Chuyên gia quốc tế cảnh báo TQ sẽ sớm lập ADIZ trên Biển Đông

Nhiều chuyên gia Mỹ và quốc tế đồng loạt bày tỏ quan ngại rằng, việc Trung Quốc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian.

Theo VOA News, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban các lực lượng vũ trang Thượng viện Mỹ cho rằng, việc bồi đắp đất và xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông gần đây chính là bước khởi đầu cho kế hoạch lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của nước này.

Thời gian qua, Bắc Kinh đã đẩy mạnh hoạt động bồi đắp đất và xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối quyết liệt của các nước láng giềng, chính quyền Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác.

Theo ông McCain, bước đi tiếp theo của Bắc Kinh sẽ là quân sự hóa các đảo nhân tạo trên và tuyên bố thành lập ADIZ trên Biển Đông nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của họ.

“Họ đang xây đường băng, và sẽ đưa vũ khí tới đó. Bước tiếp theo người Trung Quốc làm sẽ là, khi một máy bay Mỹ bay qua đây, bất kể là máy bay thương mại hay loại gì đi nữa, họ sẽ yêu cầu “khai báo nhận dạng” - có nghĩa là họ đã lập Vùng nhận dạng phòng không nhằm đảm bảo chủ quyền lãnh thổ mà họ tuyên bố”, Thượng nghĩ sĩ McCain phát biểu tại Viện Hudson, tại Washington hồi tuần trước. 

Chuyên gia quốc tế cảnh báo TQ sẽ sớm lập ADIZ trên Biển Đông - 1

Hình ảnh cho thấy, các tàu của Trung Quốc đang bồi đắp đất trái phép tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 11.5.

ADIZ là không phận bên trên một vùng lãnh thổ hay lãnh hải - nơi một quốc gia thiết lập một khu vực đòi hỏi các phi cơ bay qua đây phải khai báo nhận dạng cũng như lộ trình bay để đảm bảo lợi ích an ninh quốc gia. ADIZ có thể được mở rộng ra bên ngoài không phận quốc gia nhằm giúp họ có thêm thời gian để phản ứng với các máy bay bị nghi là thù địch.

Trước đó, Hàn Quốc và Nhật đã lập các ADIZ nằm ngoài không phận chủ quyền của họ, và chồng lấn với nhau. Trung Quốc cũng đã lập ADIZ trên biển Hoa Đông năm 2013 bất chấp sự phản đối của Mỹ, Nhật và nhiều quốc gia khác. Điều này dẫn đến quan ngại, Bắc Kinh sẽ sớm lập một ADIZ thứ 2 trên Biển Đông.

Theo ông Peter Jennings, Giám đốc điều hành tại Viện chính sách chiến lược Úc, Trung Quốc sẽ sớm tiến hành kế hoạch tương tự tại Biển Đông, dù có thể trì hoãn cho đến khi Chủ tịch Tập Cận Bình trở về từ chuyến công du Mỹ trong tháng 9 tới.

“Sau thời gian nhạy cảm đó, và đúng vào lúc nước Mỹ bận rộn với cuộc tổng tuyển cử, tôi cho rằng, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng sẽ đi bước tiếp theo, nhằm củng cố quyền kiểm soát của họ  trong khu vực”, ông Jennings cảnh báo trong hội thảo gần đây của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS).

Chuyên gia quốc tế cảnh báo TQ sẽ sớm lập ADIZ trên Biển Đông - 2

Ảnh được chụp bởi máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ ngày 2.5 cho thấy, các tàu của Trung Quốc đang bồi đắp đất trái phép tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia khác cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự như Thượng nghị sĩ Mỹ McCain và chuyên gia Úc Peter Jennings.

Cụ thể, trong một cuộc điều trần gần đây tại Hạ viện Mỹ về vai trò của nước này đối với an ninh trên Biển Đông, Giáo sư Andrew Erickson thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ nhấn mạnh, ông tin rằng, Trung Quốc sẽ lập ADIZ trên Biển Đông trong vòng 2 năm nữa.

Ông Erickson lập luận, trong số các cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên Biển Đông có một đường băng dài 3.000m trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đường băng này sẽ được dùng để hỗ trợ cho ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông trong tương lai gần.

Washington từng tuyên bố việc Trung Quốc đơn phương lập ADIZ trên Biển Đông sẽ cản trở tự do hàng không, và yêu cầu Bắc Kinh từ bỏ ý định này.

Đáng chú ý, mới đây, ngay cả chuyên gia Trung Quốc cũng khuyên Bắc Kinh nên tránh tuyên bố thành lập ADIZ trên Biển Đông.

Theo ông Ngô Sĩ Tồn, Chủ tịch Viện Quốc gia về Biển Đông, lý do Bắc Kinh nên tránh làm như vậy là để tránh làm leo thang căng thẳng trong khu vực và đẩy hợp tác quân sự Trung – Mỹ vào thế bế tắc.

Tại một hội thảo gần đây của CSIS, ông Ngô nhấn mạnh, Trung Quốc cần phải đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, đẩy nhanh quá trình hình thành bộ Quy tắc ứng xử với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời đảm bảo các hòn đảo nhân tạo vừa xây dựng chỉ phục vụ mục đích dân sự.

Tuy nhiên, ông Ngô cũng cảnh báo rằng, tình hình có thể thay đổi nếu Nhật Bản cũng can dự vào vấn đề Biển Đông.

“Nhật muốn cùng Mỹ thực hiện các chuyến tuần tra chung trên không phận Biển Đông, và mới đây đã chỉ trích hoạt động bồi lấn của Trung Quốc trong khu vực. Nếu một ngày nào đó, Nhật và Mỹ cùng thực hiện các chuyến bay do thám gần, Trung Quốc sẽ bị buộc phải đáp trả tương ứng”, ông Ngô cảnh báo.

Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines. Biển Đông có tiềm năng về năng lượng và là tuyến đường hàng hải quan trọng, với lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua vùng này mỗi năm.

Mới đây, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á, Daniel Russel cho biết, Mỹ sẽ không giữ lập trường trung lập trên Biển Đông nếu luật pháp quốc tế ở đây không được tôn trọng, và sẽ có những biện pháp quyết liệt để đảm bảo các bên tuân thủ luật pháp quốc tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN