“Chuyên gia trang điểm” cho xác chết

Để trở thành chuyên gia trang điểm cho người sống đã khó, thành “chuyên gia” trang điểm cho người chết có lẽ còn khó và phải “sàng lọc” khốc liệt gấp cả trăm nghìn lần.

Bởi với những nhân viên nhà đại thể (thường gọi là nhân viên nhà xác), cái khó không chỉ là việc sử dụng son phấn, mỹ phẩm ra sao để những người không còn dương khí mà vẫn tươi tắn, hồng hào như đang sống (thậm chí là phải chắp vá cả những phần thi thể không còn nguyên vẹn do tai nạn). Và hơn tất thảy, họ phải có được thần kinh thép, “miễn nhiễm” với tất cả những gì là rùng rợn, kinh hãi nhất trên thế gian này.

Tôi đã có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Văn Điểm – nhân viên nhà xác của bệnh viện Q và cũng là một “chuyên gia” trang điểm cho tử thi – người đã mấy chục năm thường xuyên ăn - ngủ cùng xác chết, đã làm đẹp rồi khâm liệm cho không biết bao nhiêu kiếp người, trước khi tiễn đưa họ về đất mẹ.

Sống trong... nhà xác

Nếu trừ 8 tiếng đồng hồ để ngủ ra thì có lẽ thời gian sống trong nhà đại thể của ông Điểm còn nhiều hơn thời gian ở bên cạnh gia đình. Những ngày không phải trực đêm, 8 giờ sáng ông đã có mặt ở khu vực chỉ dành cho những người không còn sự sống. Công việc đến 5 giờ chiều hầu như cũng chỉ gắn với khu nhà đại thể - nơi nằm tách biệt hẳn so với cả bệnh viện rộng lớn.

“Chuyên gia trang điểm” cho xác chết - 1

Nơi những người không còn sự sống được ông Điểm tắm rửa

Sau khi thay áo blouse trắng, việc khởi đầu mỗi ngày của ông là sang nhà tang lễ. Đứng trước ban thờ giản dị chỉ có bát nhang và khung ảnh Quan thế âm Bồ tát, ông kính cẩn thắp nhang cho những linh hồn đã từng neo dừng lại nơi đây, lần nào ông cũng chỉ cầu mong cho họ sớm được siêu thoát. Ông bảo, độ hai mươi năm trước, những người xấu số qua đời vì bệnh nhiễm trùng nhiều lắm.

Cơ sở vật chất của bệnh viện cũng như nhà xác bấy giờ còn khó khăn, thiếu thốn đủ đường. Nhiều đêm trên bệnh viện gọi xuống báo có người mất, ông lầm lũi đẩy chiếc xe lọc xọc, lọc xọc đi nhận xác đến cả chục ca. Điện đóm bấy giờ cũng chỉ lờ mờ, vàng vọt. Giữa đêm, duy nhất một bóng áo trắng dưới những tàng cây xà cừ cổ thụ, thi thoảng mới có thêm tiếng vỗ cánh đi về của lũ cú mèo ăn đêm.

Khu nhà xác khá rộng nằm khuất một góc trong tổng thể bệnh viện, đi qua nơi làm việc của cán bộ khoa Giải phẫu pháp y là nhà tang lễ. Sâu hơn một chút nữa là phòng trực của nhân viên nhà đại thể. Góc trong cùng là khu dành riêng cho những xác người (vệ sinh, giải phẫu và bảo quản). Phòng trực chỉ có hai chiếc giường đơn, ông Điểm cùng ba nhân viên nữa chia nhau trực đêm. Mỗi đêm lại có hai người thay nhau trực. Với ông Điểm, lực lượng như thế đã là... hùng hậu lắm rồi, chứ một thời gian dài trước đây chỉ có ông và một người nữa thay nhau trực cả tuần, ròng rã hết tháng này qua năm khác. Điều đó cũng có nghĩa là chỉ một người sống giữa cả chục cái xác không hồn.

Những cái bàn để xác cùng chung một kiểu thiết kế: Không có bốn chân mà chỉ một trụ ở giữa để ngăn chặn lũ chuột không thể leo lên. Những chiếc... “lồng bàn” úp lại cũng là để ngăn lũ gián, chuột. Song “chuột ở đây hình như đã thành tinh rồi”, chúng chưa bao giờ biết sợ người, đêm ngày từng đàn chuột mông trụi vẫn cứ chạy cung quăng khắp nhà xác, hếch cái mũi đỏ lên mà hít hít. Không bò lên được thì chúng tìm cách... nhảy dù từ trên tường xuống, giữa đêm mà cứ thấy lộp bộp trong nhà xác là đích thị lũ chuột vừa hạ cánh an toàn xuống một cái “lồng bàn” nào đó. Chỉ cần hơi kênh “lồng bàn” thôi là chúng đã lách vào tìm đến mắt, mũi, tai của người chết mà cắn, mà khoét. Thế nên mỗi đêm ông Điểm phải “đi tuần” quanh nhà xác đến cả chục lần, “chứ mà nhỡ ra lũ chuột gây họa thì lương tâm mình cắn rứt lắm” – ông Điểm phân trần.

