Chuyên gia lý giải vì sao phun thuốc xong, muỗi vẫn bay đầy nhà

Một số con muỗi nhạy với hóa chất sẽ chết ngay, còn những con kháng thuốc sẽ sinh ra thế hệ sau có thể kháng thuốc.

Chuyên gia lý giải vì sao phun thuốc xong, muỗi vẫn bay đầy nhà - 1

Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm chen chúc tại BV Bạch Mai

Dịch bệnh sốt xuất huyết đã làm nóng dư luận trong thời gian qua. Đến thời điểm này, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết (19.962 người mắc sốt xuất huyết, 7 người tử vong).

Tại cuộc giao ban trực tuyến của thành phố Hà Nội về phòng chống sốt xuất huyết, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, dư luận băn khoăn về chất lượng hoá chất hoà vào nước phun diệt muỗi không đảm bảo dẫn đến muỗi không chết.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến lo lắng: Liệu có phải muỗi đang khỏe hơn nên nhiều nơi, cứ 10 ngày phun thuốc một lần nhưng muỗi vẫn còn?

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, không có chuyện muỗi năm nay khỏe hơn so với mọi năm.

Theo BS Chính, thông thường muỗi có vòng đời sống trung bình khoảng 1 tháng. Nếu sau khi phun thuốc muỗi, muỗi có thể chết luôn trong vòng 1-2 giờ.

“Sở dĩ những gia đình vừa phun thuốc muỗi, sau đó lại thấy muỗi xuất hiện là do vẫn còn các ổ bọ gậy trong nhà. Vì thế, sau khoảng thời gian phun thuốc muỗi, bọ gậy lại nở thành muỗi con và lại sống lại bình thường”, bác sĩ Chính cho hay.

Tiến sĩ Vũ Đức Chính cũng cảnh báo các yếu tố nguy cơ khiến muỗi có thể kháng thuốc trong tương lai. Việc người dân tự ý thuê người hoặc mua thuốc về phun không hẳn có lợi, thậm chí còn có khả năng gây hại và phản tác dụng nếu phun không đúng cách.

Nếu phun không đúng liều lượng, quy trình, thậm chí không đúng hóa chất sẽ không tiêu diệt được muỗi. Trong khi đó, có thể tăng nguy cơ muỗi bị nhờn thuốc, kháng thuốc.

Liều phun không đúng thì muỗi sẽ không chết. Một số con muỗi nhạy với hóa chất sẽ chết ngay, còn những con kháng thuốc sẽ sinh ra thế hệ sau có thể kháng thuốc. Điều này dẫn tới cả quần thể kháng thuốc, khi xảy ra dịch bệnh thì việc xử lý dịch vô cùng khó khăn.

Theo Tiến sĩ Vũ Đức Chính, ở các nước khác trên thế giới cũng dùng thuốc phun muỗi giống Việt Nam. Muỗi chết trong vòng 1 -2 giờ sau khi phun.

Tiến sĩ Vũ Trọng Dược, Thư ký Chương trình sốt xuất huyết Dengue khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, phun hóa chất có tác dụng tiêu diệt muỗi tức thời tại thực địa. Khi ổ dịch xảy ra thì đàn muỗi tại khu vực đó nhiễm virus dengue, vì thế cần phun thuốc để diệt nguồn gây bệnh tại thời điểm đó, không cho đốt sang người lành để truyền bệnh.

Vì thế, nếu phun hóa chất không đúng cách, không có máy phun chuyên dụng, không đủ liều dẫn đến muỗi tăng sức đề kháng, vô tình làm muỗi khỏe hơn trong tương lai.

Theo TS Dược, để phòng chống sốt xuất huyết, Bộ Y tế cho phép lưu hành 3 hóa chất diệt muỗi gồm deltamethrine, permethrine và malathion. Hiện kết quả nghiên cứu, thử hiệu lực, khả năng kháng của muỗi với 3 hóa chất này có hiệu lực rất tốt. Song tiến sĩ Dược cũng nhìn nhận tại một số điểm ở Hà Nội có hiện tượng muỗi đã tăng sức chịu đựng với hóa chất.

Bên cạnh đó nếu chỉ phun thuốc diệt muỗi ở phạm vi một gia đình phun trong khi hàng xóm không phun thuốc thì tác dụng sẽ rất ít. Chỉ trong thời gian ngắn sau khi phun xịt thuốc, muỗi từ bên ngoài lại bay vào nhà.

Các chuyên gia khuyến cáo phun hóa chất diệt muỗi không phải là giải pháp duy nhất. Biện pháp quan trọng nhất là người dân cần phải diệt các ổ bọ gậy, loăng quăng xung quanh nhà.

Muỗi đốt người gây sốt xuất huyết hình dáng thế nào?

Muỗi vằn thường sống trong nhà, gần người, trú đậu nơi có ánh sáng yếu, thường là các góc hoặc xó tối trong nhà, trên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN