bên mâm cơm ngày Tết.
Với mong muốn lưu giữ những chiếc mâm gỗ cổ của cha ông ngày xưa, ông Hoa đã cất công hơn 30 năm để dành thời gian,...
Nguồn: [Link nguồn]