Chuyên gia giao thông: Để phạt nguội xe máy cần định danh chính chủ phương tiện
Một số chuyên gia giao thông cho rằng, để có thể phạt nguội được xe máy cần phải định danh chính chủ tất cả phương tiện xe máy.
Báo động tình trạng xe máy vi phạm luật giao thông
Là một tài xế taxi, hàng ngày di chuyển trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội, anh Trịnh Văn Viễn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ bức xúc khi thường xuyên phải đối diện với nhiều tình huống vi phạm giao thông nguy hiểm của xe máy.
"Không ngày nào là không phải giật mình thon thót khi lái xe trên đường. Nhiều người đi xe máy bây giờ ý thức tham gia giao thông rất kém. Đèn xanh còn nhiều thời gian, dòng phương tiện đang lưu thông. Từ đâu, xe máy bất ngờ xuất hiện, vượt đèn đỏ tạt đầu ô tô rất nguy hiểm. Thế nên, khi lái xe trên đường, dù là đèn xanh, qua các ngã 3, ngã 4 tôi vẫn phải nhắc nhở mình chú ý cẩn thận quan sát các phía", anh Viễn chia sẻ.
Anh Trịnh Văn Viễn chia sẻ với phóng viên.
Tương tự, anh Đàm Văn Hoàng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mỗi ngày đều đi bộ đi làm, do nơi làm việc cách nhà khoảng nửa cây số. Từ nhà tới công ty, anh Hoàng thường xuyên phải chờ đèn đỏ, đi bộ qua đường. Sau 1 lần bị xe máy vượt đèn đỏ tông trúng người, anh Hoàng vẫn luôn tâm niệm mình phải cảnh giác, chú ý quan sát hơn dù đèn tín hiệu đi bộ đã bật xanh.
Anh Hoàng chia sẻ: "Tôi vẫn nhớ ngày hôm đấy. Đang đi bộ qua đường thì bị một xe máy vượt lên tông trúng. Cũng may chỉ xây xước chân tay. Người phụ nữ đi xe máy quay lại xin lỗi, lấy lý do vội đi làm nên đã không để ý. Từ sau va chạm, mỗi khi đi trên đường, tôi thường cảnh giác hơn. Tôi thấy nhiều người đi xe máy bây giờ rất thiếu ý thức, đặc biệt là những lái xe ôm công nghệ, chở hàng".
TS. Phan Lê Bình, Phó trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản, một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về giao thông nhận định, những năm gần đây ở Hà Nội, tình trạng xe máy vi phạm giao thông xảy ra thường xuyên hơn, đặc biệt tình trạng này đáng báo động vào những ngày thời tiết nắng nóng hay mưa gió.
TS. Phan Lê Bình.
"Trong những ngày thời tiết thuận lợi thì mức độ vi phạm luật giao thông như: đi ngược chiều, vượt đèn đỏ… của các phương tiện, chủ yếu là xe máy vẫn xảy ra rất thường xuyên và phổ biến. Đứng tại một ngã 3, ngã 4 ở Hà Nội, không khó để chứng kiến các xe máy vi phạm luật giao thông một cách nguy hiểm", TS Bình nói.
Cần định danh chính chủ tất cả phương tiện
Một số chuyên gia giao thông nhận định, những năm gần đây, nhờ sự quyết liệt trong việc triển khai phạt nguội xe ô tô, nhiều tài xế, chủ phương tiện đã có ý thức hơn rất nhiều. TS. Phan Lê Bình lấy ví dụ về làn dành riêng cho xe buýt BRT. Khi Hà Nội thông báo phạt nguội phương tiện đi vào làn xe buýt BRT, hầu như không còn tình trạng phương tiện xe ô tô lấn chiếm làn đường ưu tiên này.
"Nếu chúng ta triển khai phạt nguội được với xe máy thì nhiều người sẽ có ý thức tham gia giao thông, giảm tình trạng bất chấp nguy hiểm, vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều… Tuy nhiên, bài toán đặt ra, chúng ta cần phải định danh chính chủ được toàn bộ xe máy hiện nay. Đối với ô tô, chủ phương tiện phải nộp phạt vi phạm mới được đăng kiểm để lưu thông, còn xe máy thì làm thế nào để có thể xử phạt cũng là việc cần phải tính toán", TS Bình nói.
Không khó để bắt gặp hình ảnh xe máy vi phạm luật giao thông trên đường phố Hà Nội.
Đồng quan điểm, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, để có thể phạt nguội được xe máy, trước tiên cần phải định danh chính chủ tất cả phương tiện xe máy.
"Hiện nay, ở Việt Nam, xe máy hay ô tô được coi là tài sản của người dân. Còn ở một số nước khác, xe máy hay ô tô được coi là phương tiện giao thông đi lại. Chính vì thế, khi sang tên đổi chủ, ở một số nước họ không có quy định tính thuế trên giá trị của mỗi phương tiện. Nếu chúng ta nghiên cứu việc này, tạo cơ chế tốt hơn thì phần nào sẽ khuyến khích được người dân thực hiện việc sang tên đổi chủ phương tiện cá nhân.
Nhiều xe máy vi phạm luật giao thông tại ngã tư.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên có quy định gắn thêm trách nhiệm của chủ phương tiện. Hiện nay, chủ xe chỉ có trách nhiệm giải trình, phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh ai là người đang sử dụng phương tiện trong trường hợp vi phạm. Nhưng tiến tới, chúng ta cũng cần phải quy định cả chủ xe cũng phải nộp phạt khi người điều khiển chiếc xe vi phạm. Có như vậy, phần nào sẽ giảm bớt tình trạng nhiều xe máy không chính chủ như hiện nay", TS Tạo đề xuất.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu tình trạng nhiều xe máy vi phạm luật giao thông như hiện nay, TS. Phan Lê Bình đề xuất, cần gia tăng việc tuần tra lưu động của lực lượng cảnh sát giao thông trên các tuyến đường ở Hà Nội.
Bởi, lực lượng cảnh sát giao thông chốt chặn ở một số điểm chỉ có thể xử phạt được những lỗi ít nghiêm trọng như: Sai làn đường, người điều khiển không đội mũ bảo hiểm, phương tiện không đảm bảo thiết kế để lưu thông… Còn ít người vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều khi biết phía trước có điểm chốt của lực lượng CSGT.
Tại buổi họp báo, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu (PV01) Công an TP.HCM đã nêu 2 khó khăn khi phạt nguội các vi phạm giao thông.
Nguồn: [Link nguồn]