Chuyên gia nói gì về đề xuất bơm nước sông Hồng vào sông Tô Lịch?
Các chuyên gia cho rằng, dự án bơm nước sông Hồng vào làm sạch sông Tô Lịch có tính khả thi nhưng để thực hiện được còn rất nhiều vấn đề.
Dự án cần rất nhiều tiền
Mới đây, Công ty Thoát nước Hà Nội vừa trình thành phố phương án cải tạo sông Tô Lịch. Theo đó, một “siêu” trạm bơm ngầm được đặt trong lòng đất để bơm nước từ sông Hồng vào Hồ Tây, sau đó tạo dòng chảy xuôi cho sông Tô Lịch. Khi có dòng chảy, sông Tô Lịch không những được hồi sinh mà còn có thể đi thuyền tại đây.
Đề xuất bơm nước sông Hồng vào để làm sạch sông Tô Lịch
Lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, các đợt xả nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch đã tạo thành dòng chảy mạnh cho sông, đặc biệt trong những ngày xả nước, sông trở nên trong xanh, không còn màu đen kịt, bốc mùi hôi như trước đó. Do vậy, việc triển khai đề án trên để đảm bảo môi trường nước hồ Tây và tạo dòng chảy tự nhiên cho sông Tô Lịch là hoàn toàn khả thi.
Liên quan đến đề xuất này, trao đổi với PV, Giáo sư Mai Đình Yên - chuyên gia về môi trường nước, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam cho rằng, đây là một cơ hội, một giải pháp nhưng có được lựa chọn hay không còn nhiều thứ nữa cần bàn đến.
Giáo sư Mai Đình Yên - Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam. Ảnh T.A.
Theo Giáo sư Yên, bản chất của việc đưa nước sông Hồng vào làm sạch sông Tô Lịch là lấy nước chỗ sạch hơn, đẩy nước ô nhiễm đi chỗ khác. Phương pháp này là nối liên thông 2 con sông để đẩy ô nhiễm ra đoạn sau.
Nếu đoạn sau của sông Tô Lịch cũng ô nhiễm thì phải đẩy ô nhiễm đi xa hơn nữa, tức là lấy nước sông Hồng ở phía trên đẩy ô nhiễm từ sông Tô Lịch và các sông khác ra phía cuối sông Hồng đoạn gần biển, rồi đổ ra biển.
“Cách làm này trên thế giới có một số nước vẫn làm. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể ở nước ta, việc này không thể đơn giản như thế được bởi tôi nghe nói, các đoạn phía dưới sông Tô Lịch cũng ô nhiễm.
Hơn nữa, mùa cạn sông Hồng không có nước và trong điều kiện Trung Quốc hay giữ nước lại để phục vụ thủy điện của họ. Đây mới chỉ là một giải pháp chứ chưa phải tối ưu. Nếu phương pháp này được lựa chọn thì dự án này ước tính cũng hàng tỉ đô thì ai là người chịu”, GS Yên nói.
GS Yên nói thêm, trước khi giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch thì phải xem sông ô nhiễm đến đâu; mục đích là làm sạch nước hay còn phát triển du lịch, giao thông đường thủy; sông Tô Lịch làm thì sông Sét, sông Kim Ngưu có làm không; phải điều tra lại sông Tô Lịch có đúng là 280 cống mương chảy vào hay không; điều tra lại số dân quanh sông; theo dõi mực nước lên xuống của sông… Những việc làm này không chỉ cần đến tiền mà cần rất nhiều tiền.
“Tất cả dự án vẫn nằm trên giấy chứ chưa ra hiện thực, nếu có ra hiện thực thì tôi nghĩ, thất bại nhiều hơn thành công”, GS Yên đánh giá.
Qua một vài lần xả nước hồ Tây, sông Tô Lịch khá trong xanh và dòng chảy mạnh.
Phải làm đồng bộ 2 giải pháp
Cùng quan điểm, PGS. TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam cũng cho rằng, đề xuất của Công ty Thoát nước Hà Nội là phù hợp với quy hoạch của thành phố. Việc làm này có thể cứu được một dòng sông, còn cái mất duy nhất đó là mất tiền.
Theo ông Hạ, để làm sạch sông Tô Lịch, việc làm đầu tiên là phải thu gom nước thải dọc dòng sông để xử lý. Sau đó, khi đã xử lý được nước mặt dòng sông thì không được phép xả nước thải vào rồi mới bơm nước sông Hồng vào tạo dòng chảy cho dòng sông.
“Quy hoạch thoát nước Hà Nội đã có nhưng từ quy hoạch đến triển khai dự án còn rất nhiều vấn đề, từ kinh phí, thủ tục và vị trí đặt trạm bơm ở đâu…”, ông Hạ tỏ vẻ quan ngại.
Giáo sư Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, để hồi sinh sông Tô Lịch có 2 việc cần làm là xử lý ô nhiễm và làm cho dòng sông chảy được. Hai việc này phải làm đồng bộ với nhau.
“Hà Nội đang thử nghiệm công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản để xử lý ô nhiễm của sông Tô Lịch. Chúng ta cứ chờ thử nghiệm xong thì mới tính toán tiếp”, GS Võ chia sẻ.
Dòng sông Tô Lịch đen kịt, hôi thối đã có những thay đổi nhất định sau 2 tháng thử nghiệm công nghệ Nano của Nhật Bản.