“Chuyên gia trang điểm” cho xác chết - 2

Ông Điểm bên những ngăn lạnh bảo quản người chết

“Chuyên gia” bất đắc dĩ

Năm mươi tuổi và có hơn hai mươi năm “thâm niên” mọi ngóc ngách của nhà xác, ông Điểm từng là bộ đội, khi ra quân, ông khăn gói từ Hòa Bình xuống thủ đô xin vào làm ở nhà xác bệnh viện Q. Bấy giờ “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa/ Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”, ông Điểm đã không chút đắn đo khi “dấn thân” vào nhà xác. Đã chuẩn bị tinh thần để đối mặt với công việc trần gian có một này, cũng đã tôi rèn bản lĩnh suốt những năm tháng trong quân ngũ; vậy mà thời gian đầu làm việc ở nhà xác, ông Điểm cũng đã sợ hãi đến tột độ.

Công việc của nhân viên nhà xác không chỉ đơn giản là đưa người chết xuống và trông nom họ trước mối đe dọa là lũ chuột đã thành tinh. “Nếu chỉ có thế thì cũng chả có gì là... đáng sợ và rùng rợn lắm” – ông Điểm cười. Ngoài trông nom nhà xác ra, ông còn phải phụ các bác sĩ giải phẫu tử thi để tìm ra nguyên nhân cái chết, rồi so sánh, đối chiếu với chẩn đoán ban đầu để từ đó nghiên cứu cách chữa trị và rút ra những kinh nghiệm quý giá cho y học.

Rồi có khi một ngày ông đi nhận xác và bệnh phẩm của mấy chục ca sinh thiết về, phải phân loại từng bộ phận không khác gì cơ thể mình cho vào thùng phoocmôn để các bác sĩ chẩn đoán bệnh. Những ngày đầu phải đi lấy nội tạng, rồi cả tay, chân, ông đã nôn thốc tháo, mật xanh mật vàng. Những đêm trực – sống cùng xác chết, lúc thức thì ông cứ thấy lành lạnh dọc cả sống lưng, chợp mắt được một chốc thì mồ hôi vã ra như tắm. Bật mắt dậy chỉ nghe có tiếng gió hiu hiu, trùm chăn lại mà vẫn nghe tiếng lá cây xào xạc, tiếng cú mèo ma quái.

Nơi buồn thảm, lạnh lẽo hơn cả nghĩa trang là nhà xác. Nơi rùng rợn còn hơn cả những bộ phim kinh dị cũng là nhà xác. Chẳng vậy mà biết bao nhiêu đồng nghiệp của ông cứ xin vào làm được dăm bữa nửa tháng là lại phải xin ra vì hãi hùng, thê lương, lạnh lẽo và rùng rợn quá. Họ không chịu được cảnh đi theo xe cứu thương đến nơi có người tai nạn, chứng kiến đồng loại của mình không còn nguyên vẹn hình hài, rồi phải dọn dẹp cả những phần thi thể đã nát bấy.

Đối mặt với những gì hãi hùng nhất đã đáng sợ rồi, nhưng đáng sợ hơn nữa là những người làm ở nhà xác như ông chẳng thể nào chia sẻ công việc cùng ai, dù người đó là bố mẹ, vợ con đi nữa. Có không ít người mất vợ, mất người yêu chỉ vì thật thà rằng “anh làm trong... nhà xác”. Ông Điểm bảo, cái nghề này cô độc và khủng khiếp đến độ có đồng nghiệp của ông phải mượn rượu mới đủ dũng khí để tiếp tục làm, thậm chí có người đã hóa điên.

Khoa học tiến bộ từng ngày, cơ sở vật chất của nhà xác cũng khang trang, sạch sẽ hơn. Số ca tử vong mỗi ngày ông Điểm phải đưa về bên mình cũng không còn nhiều như trước nữa. Rồi kinh tế phát triển, đời sống người dân khấm khá hơn, thế là “phú quý sinh lễ nghĩa”. Thân nhân của những người nằm lại nơi này bắt đầu nhờ ông chăm sóc cho ông bà, bố mẹ, con cháu họ trước khi đưa về mai táng. Ban đầu chỉ đơn giản là tắm nước thơm, thay quần áo. Dần dần người ta nhờ ông trang điểm kỹ càng hơn như cạo râu, đánh phấn son, cắt móng tay, móng chân, thậm chí cả... tỉa lông mày cho người chết nữa. Thế là bất đắc dĩ, ông Điểm trở thành “chuyên gia trang điểm” cho người đã khuất!

