Chuyện hai nữ nông dân 9X ứng cử ĐBQH

Sự kiện: Thời sự

Lý Thị An và Quàng Thị Nguyệt là bạn thân, cùng sinh năm 1997, cùng có tên trong danh sách bầu cử ĐBQH khóa XV, đơn vị bầu cử số 1, Điện Biên.

Quàng Thị Nguyệt và Lý Thị An là bạn thân, cùng 24 tuổi, hiện đều đang ở nhà làm nông dân. Cả hai cùng có tên trong danh sách bầu cử ĐBQH khóa XV, đơn vị bầu cử số 1, tỉnh Điện Biên

Quàng Thị Nguyệt và Lý Thị An là bạn thân, cùng 24 tuổi, hiện đều đang ở nhà làm nông dân. Cả hai cùng có tên trong danh sách bầu cử ĐBQH khóa XV, đơn vị bầu cử số 1, tỉnh Điện Biên

Lý Thị An và Quàng Thị Nguyệt là bạn thân, cùng sinh năm 1997, nhà ở sát vách nhau. Hai người cùng tốt nghiệp Học viện Phụ nữ, chuyên ngành Công tác xã hội và hiện đều đang ở nhà làm nông dân. Điều đặc biệt, cả hai cùng có tên trong danh sách bầu cử ĐBQH khóa XV, đơn vị bầu cử số 1, tỉnh Điện Biên.

Đôi bạn thân cùng lớp, cùng trường từ nhỏ

Những ngày đầu tháng 5/2021, từ Hà Nội, PV Báo Giao thông vượt quãng đường hơn 500km với 14 tiếng đồng hồ để đến xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Xã Mường Mươn giáp biên giới, khó khăn với 4 dân tộc gồm: Mông, Khơ Mú, Thái, Kinh. Kinh tế địa phương chủ yếu là nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo đang còn ở mức cao là 51,62%. Đây chính là nơi sinh sống của 2 ứng viên trẻ tuổi nhất trong số 868 ứng viên ĐBQH khóa XV.

“Cô An và cô Nguyệt người Khơ Mú, có trình độ đại học chính quy, hiện đang là nông dân, là người ngoài đảng. Hai cô được Hội Nông dân giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV. Ở địa phương hai cô tham gia đầy đủ tích cực mọi hoạt động của địa phương, được người dân tin tưởng. Gia đình 2 cô được dân bản quý mến. Ông Lò Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Mường Mươn”

Dừng chân tại một quán nước ở xã Mường Mươn, khi chúng tôi hỏi thăm, người dân không ai là không biết về Quàng Thị Nguyệt và Lý Thị An, cùng trú tại bản Púng Giắt. Nhắc tới hai người, ai cũng bảo, cả hai cô đều được học hành đầy đủ, sống chan hòa và rất tích cực tham gia các phong trào của địa phương.

Chia sẻ với PV, chị Lò Thị Diên (47 tuổi, hàng xóm của Lý Thị An và Quàng Thị Nguyệt) cho biết: “Trong bản, cả hai người đều hiền lành, chất phác, thật thà, lại có trình độ hiểu biết.

Với người dân tộc Khơ Mú nơi đây, những người được học hành, có bằng cấp rất hiếm. Ngày thường, ngoài công việc gia đình, cả hai rất nhiệt tình tham gia các hoạt động của cộng đồng bản nên rất được bà con dân bản quý mến, tin tưởng”.

Được người dân hướng dẫn, PV không khó để tìm được ngôi nhà Lý Thị An đang sinh sống cùng gia đình. Đó là một ngôi nhà sàn gỗ với những họa tiết trang trí mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc miền núi Tây Bắc. Mở cửa đón PV là một người con gái mảnh mai, tươi tắn trong trang phục truyền thống của người Khơ Mú.

Rót nước mời khách, Lý Thị An chia sẻ, gia đình cô có 3 anh chị em, anh đầu sinh năm 1993, đã có vợ và 2 con, cô là con thứ 2 và em gái sinh năm 2007 đang là học sinh, bố mẹ đều làm nông nghiệp.

Sau khi học hết tiểu học ở địa phương, cô thi vào trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Mường Chà, cách nhà khoảng 20km. Khi học hết lớp 9 thì tiếp tục thi đỗ THPT, rồi tiếp đó, thi và đỗ vào Khoa Công tác xã hội, Học viện Phụ Nữ Việt Nam tại Hà Nội.

“Đến tháng 7/2019, tôi ra trường về quê sinh sống cùng gia đình. Vì gia đình thuần nông nên sau mỗi khi đi làm nương về, tôi lại giúp đỡ anh chị cả trông cháu, làm việc nhà, nội trợ cơm nước cho cả gia đình. Từ khi ra trường đến nay, tôi cũng tìm kiếm công việc nhưng do đặc thù của chuyên ngành đào tạo, tôi chưa tìm được vị trí tuyển dụng phù hợp. Chuyên ngành tôi học, nếu như ở Hà Nội hoặc TP lớn thì sẽ dễ xin việc hơn”, Lý Thị An kể về cuộc sống và công việc hiện tại của mình.

