Chuyên gia gửi Bộ trưởng Thăng kế sách giảm TNGT

Chuyên gia giao thông vừa đề xuất với Bộ trưởng Đinh La Thăng một kế sách mới góp phần hạn chế tai nạn thảm khốc ở các khu vực đèo dốc nguy hiểm.

Sau vụ tai nạn thảm khốc xe chở khách đâm xuyên qua hàng rào hộ lan lao xuống vực tại Lào Cai vừa qua, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu các đơn vị liên quan làm rõ chất lượng hàng rào hộ lan tại khu vực xảy ra tai nạn đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát toàn bộ chất lượng hàng rào hộ lan tại các khu vực đèo dốc nguy hiểm.

Tuy nhiên, mới đây, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải cho rằng đó chưa phải là giải pháp hay.

Hạn chế tai nạn giao thông bằng... trồng rừng

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ đề nghị ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông  Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cùng tham gia vào hạn chế tai nạn giao thông bằng việc trồng rừng.

Chuyên gia gửi Bộ trưởng Thăng kế sách giảm TNGT - 1

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải. (Ảnh: Người đưa tin)

Theo ông Thụ, lan can phòng hộ hiện nay chỉ có chức năng cảnh báo và chỉ chặn được những cú va chạm nhẹ. Còn với một ô tô cỡ trung bình và lớn lao vào với vận tốc trên 20 km/h thì lan can không thể cản ô tô dừng lại được.

“Nếu ta làm lan can bằng sắt với sức chịu lực lớn thì chắc sẽ ngăn được khi ô tô lao vào, nhưng lại cực kỳ tốn kém và mất thời gian. Do vậy, tôi xin đề xuất là ngoài việc làm lan can như hiện nay, nên trồng cây để chắn xe không lăn xuống vực đến vài trăm mét. Nhờ thế sẽ giảm mức độ thảm khốc của các vụ tai nạn ở khu vực đèo dốc nguy hiểm như ở Lào Cai. Không chỉ vậy, trồng cây sẽ có tác dụng chống xói lở đèo dốc, bảo vệ môi trường…”, ông Thụ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thụ, loại cây mà chúng ta nên trồng ở các khu vực này có thể là phi lao… Chúng nên được trồng cách xa lan can 10 – 20 mét để không che khuất tầm nhìn của lái xe.

Thêm 3 kế sách mới

Ngoài ra, để hạn chế tai nạn giao thông trên đường đèo núi, ông Thụ còn đưa ra thêm 3 đề xuất mới nữa.

Ông Thụ đề nghị cần có văn bản quy phạm pháp luật trách nhiệm cụ thể kể cả về trách nhiệm hình sự đối với chủ doanh nghiệp (tùy thuộc vào lỗi và mức độ gây thiệt hại của tai nạn do lái xe của doanh nghiệp gây ra), chứ không chỉ nói chung chung rằng chủ doanh nghiệp vô can hoặc chịu trách nhiệm liên đới.

Ông Thụ cho rằng cũng nên có một quy định riêng với việc thi và cấp bằng lái xe khách.

Đối với phương tiện vận tải hành khách, trên xe không phải là hàng hóa mà là nhiều người. Do vậy đòi hỏi việc cấp bằng cho lái xe vận tải hành khách không chỉ căn cứ vào kết quả sát hạch thi lấy bằng mà cần bổ sung điều kiện được thi và cấp bằng.

"Nên chăng cần quy định: Điều kiện lái xe thi lấy bằng lái xe khách D và E là người lái xe đã lái bao nhiêu kilomet an toàn. Muốn vậy đòi hỏi phải có phương pháp cấp bằng lái xe, quản lý bằng lái hiện đại hơn hiện nay”, ông Thụ nhấn mạnh.

Ông Thụ đề xuất cần thay đổi  tốc độ chạy xe ở các đoạn cua dốc nguy hiểm xuống mức độ thấp hơn hiện nay.

Cùng với đó, cần tăng cường giám sát tốc độ đối với lái xe tại những cung đường đèo dốc nguy hiểm với những biện pháp mang tính cưỡng chế (không phải chỉ cắm biển cảnh báo, biển hạn chế tốc độ như hiện nay).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Quân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN