Chuyên gia Nhật: Chặt cây là cái giá quá lớn để phát triển
Ở bất kỳ thành phố nào, vì môi trường, chúng ta phải giữ môi trường xanh cho thành phố. Chúng ta cần xây dựng vì những nhu cầu về dân số, phát triển kinh tế. Nhưng chúng ta vẫn cần môi trường xanh. Và môi trường thì quan trọng hơn cả sự phát triển. Đó là quan điểm của chuyên gia môi trường đến từ Nhật Bản.
Môi trường quan trọng hơn phát triển
Ngày 7/11, tại Hà Nội diễn ra cuộc hội thảo quốc tế “Triển vọng quy hoạch vùng đô thị lớn”. Đây là lần thứ 2 Việt Nam tham dự cuộc hội thảo chuyên đề về quy hoạch đô thị, siêu đô thị cùng với 3 quốc gia hàng đầu về môi trường là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Việt Nam đánh giá rất cao các quốc gia này và coi đây là cơ hội lớn để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm.
Những cây xà cừ cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) bị đốn hạ để phục vụ thi công tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh
Bên lề hội thảo, trước những câu hỏi có nên phá bỏ cây xanh dành đất cho các công trình xây dựng, Giáo sư Norihiro Nakai, Chủ tịch Hội các viện quy hoach thành phố Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Công nghệ Đại học Tokyo, cho rằng môi trường quan trọng hơn cả sự phát triển.
Theo Giáo sư Norihiro Nakai, Nhật Bản có rất nhiều thành phố lớn như Tokyo, Osaka… phải cạnh tranh phát triển với các thành phố lớn khác như Thượng Hải, Hong Kong. Quá trình phát triển các siêu đô thị với hàng chục triệu dân này đặt ra những thách thức lớn về môi trường. Với vấn đề môi trường và phát triển, mỗi chính phủ có những cách giải quyết rất khác nhau. Nhật Bản cho rằng phá bỏ cây là cái giá quá lớn để phát triển và không làm như thế.
"Ở bất kỳ thành phố nào, vì môi trường, chúng ta phải giữ môi trường xanh cho thành phố. Chúng ta cần xây dựng vì những nhu cầu về dân số, phát triển kinh tế. Nhưng chúng ta vẫn cần môi trường xanh. Và môi trường thì quan trọng hơn cả sự phát triển" - chuyên gia này nêu quan điểm.
“Ở nước tôi, khi xây dựng một nơi nào mới, cần phải cung cấp thêm cây xanh, thay vì chặt đi”, ông Norihiro Nakai nói.
Giáo sư Norihiro Nakai, Chủ tịch Hội các viện quy hoach thành phố Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Công nghệ Đại học Tokyo
Giáo sư đến từ Nhật này cho biết, khi ngồi trên máy bay, ông thấy Hà Nội rất xanh với những cánh đồng lúa rộng lớn. Tuy nhiên, khi được cung cấp thông tin ở Hà Nội, mật độ cây xanh chỉ đạt 4–5m2/đầu người trong khi một số công trình xây dựng phải chặt cây cổ thụ, vị giáo sư tỏ vẻ ngạc nhiên. Ông cho rằng, ở bất kỳ quốc gia nào, dù chính phủ giàu hay nghèo thì vẫn cần thiết phải cân bằng giữa phát triển và môi trường. Đó mới là sự phát triển bền vững.
Dành ít nhất 25% diện tích cho cây xanh
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia Nhật Bản tại hội thảo, từ những năm 1970, các thành phố ở Nhật đã xây dựng quy định để bảo tồn không gian xanh trong khu vực khuyến khích đô thị hóa.
Tới năm 2004, Nhật Bản ban hành “Quy định về không gian cây xanh” (GAS). Luật này quy định trong mỗi khu đất xây dựng có diện tích sử dụng lớn hơn 1.000m2, khi cải tạo, mở rộng, ít nhất 25% diện tích khu đất phải được dành cho không gian xanh.
Phủ xanh căn hộ, phủ xanh nhà điều dưỡng theo luật GAS tại Nhật Bản
“Người ta thực hiện theo hướng dẫn, đảm bảo không chỉ số lượng mà còn cả chất lượng của các không gian xanh”, nhóm báo cáo nhận định.
Sau khi một công trình hoàn thành, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc hoàn thành trồng cây xanh và công tác xây dựng cùng lúc để chống gian lận. Có thể sau đó, qua thời gian dài, chất lượng cây xanh sẽ thay đổi vì cây héo hoặc bị thu hẹp diện tích xanh. Lúc này sẽ có các cuộc kiểm tra. Ngoài phạt tiền với các vi phạm, cơ quan chức năng sẽ áp thời gian sửa chữa.
Biện pháp khen thưởng cũng được áp dụng. Công trình có thể nộp đơn xin gắn nhãn xanh sau khi được xác nhận đã hoàn thành phủ xanh đáp ứng tiêu chuẩn và được thưởng. Công trình nào vượt tiêu chuẩn sẽ được hỗ trợ nhiều về tài chính và được giảm thuế bất động sản.