Ứng viên ĐBQH Quàng Thị Nguyệt

Ứng viên ĐBQH Quàng Thị Nguyệt

Kể về người bạn thân, cũng là ứng viên ĐBQH trẻ nhất như mình, Lý Thị An chia sẻ: “Nhà tôi cách nhà Nguyệt mấy bước chân, chúng tôi chơi thân với nhau từ nhỏ, cùng học với nhau từ cấp 1, cấp 2, trường nội trú và sau đó học cùng khoa Công tác xã hội của Học viện Phụ Nữ Việt Nam”.

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi đã gặp được Quàng Thị Nguyệt tại buổi tiếp xúc cử tri của ứng viên ĐBQH tại phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ. Trước cử tri, người phụ nữ dân tộc thiểu số tỏ ra rất nhanh nhẹn, tự tin, giọng nói đầy thuyết phục khi trình bày chương trình hành động của mình.

“Cũng như bao ứng viên khác, tôi luôn cố gắng tập trung công việc, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, tiếp thu ý kiến của người dân sau mỗi lần tiếp xúc cử tri. Tôi đang có con nhỏ mới hơn 6 tháng tuổi nên quá trình tham gia tiếp xúc cử tri thường xuyên nên phải có bà ngoại đi theo để trông con”, Quàng Thị Nguyệt chia sẻ.

Và cũng như người bạn Lý Thị An, sau khi ra trường, cô vẫn chưa tìm được vị trí việc làm phù hợp với chuyên ngành đã được đào tạo, hiện vẫn đang ở nhà làm nông dân. Chỉ có điều khác giữa hai người bạn là nếu Quàng Thị Nguyệt đã lập gia đình thì Lý Thị An mới có người yêu.

Sẽ luôn lắng nghe nguyện vọng của nhân dân

Ứng viên ĐBQH Lý Thị An

Ứng viên ĐBQH Lý Thị An

Lý Thị An kể, khi được Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc và lãnh đạo địa phương giới thiệu ứng cử ĐBQH, cô rất bất ngờ vì không có sự chuẩn bị. Sau khi được sự động viên, ủng hộ của gia đình, cô đã giành nhiều thời gian tìm hiểu về trách nhiệm và vai trò của ĐBQH.

“Trong suốt quá trình từ khi bắt đầu làm hồ sơ đến các hội nghị, các vòng hiệp thương, bố luôn là người động viên và đưa đi đón về”, Lý Thị An bộc bạch, đồng thời chia sẻ rằng, nếu như được bầu làm ĐBQH, đây sẽ là một niềm tự hào rất lớn đối với bản thân cô và gia đình cũng như cộng đồng dân tộc Khơ Mú. Đồng thời, đó cũng là một công việc rất khó khăn và trách nhiệm rất lớn vì phải đại diện cho tiếng nói của cộng đồng các dân tộc ở Điện Biên nói chung và dân tộc Khơ Mú nói riêng.

“Về phía chính quyền các cấp cũng rất ủng hộ quan tâm, hướng dẫn tôi làm các bước hồ sơ thủ tục tận tình. Bản thân là một người nông dân bình thường, chưa từng trải qua chức vụ, công việc nào cả, trong giai đoạn ban đầu tôi cũng cảm thấy bỡ ngỡ, lo lắng. Sau đó, khi tìm hiểu được nhiều điều, đồng thời có sự hướng dẫn, tiếp thu nhiều kiến thức thức mới nên cảm thấy bản thân ý thức phải cố gắng và tự tin hơn. Khi biết mình nằm trong danh sách 868 ứng viên ĐBQH khóa XV, bản thân tôi cảm thấy vừa vui, vừa hồi hộp”, Lý Thị An tâm sự.

Hiện đang là giai đoạn vận động cử tri, tuy nhiên do mới bị ốm nên Lý Thị An chưa thể tham gia được buổi tiếp xúc cử tri nào. Cô cho biết, tại các buổi tiếp xúc tới đây, cô sẽ cố gắng diễn đạt các chương trình hành động của mình để làm sao cử tri dễ hiểu nhất, tạo được sự tin tưởng về những gì sẽ làm để đóng góp cho quê hương.

“Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa XV, tôi sẽ cố gắng làm tròn trách nhiệm người đại biểu nhân dân. Với tất cả sức trẻ, nhiệt huyết và sáng tạo của mình tôi sẽ tiếp tục học tập, nghiên cứu, phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, bản lĩnh chính trị, luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vận động tuyên truyền bà con phát triển kinh tế sản xuất để nâng cao đời sống”, Lý Thị An chia sẻ thêm.

Trong khi đó, ứng viên Quàng Thị Nguyệt cũng cho biết: “Được sự quan tâm của gia đình, sự tin tưởng của địa phương, tôi sẽ nỗ lực để làm tốt nhất công việc của mình trong quá trình tiếp xúc cử tri trước bầu cử. Nếu được cử tri tin tưởng thì tôi sẽ tiếp tục cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri tin tưởng, gửi gắm”.

Quảng Nam: Người trẻ nhất ứng cử đại biểu HĐND tỉnh năm nay 26 tuổi

Ủy ban Bầu cử tỉnh Quảng Nam vừa ban hành nghị quyết về việc công bố danh sách chính thức 91 người ứng cử đại biểu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Chuyên ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN