Chuyên gia lý giải nguyên nhân xuất hiện "hố tử thần"
Theo chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến “hố tử thần” xuất hiện ở một số nơi.
Như tin đã đưa, chiều 6/4, một "hố tử thần" rộng 50m2 đã bất ngờ xuất hiện tại thôn 2, xã Quảng Bị (Chương Mỹ, Hà Nội) khiến 11 hộ dân phải sơ tán, đoạn đường tỉnh lộ 419 cũng bị phong toả để đảm bảo an toàn cho người dân.
Hố sâu xuất hiện sau khi một hộ gia đình gần khu vực trên khoan giếng. Vụ việc không gây thương vong về người. Lực lượng chức năng đã lập rào chắn, ngăn người dân đến gần khu vực hố.
“Hố tử thần” rộng 50m2 xuất hiện tại xã Quảng Bị (Chương Mỹ, Hà Nội)
Không chỉ mới đây, vào tháng 4/2020 tại gia đình nhà anh Nguyên Tử Kỳ ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội), cũng xuất hiện “hố tử thần”, may mắn 6 người trong gia đình thoát nạn. Hay tháng 5/2019, mặt đường nút giao Trần Đại Nghĩa - Đại Cồ Việt cũng xuất hiện một hố “tử thần” gây mất an toàn giao thông.
Theo ông Hồ Tiến Chung – Quyền trưởng phòng Kiến tạo và địa mạo – Viện khoa học Địa chất và Khoảng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), "hố tử thần" là cách người dân nôm na đặt cho, còn theo chuyên môn gọi là hiện tượng sụt lún khi đất bên dưới bị rỗng, không đủ liên kết chống đỡ trọng lượng bề mặt.
Ông Chung cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện "hố tử thần" ở một số nơi. "Hố tử thần" là hiện tượng sụt lún địa chất ở những khu vực có cấu trúc địa chất đặc biệt: trên nền đất mềm, kém ổn định, dễ bị xói mòn hay có độ rỗng dưới lòng đất nên có thể bị sụt lún bất cứ lúc nào.
Trong đó, nguyên nhân thứ nhất là một số “hố tử thần” ở dọc đường cấp thoát nước, đặc biệt đường cấp thoát nước khi bơm nước vào bị rò rỉ ra dẫn đến có khả năng bị xói lở, sẽ gây ra hiện tượng sụt lún xuống.
Nguyên nhân thứ hai là do tự nhiên, một khu vực có phát triển về đá vôi, trên mặt đá vôi bị phủ bởi các trầm tích (bùn đá) nên con người không nhìn thấy được. Tuy nhiên, dưới chân, dưới móng có đá vôi, nó dễ bị ăn mòn, tạo ra hố và nhiều khoang ngầm, nước ngầm chảy qua khu vực đất nhiều chất cứng, dễ hòa tan như đá vôi, carbonate, muối... đã làm xói mòn lớp bề mặt vững chắc, tạo thành khoảng không. Hệ quả là những hố sâu xuất hiện, kéo lớp bề mặt sụp đổ vào trong tạo thành “hố tử thần”.
“Bên cạnh đó, cũng còn một số nguyên nhân khác, như xói lở dọc bờ sông, tạo ra các hàm ếch, phần cát bị đào sâu vào trong lòng thì các hàm ếch cuốn một số vật liệu trong bờ đi tạo thành khoảng không phía dưới, đến một lúc nào đó khoảng không ở tuyến trên không giữ được nữa nó sẽ gây sụt lún”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, ngoài yếu tố địa lý, những hoạt động như xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu cống, khai thác mỏ... cũng là tác nhân góp phần gây ra những “hố tử thần”.
Lực lượng chức năng đã lập rào chắn phong toả đảm bảo an toàn khu vực xuất hiện “hố tử thần”,...
Nguồn: [Link nguồn]