Khó hơn trang điểm cho người sống


Từ một người đàn ông chưa bao giờ biết gì về son phấn, ông Điểm không nghĩ rằng lại có ngày mình sử dụng mỹ phẩm thành thạo đến thế. Bộ đồ trang điểm của ông có bàn cạo râu, mấy hộp phấn, mấy thỏi son, cái bút chì kẻ lông mày, cây chổi đánh phấn, cái nhíp, lại có cả cây chuốt và cái kẹp để uốn cong lông mi. Ông Điểm bảo, lúc đầu ông cứ thế bôi phấn, quệt son cho người chết thôi, nhưng sau mỗi nhà lại nhờ ông làm đẹp thêm cho người thân của họ một chút, thế rồi họ mang dụng cụ đến hướng dẫn ông làm. Những lần đầu cầm chổi, cọ, uốn mi, tay chân ông cứ “quều quào” không biết phải điều khiển chúng ra sao. Thế mà đến giờ ông sử dụng tất cả những thứ đó thành thục như bất kỳ cô gái nào điệu đàng, ưa làm đỏm.

“Chuyên gia trang điểm” cho xác chết - 3

Hoa hòe khô cũng góp phần vào việc điểm trang cho những con người đã tận cùng số mệnh

Bước đầu tiên của “công cuộc” trang điểm cho người chết là đưa họ... đi tắm. Cái xác được đặt trên một bàn làm bằng inox có hai tầng, tầng trên đục lỗ để nước chảy xuống tầng dưới, một đầu tầng dưới có ống thoát nước như hệ thống chậu rửa trong nhà bếp. Lần thứ nhất thi thể được tắm bằng rượu. Và đại hồi, nhục quế, tiểu hồi hương, gỗ vang… được nấu lên thành nước thơm để tắm xác lần thứ hai. Da người đã chết rất dễ rách nên mỗi lúc tắm hay cạo râu cho họ, ông Điểm phải rất tập trung và cẩn thận, nhẹ nhàng.

Việc tắm cho họ còn mất nhiều thời gian hơn cho chính... bản thân, vì với người chết, các bộ phận trên cơ thể đã cứng ngắc như cành cây rồi. Sau khi lấy khăn bông thấm nước, ông Điểm mặc lên người họ những bộ quần áo mới tinh do người nhà mang đến. Nắn bóp cho hai tay mềm ra, xếp lại trên bụng, điểm phấn, tô son, sơn sửa móng tay, móng chân, vẽ lại lông mày... xong, khuôn mặt người chết với nước da bợt bạt, bủng beo đã trở nên hồng hào khác hẳn. Xong xuôi, ông bốc một nắm hoa hòe đặt vào cỗ áo quan.

Đấy là với những người chết do bệnh, hoặc do già yếu. Còn với những người chết do tai nạn thì việc trang điểm cho họ còn khó và khổ hơn gấp nghìn lần. Đáng thương và cũng đáng sợ hơn cả là những ca mất do tai nạn giao thông, thường thì họ vào viện cùng với những bộ phận cơ thể không còn liền với thân mình, hình hài cũng không còn nguyên vẹn nữa. Khi tắm nước thơm cho từng bộ phận xong, ông Điểm lại phải sắp xếp, ráp nối sao cho cơ thể họ được hoàn chỉnh. Mỗi lần ông mất ít nhất là một tiếng đồng hồ để hoàn thành việc trang điểm cho những con người đã tận cùng số mệnh.

Gắn bó với nghề trần gian có một này từ ngày bệnh viện còn trả lương 24kg gạo mỗi tháng, nhìn lại những ngày ròng rã ăn ngủ cùng xác chết, rồi chăm sóc họ, giọng ông Điểm trầm trầm: “Không có tâm thì dũng cảm đến mấy cũng chẳng làm được nghề đâu, cậu ạ. Cứ phải tự động viên rằng mình đang làm phúc, đang tích đức đấy”. Đôi mắt trũng sâu, nước da mai mái, lôi cái hộp đựng mỹ phẩm ra, ông Điểm chuẩn bị “đồ nghề” để lại thực hiện nhiệm vụ của “chuyên gia” trang điểm nơi nhà xác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Nam Thượng (Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN