Chuyên gia lý giải vì sao ca thứ 13 nhiễm virus Corona không có biểu hiện bệnh
Thông tin ca bệnh thứ 13 là bệnh nhân N.T.N (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) không có biểu hiện bệnh (không sốt, không ho) được nhiều người quan tâm, lo ngại.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị.
Ngày 8/2/2020, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến hướng dẫn điều trị và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra.
Hội nghị triển khai tại trên 700 điểm cầu tập huấn hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện từ Trung ương đến tuyến huyện và 23 điểm cầu tại các bệnh viện phục vụ công tác phòng, chống bệnh do nCoV.
GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế và PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đồng chủ trì Hội nghị.
Thông tin ca bệnh thứ 13 là bệnh nhân N.T.N (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) không có biểu hiện bệnh (không sốt, không ho), đã được cách ly tại cơ sở y tế từ trước, nhưng kết quả xét nghiệm dương tính với virus Corona khiến nhiều người quan tâm và lo ngại.
Tại Hội nghị GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, virus Corona dễ lây lan, thời gian lây nhiễm có thể diễn ra trong vòng 15 phút.
Chuyên gia lý giải, nhiễm virus Corona không phải ai cũng có biểu hiện lâm sàng, có những bệnh nhân có thể không biểu hiện, triệu chứng, có bệnh nhân có thể nhẹ có sốt nhẹ, ho nhẹ và rát họng, có những bệnh nhân có diễn biến nặng. Hầu hết bệnh nhân nhiễm virus Corona mới chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ như sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không tiến triển viêm phổi và thường tự hồi phục sau 1 tuần.
Tại Việt Nam, trong số 3 ca bệnh nhiễm virus Corona được xuất viện, bệnh nhân chỉ điều trị triệu chứng, nâng đỡ thể trạng, không cần can thiệp đặc biệt. Trong thời gian cách ly, các bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống, đi lại bình thường.
Một trường hợp nghi nhiễm virus Corona tại Vĩnh Phúc
Cũng trong Hội nghị ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, virus Corona là một chủng virus mới, ở Trung Quốc nhiều người tử vong, nhưng Việt Nam đa số biểu hiện nhẹ, vì thế bệnh cảnh rất đa dạng, có người bệnh nặng, có người nhẹ, ít biểu hiện, có khi chỉ hơi mỏi mệt, có người chỉ 2-3 ngày đã cho kết quả âm tính. Chỉ có một ca bệnh là ông Li Ding, người Trung Quốc có biểu hiện nặng.
Bộ Y tế cũng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus Corona mới (nCoV 2019).
Theo đó, thời gian ủ bệnh là từ 2 – 12 ngày, trung bình từ 5-7 ngày với các biểu hiện lâm sàng ban đầu hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy.
Hầu hết các bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Một số trường hợp có thể viêm phổi, viêm phổi nặng, diễn tiến tới suy hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái…), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm trùng, rối loạn thăng bằng kiềm – toan, suy chức năng các cơ quan dẫn đến tử vong. Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu đến khi diễn biến bệnh nặng là từ 7-8 ngày. Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.
Các chuyên gia y tế tại Hội nghị cũng cho biết, hiện viêm phổi do virus Corona mới chưa có thuốc đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Do đó, điều quan trọng lúc này là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng người bệnh và điều trị biến chứng, trong quá trình điều trị cần tập trung điều trị cả bệnh do virus và các bệnh nền.
Ngoài ra, trong phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus Corona việc thông khí tại buồng bệnh cách ly rất quan trọng. Việc rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang, làm thông thoáng nơi ở, tránh tụ tập đông người và dinh dưỡng đầy đủ được khuyến cáo trong phòng chống virus Corona.
3 đường lây cơ bản của virus Corona Theo Bộ Y tế, 3 đường lây cơ bản của virus Corona là: Đường tiếp xúc (tiếp xúc với bệnh nhân, với bề mặt có dịch tiết nhiễm virus), qua các giọt bắn và ít hơn là lây qua không khí. Cách phòng bệnh chủ yếu là ngăn ngừa nguồn lây thông qua việc vệ sinh bề mặt, thường xuyên rửa tay, ngăn giọt bắn bằng khẩu trang. Các loại khẩu trang vải được giặt sạch, khẩu trang y tế đều có tác dụng ngăn ngừa giọt bắn. |
Cơ quan chức năng kết luận Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông chưa thực hiện tốt việc triển khai phòng chống...
Nguồn: [Link nguồn]