Chuyên gia nói gì về phát ngôn “Hà Nội cấm xe máy chứ không cấm mua”
Nhiều chuyên gia giao thông bày tỏ băn khoăn, Hà Nội sẽ lấy đất ở đâu để xây dựng bãi đỗ xe khi chính thức thực hiện đề án cấm xe máy.
Hà Nội sẽ cấm phương tiện cá nhân vào năm 2030
Cuối tháng 6 vừa qua, trong buổi gặp gỡ báo chí, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện có chia sẻ liên quan đề án “tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2017-2030”. Ông Viện nói rằng: “Hà Nội chỉ cấm đi xe máy chứ không cấm mua xe máy”.
Đồng thời, ông Viện giải thích thêm rằng, đến năm 2030, Hà Nội sẽ có các bãi gửi xe ở đầu hoặc gần các tuyến phố cấm để kết nối người dân với hệ thống giao thông công cộng. Người dân đi chuyển từ nội thành vào sẽ gửi xe máy ở các bãi gửi xe, sau đó sử dụng phương tiện giao thông công cộng vào phố cấm và ngược lại.
Phó GS.TS Bùi Công Minh, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội “Hà Nội chỉ cấm đi xe máy chứ không cấm mua xe máy”. Bởi ông Minh cho rằng, quyền mua sắm phương tiện ô tô, hay xe máy là quyền của người dân không thể cấm. Cơ quan chức năng chỉ có thể hạn chế việc đi lại của người dân để đảm bảo việc đi lại được thuận tiện nhất.
Ông Minh cho rằng, ý tưởng xây dựng các bãi gửi xe ở đầu các tuyến phố cấm là mô hình lý tưởng các thành phố lớn hướng tới và có thể thực hiện được. Đối với TP.Hà Nội, quỹ đất nội đô đang dần hạn hẹp, do vậy, cơ quan chức năng phải tính toán làm sao để có khoảng trống làm bãi gửi xe, đáp ứng hết được nhu cầu đi lại của nhân dân.
Phó GS.TS Bùi Công Minh, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị
“Ngoài ra, Hà Nội cũng phải nghiên cứu xây dựng hạ tầng, mua sắm các loại xe buýt hiện đại kết nối người dân từ các thành phố lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… đi vào Hà Nội. Nhà nước sẽ hỗ trợ người dân bằng cách trợ giá vé đi xe buýt”, ông Minh nói.
Ông Minh dẫn chứng, tại Nhật Bản, các tuyến buýt kết nối từ các thành phố lân cận tới Thủ đô Tokyo rất hiện đại, phần lớn người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi làm. Tại Đức, người dân cũng sử dụng phương tiện giao thông công cộng đi làm và được trợ giá tới 50% giá vé.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị cho hay, ý tưởng xây dựng bãi gửi xe để kết nối với hệ thống giao thông công cộng là tốt. Tuy nhiên, ông Thủy băn khoăn, Hà Nội sẽ lấy đất ở đâu để xây dựng bãi gửi xe.
“Với tốc độ tăng tự nhiên phương tiện ôtô, xe máy mà không có biện pháp giảm thì dự kiến đến năm đến 2025 Hà Nội sẽ có 1,3 triệu ô tô, 7,3 triệu xe máy. Vậy Hà Nội lấy đất ở đâu để xây dựng các bãi gửi xe, đáp ứng được hết nhu cầu của người dân. Thêm nữa, việc gửi xe sau đó di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng đến nơi làm việc sẽ mất nhiều thời gian. Người dân lúc đó sẽ cảm thấy phiền, khó chấp nhận”, ông Thủy nêu.
Chuyên gia giao thông này cho biết thêm, khi cấm xe máy, một lượng lớn xe máy sẽ dư thừa ra. Như vậy, người dân sẽ lãng phí tiền bạc. Ông Thủy cho rằng, Hà Nội cần phải nghiên cứu kỹ phương án này, đảm bảo việc đi lại của người dân thuận tiện, không quá tốn kém.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch hiệp hội vận tải Hà Nội ủng hộ lộ trình cấm xe máy vào năm 2030 và ủng hộ quan điểm của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội.
Ông Liên nói thêm: “Để tiến tới cấm xe máy theo lộ trình, Hà Nội cần phải có các công trình phụ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Cụ thể, là các bãi gửi xe, trợ giá khi sử dụng dịch vụ công cộng và cái quan trọng nữa là phải nhận được sự đồng thuận của nhân dân”.
Ông Liên cũng băn khoăn về phương án gửi xe ở đầu các tuyến phố cấm và nêu rằng, với hạ tầng của Hà Nội hiện nay, việc xây dựng các bãi gửi xe sẽ rất khó và tốn kém.
Phiếu khảo sát lấy ý kiến người của người dân về đề án “tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân…”...