Chuyên gia Nhật Bản đưa ra 6 tiêu chí "hồi sinh" sông Tô Lịch
Trong giai đoạn thử nghiệm tiếp theo, chuyên gia Nhật Bản đưa ra 6 tiêu chí "hồi sinh" sông Tô Lịch đúng nghĩa.
Liên quan đến sự việc làm sạch sông Tô Lịch (Hà Nội) đang gây sự chú ý của dư luận gần đây, đại diện công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) và TS Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên Hiệp Quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, cho biết trong giai đoạn thử nghiệm tiếp theo, chuyên gia Nhật Bản đưa ra 6 tiêu chí "hồi sinh" sông Tô Lịch đúng nghĩa.
TS Tadashi Yamamura cho biết chuyên gia Nhật Bản rất mong có thể kết hợp các dự án để có thể khiến sông Tô Lịch giống dòng sông Thames
Hiện nay, nước thải trên địa bàn TP Hà Nội chủ yếu thải ra hệ thống các con sông quanh khu vực TP như sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu cùng hệ thống các hồ như hồ Bảy Mẫu, hồ Thủ Lệ… Lượng nước thải này trước khi xả thải ra hệ thống các sông hồ đa phần chưa được xử lý theo đúng tiêu chuẩn nhà nước đặt ra, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Do đó, trước tiên các chuyên gia Nhật Bản cho biết trong khu vực thí điểm đảm bảo gần như không còn mùi hôi thối (phân hủy từ gốc), nước sau khi được xử lý làm sạch đảm bảo đạt QCVN08 nhưng phải đảm bảo được hệ sinh thái cho dòng sông.
Thứ 2, phải xử lý được lượng bùn tồn đọng trên dòng sông Tô Lịch, ngay cả khi nạo vét cũng không thể hết được, khi có máy móc nạo vét vẫn phải tìm nơi chôn lấp bùn và việc chôn lấp rất lãng phí và gây ô nhiễm cho người dân.
Khu vực thử nghiệm công nghệ Nano - Bioreactor làm sạch nước sông Tô Lịch
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị JVE
Thứ 3, phải xử lý được nước thải hằng ngày từ 280 cống và cả nước đang ô nhiễm bên trong. "Công nghệ Nano đang bị rất nhiều nhà khoa học Việt Nam cũng như người dân hiểu lầm rằng chỉ xử lý được ngọn. Tuy nhiên, với công nghệ này sẽ xử lý được nước thải trong ngày chứ không phải lưu chuyển nước thải đi đâu cả. Tốc độ xử lý của Nano gấp 6 lần tốc độ của âm thanh nên việc xử lý rất nhanh"- ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị JVE, cho biết.
Thứ 4, xử lý nước phải đảm bảo đươc hệ sinh thái cho sông Tô Lịch. Công nghệ này thử nghiệm ở Hồ Tây là một minh chứng cụ thể cho việc cá có thể sống sau khi thử nghiệm xong.
Thứ 5, không phải có mỗi sông Tô Lịch mà còn rất nhiều dòng sông khác nữa nối với sông này như: sông Nhuệ 76 km, sông Tích 110 km, sông Đáy 140 km. Việc xây dựng nhà máy nước thải Yên Xá để tách nước thải là điều cần thiết.
Ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: "Công nghệ nano có ưu điểm là lợi dụng tốc độ dòng chảy, sông càng dốc thì chúng ta đặt các máy ở tất cả sông, chúng ta sẽ được tổng thể 4 con sông với nhau, có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí về xây dựng cống bao, nhà máy nước thải. Ngoài ra, việc chi phí vận hành nhà nước phải trả cho nhà máy xử lý nước thải 10, 20 năm sẽ như thế nào. Công nghệ Nano tiết kiệm được diện tích, vì đây là nhà máy xử lý trực tiếp dưới lòng sông".
Thứ 6, nếu như bất kì công nghệ nào, giải pháp nào nói về việc hồi sinh thì ngoài việc xử lý triệt để được ô nhiễm bên trong và tách được nước ở nhà máy Yên Xá thì dòng sông còn phải xử lý được việc cấp nước cho sông Tô Lịch, có nước cấp để thuyền bè có thể đi lại được như vua chúa ngày xưa thì đến lúc đấy chúng tôi mới có thể tự tin nói hai chữ "hồi sinh".
"Chúng tôi rất mong có thể kết hợp các dự án để có thể khiến sông Tô Lịch giống dòng sông Thames ở Anh. Chuyên gia Nhật Bản khẳng định họ sẽ làm sạch được dòng sông Tô Lịch này. Sau 2 tháng có kết quả, chúng tôi sẽ công bố tất cả sau" - TS Tadashi Yamamura nói.
Ước tính, sông Tô Lịch hiện có khoảng 280 cống lớn và rất nhiều cống nhỏ, số máy cần lắp đặt là khoảng 7.500 chiếc.