Chuyên gia: Toàn bộ hành khách MH370 có thể đã bất tỉnh
Bị thiếu dưỡng khí trong thời gian dài, hành khách MH370 có thể đã bị bất tỉnh.
Trong khi các điều tra viên vẫn đang phân tích dữ liệu vệ tinh để tìm câu trả lời cho những gì đã xảy ra với máy bay MH370, một chuyên gia hàng không cho rằng việc chiếc Boeing 777 này vọt lên độ cao 13.700 mét trong suốt 23 phút đã khiến toàn bộ hành khách bất tỉnh vì thiếu ô-xy.
Tờ Daily Mail của Anh dẫn lời giáo sư Andrew Rae tại Trung tâm Ứng dụng và Thử nghiệm Khí động lực học thuộc Đại học Highlands và Islands của Anh cho hay: “Radar quân sự đã phát hiện chiếc máy bay này vọt lên độ cao 13.700 mét trong 23 phút trước khi lượn xuống. Ở độ cao này, nếu khoang máy bay bị giảm áp suất, hệ thống cung cấp khí ô-xy sẽ cạn kiệt trong 12 phút, khiến toàn bộ hành khách bị bất tỉnh nhanh chóng.”
MH370 đã vọt lên độ cao 13.700 mét, cao hơn mức khuyến nghị của Boeing
Trần bay tối đa của MH370 theo khuyến nghị của Boeing là 13.100 mét, tuy nhiên radar quân sự của Malaysia nhận thấy chiếc máy bay đã vọt lên mức từ 13.700 mét ngay sau khi mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu và chuyển hướng đột ngột về phía tây.
Theo một chuyên gia hàng không khác, mặc dù có trần bay khuyến nghị là 13.100 mét, song máy bay Boeing 777-200ER vẫn có thể bay an toàn ở độ cao lớn hơn. Tuy nhiên khi bay ở độ cao này, không khí xung quanh máy bay vô cùng loãng, gây ra hiện tượng thiếu ô-xy cho những người trong máy bay chỉ trong vòng vài phút hoặc vài giây.
Trong trường hợp này, các mặt nạ cung cấp khí ô-xy sẽ được bung ra trước mặt hành khách, tuy nhiên chúng chỉ cung cấp đủ ô-xy trong vòng 5 đến 10 phút.
Ông Rae cho biết: “Việc giảm áp suất trong khoang có thể là một vấn đề ở độ cao 3.000 mét, 9.000 mét hoặc 13.100 mét, tuy nhiên vấn đề đó xảy ra nhanh hơn nhiều khi máy bay bay ở độ cao lớn hơn.”
Mặt nạ dưỡng khí tự động bung ra trong trường hợp khẩn cấp
Tuy nhiên, theo ông Rae, nếu máy bay hoạt động bình thường ở độ cao này, mặt nạ dưỡng khí khẩn cấp sẽ không bung ra, bởi áp suất trong khoang liên tục được duy trì ở mức ổn định nhờ luồng không khí đi qua động cơ và cánh, sau đó được lọc và chuyển vào khoang hành khách.
Phi công có thể tắt hệ thống điều áp này trong trường hợp máy bay đi qua vùng không khí ô nhiễm, và các điều tra viên đang xem xét khả năng hệ thống điều áp trên máy bay đã bị vô hiệu hóa trong một âm mưu đen tối.
Trước đây cũng đã từng có một phi công lão luyện đưa ra giả thuyết rằng phi công MH370 đã tìm mọi cách có thể để cứu máy bay khi một ngọn lửa bùng phát bên trong khoang làm toàn bộ hành khách và thành viên phi hành đoàn bất tỉnh, khiến MH370 trở thành một “máy bay ma” bay theo chế độ lái tự động cho đến khi hết nhiên liệu và rơi xuống biển.
Tuy nhiên giả thuyết này nhanh chóng bị nhiều chuyên gia và cựu phi công bác bỏ. Ông Eric Moody, vị cơ trưởng nổi tiếng đã từng cứu chiếc máy bay British Airways 9 thoát khỏi một thảm họa kinh hoàng năm 1982 cho rằng trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, phi công sẽ tìm mọi cách hạ cánh ngay lập tức chứ không phải tiếp tục bay thêm 7 giờ đồng hồ như vậy.
Ngoài ra, hệ thống liên lạc và thiết bị phát đáp của MH370 cũng bị cố tình tắt đi, chứng tỏ trên máy bay đã không xảy ra trường hợp khẩn cấp, ông Moody nhấn mạnh.
Năm 1982, ông Moody là cơ trưởng trên chuyến bay British Airways 9 từ London (Anh) tới Auckland (New Zealand). Khi băng qua một đám mây tro bụi phun ra từ núi lửa Galunggung ở Tây Java, Indonesia, toàn bộ 4 động cơ của máy bay đều ngừng hoạt động, khiến chiếc máy bay rơi vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.
Máy bay British Airways 9 thoát nạn trong tình trạng cả 4 động cơ đều bị trục trặc
Rất may là ông Moody đã kịp thời phản ứng khi cho máy bay hạ độ cao khẩn cấp từ 11.200 mét xuống 3.600 mét và tìm cách khởi động lại động cơ. Cuối cùng, máy bay đã hạ cánh khẩn cấp thành công xuống sân bay Halim Perdanakusuma ở thủ đô Jakarta của Indonesia, toàn bộ 248 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.
Mặc dù là cơ trưởng ngồi trong buồng lái nhưng ông Moody vẫn không hiểu rõ điều gì đã xảy ra với chiếc máy bay này, cho đến khi các tài liệu được giải mật 11 năm sau đó.
Từ kinh nghiệm này, ông Moody cho rằng nhà chức trách không bao giờ công bố hết những thông tin mà họ biết cho công chúng. Ông kể: “Chỉ 15 phút sau khi máy bay của tôi hạ cánh, một kỹ sư mặt đất của Boeing ở Jakarta đã có mặt ở sân bay. Điều đó chứng tỏ họ đã biết máy bay gặp vấn đề ngay khi động cơ gặp trục trặc và Boeing đã điện thoại ngay cho vị kỹ sư này.”
Ông nói tiếp: “Hệ thống vệ tinh của họ liên tục giám sát các máy bay, và họ biết tất cả những gì đã xảy ra với nó. Trong trường hợp của tôi, chúng tôi đã bị các trạm giám sát vệ tinh ở Alice Springs và đảo Guam theo dõi sát sao, mặc dù chúng tôi không biết họ đang giám sát cái gì.”
Cũng nhờ vào các dữ liệu do vệ tinh thu thập được mà chính phủ Malaysia đưa ra kết luận rằng MH370 đã kết thúc hành trình ở phía nam Ấn Độ Dương khiến toàn bộ những người có mặt trên máy bay thiệt mạng.