Chuyên gia hiến kế cứu mạng con tin Nhật khỏi tay IS
Một giáo sư Nhật Bản là người duy nhất cho đến nay đưa ra kế sách giúp chính phủ có thể giải quyết cuộc khủng hoảng con tin với phiến quân IS.
Ngày 22/1, trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản rất nỗ lực để thiết lập liên lạc với phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) nhằm cứu lấy tính mạng 2 con tin khi thời hạn 72 giờ mà IS đưa ra để Tokyo nộp tiền chuộc sắp hết, các quan chức Tokyo vẫn rất lúng túng khi chưa nhận được bất cứ hồi âm nào từ phía những kẻ bắt cóc.
Cuộc khủng hoảng con tin lần này là một phép thử cho nỗ lực tăng cường vai trò của Nhật Bản trên trường quốc tế của Thủ tướng Shinzo Abe. Tokyo vẫn không có các mối quan hệ ngoại giao thực sự mạnh với các quốc gia Trung Đông, còn các nhà ngoại giao của họ cũng đã rút khỏi Syria từ khi cuộc nội chiến leo thang, khiến cho nỗ lực thiết lập liên lạc với IS càng khó khăn bội phần.
Cho đến nay, mới chỉ có một chuyên gia về luật Hồi giáo là giáo sư Ko Nakata thuộc Đại học Doshisha ở Kyoto lên tiếng “hiến kế” cho chính phủ Nhật Bản cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng con tin hiện nay.
Ông Nakata hiến kế giúp chính phủ Nhật Bản giải quyết cuộc khủng hoảng con tin với IS
Vốn là một chuyên gia về đạo Hồi tại đại sứ quán Nhật Bản ở Saudi Arabia, ông Nakata gửi một thông điệp tới IS thông qua các phóng viên nước ngoài: “Thời hạn 72 giờ là quá ngắn. Xin hãy đợi thêm một thời gian nữa, và đừng thực hiện những hành động vội vàng. Nếu có cơ hội đàm phán, tôi xin sẵn sàng lên đường để bàn bạc”.
Ông Nakata hối thúc IS “làm rõ kế hoạch của họ đối với chính phủ Nhật Bản, và chờ đợi câu trả lời từ phía Tokyo” trước khi ra tay chặt đầu con tin. Ông này cũng đưa ra một đề xuất “vẹn cả đôi đường” là Nhật Bản cung cấp số tiền 200 triệu USD theo hình thức viện trợ nhân đạo thông qua Hội Trăng Lưỡi liềm Đỏ cho những người tị nạn và người dân trong khu vực do IS kiểm soát.
Ông nói: “Trăng Lưỡi liềm Đỏ đang hoạt động dưới quyền kiểm soát của IS. Tại sao chúng ta không thông qua Thổ Nhĩ Kỳ và đưa số tiền đó cho những người bị ảnh hưởng trong các cuộc xung đột ở Iraq và Syria? Tôi tin rằng đây là một giải pháp hợp lý và có thể chấp nhận được”.
Trong khi đó, một phóng viên Nhật Bản là Kosuke Tsuneoka, người từng bị bắt làm con tin ở Afghanistan năm 2010, cũng đã đề xuất cùng ông Nakata liên hệ với IS để giải cứu 2 con tin.
Hiện vẫn chưa rõ chính phủ Nhật Bản có nhất trí cho 2 người này tới Syria để liên lạc với IS hay không, vì họ đang bị cảnh sát Nhật Bản nghi ngờ tìm cách giúp đỡ một sinh viên Nhật lên đường tới Syria để chiến đấu cho IS.
Ông Nakata cho biết đầu mối liên lạc của ông là phát ngôn viên hiện nay của IS tên là Umar Grabar. Tuy nhiên ông này cho rằng chính hoạt động theo dõi, điều tra của cảnh sát khiến ông gặp nhiều khó khăn trong việc liên lạc với Grabar.
Khi được hỏi về đề xuất giúp đỡ của Nakata và Tsuneoka, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố Tokyo “sẵn sàng xem xét mọi phương án khả dĩ để cứu mạng 2 con tin”.
Trong quá khứ, Nhật Bản đã từng nhiều lần bí mật đàm phán và chịu trả tiền chuộc để cứu mạng con tin, trong đó có cuộc khủng hoảng con tin ở Kyrguzstan vào năm 1999.
Hiện Nhật Bản đã cầu cứu nhiều quốc gia Trung Đông như Jordan, Ai Cập... để cứu tính mạng 2 con tin, tuy nhiên Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yasuhide Nakayam đã phải thừa nhận: “Thời gian còn lại rất ngắn và chúng tôi đang rất lo lắng”.
Năm 2004, một du khách Nhật Bản bị phiến quân Iraq bắt cóc và đòi Tokyo phải rút toàn bộ lực lượng binh sĩ đang tham gia sứ mệnh nhân đạo ở Iraq về nước. Nhật Bản đã từ chối yêu sách trên, và du khách này sau đó đã bị chặt đầu.