Chuyện ít ai biết về lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam
Theo những người dân thuộc xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, lễ hội chọi trâu tại đây đã có truyền thống từ hàng nghìn năm trước, xuất phát điểm là một buổi mở tiệc khao quân sĩ sau trận chiến của bậc vĩ nhân từ thế kỷ II trước công nguyên (TCN).
Lễ hội của những “ông trâu” cổ xưa nhất Việt Nam
Xuyên suốt nhiều thế kỷ, lễ hội chọi trâu Hải Lựu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) đã được tổ chức và trở thành truyền thống của người dân nơi đây.
Đền thờ Thừa tướng Lữ Gia là nơi tổ chức phần “lễ”.
Năm 1947, do chiến tranh ác liệt, lễ hội chọi trâu Hải Lựu buộc phải ngừng tổ chức vì điều kiện không cho phép. Mãi đến năm 2002, sau 55 năm bị tạm ngừng, chọi trâu Hải Lựu được tổ chức lại với sự tham gia của 24 “ông trâu”, chia thành 12 cặp đấu.
Chọi trâu Hải Lựu tương truyền đã có từ thế kỷ II TCN và khởi nguyên từ một buổi mổ trâu, khao tướng sĩ sau khi đánh trận của Thừa tướng Lữ Gia (190 TCN – 111 TCN). Theo một số tài liệu lịch sử, Lữ Gia sinh ra ở huyện Lôi Dương, quận Cửu Chân (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Cha ông là hào trưởng Lữ Tạo, làm nghề lang y, mẹ là người tài sắc tên Trương Thị Vĩ, con gái hào trưởng Vũ Ninh (vùng Bắc Ninh ngày nay).
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu tiếp nối đến ngày nay có 2 phần chính là phần “lễ” và phần “hội”. Trước khi những “ông trâu” được đưa ra đấu trường, các hộ nuôi trâu phải tập trung để làm lễ tế thành hoàng làng – cũng chính là Thừa tướng Lữ Gia trong sử sách. Phần lễ được cử hành ở đền thờ Thành hoàng làng, gồm lễ trình trâu, lễ rước và dâng hương.
Sau khi kết thúc phần lễ với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà hạnh phúc, phần hội chọi trâu Hải Lựu mới được diễn ra. Ngoài tiết mục chính là hội chọi trâu thường niên, trong phần hội còn bao gồm nhiều tiết mục văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian, uống rượu ca hát… Ước tính hàng năm, có khoảng 70.000 lượt du khách ghé thăm lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam này.
Khác biệt với các lễ hội chọi trâu khác như Đồ Sơn (Hải Phòng) và Phù Ninh (Phú Thọ), ở xã Hải Lựu, các “ông trâu” được nhiều tập thể cùng nhau nuôi dưỡng. Các tập thể này là các xóm, các làng, hoặc các họ tộc trong xã Hải Lựu cùng nhau nuôi, huấn luyện các “miếng đánh” cho trâu.
Bí quyết chọn trâu chọi
Để hiểu tường tận hơn về những “ông trâu” trong hội chọi trâu Hải Lựu, tôi đã tìm về nhà anh Hà Hữu Đức (trú xã Hải Lựu) – một trong những hộ nuôi trâu. Anh Đức và gia đình đã có thâm niên nuôi trâu chọi gần 20 năm qua và đã từng là nhà vô địch của hội chọi trâu Hải Lựu.
Anh Hà Hữu Đức, cựu vô địch hội chọi trâu Hải Lựu đã có thâm niên gần 20 năm nuôi trâu chọi.
Theo anh Đức, trước đây, trâu Hải Lựu chủ yếu được nuôi theo dòng họ hoặc theo xóm. Một gia đình trong họ hoặc xóm sẽ đứng lên đại diện nuôi trâu, đây phải là gia đình văn hóa và đảm bảo điều kiện kinh tế, trong họ hay xóm sẽ hỗ trợ kinh phí nuôi trâu.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi kinh tế khá hơn, xuất hiện một vài trường hợp cá biệt là hộ gia đình cá nhận tự nuôi trâu để tham gia lễ hội chọi trâu.
Bật mí về những bí mật trong nghề nuôi trâu chọi, anh Đức cho hay mỗi một chủ nuôi trâu sẽ có những bí quyết riêng. Nếu muốn “ông trâu” nhà mình đoạt ngôi quán quân của hội, ngay từ khâu chọn trâu để mua đã có nhiều điểm phải chú ý.
Theo vị cựu quán quân hội chọi trâu này, mỗi con trâu chọi ở Hải Lựu thường phải đủ 10 năm tuổi và được mua với giá khoảng 100 triệu đồng từ các nước như Thái Lan, Myanmar, Campuchia…
Quá trình mua trâu, chủ trâu sẽ liên hệ với đầu mối bán trâu và xem qua video, hình ảnh quay chụp. Thậm chí, để chắc chắn hơn, công cuộc đàm phán sẽ kéo dài nhiều ngày với nhiều lượt video call để “soi” trâu. Sau khi “chốt đơn”, “ông trâu” sẽ được người bán vận chuyển về Hải Lựu và bên mua sẽ phải thanh toán toàn bộ chi phí mua trâu và phí vận chuyển.
“Ông trâu” của gia đình anh Đức có trọng lượng khoảng 700 kg, bé nhất trong số trâu chọi.
Về cơ bản, những “ông trâu” có tố chất vô địch phải có điểm đặc biệt như cặp sừng phải dài, cứng rắn và phải nhọn. Mắt trâu phải nhỏ, con mắt phải càng đỏ càng tốt, mí mắt dày, cổ to, ngực nở, lưng thẳng. Da trâu chọi phải dày, lông cứng, móng chắc, chân to, các xoáy trên lông phải đẹp. Những “ông trâu” có xoáy đóng giữa tam đinh – phần giữa 2 mắt và trán – có tên gọi “tam đinh tóc trát” thì càng được các “chuyên gia” chọi trâu săn lùng.
“Trâu có tam đinh tóc trát thì rất lỳ đòn. Trán trâu cũng bắt buộc phải thẳng bởi lẽ nếu chỉ cần trán hơi dô, sau một cú húc sẽ khiến trâu chấn động mạnh, choáng váng và xuất hiện việc “lâm trận bỏ chạy”. Nếu trâu trán dô mà thực hiện miếng đánh “hổ lao” (lao thẳng, mạnh với khoảng cách xa, tốc độ cao) thì có thể khiến trâu vỡ sọ, chết ngay tại chỗ”, anh Đức giải thích.
Anh Đức cũng tiết lộ, trong số những “ông trâu” đang được nuôi ở Hải Lựu, trâu nhà anh là con bé nhất hội vì có tổng trọng lượng chỉ suýt soát vượt qua con số 700 kg. Trong khi đó, những “ông trâu” đối thủ có trọng lượng trung bình từ 800 – 900 kg, có con nặng khoảng 1,1 tấn.
Với sức chứa gần 30 nghìn khán giả nhưng sân chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) đã "vỡ trận" khi chưa bắt đầu khai...
Nguồn: [Link nguồn]