Chuyên gia địa chất nói gì về nứt đất kéo bùn phun lên ở Phú Yên?
Lãnh đạo sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Yên đã đề nghị địa phương theo dõi chặt chẽ hiện tượng sụt lún, nhất định không cho người dân hiếu kỳ đến gần khu vực bùn phun trào.
Bùn không có mùi lạ
Liên quan đến hiện tượng phun trào bùn trong lòng đất xảy ra ở thôn Tân Vinh, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, sáng 9/4, đoàn công tác của Sở Nông Nghiệp và Môi trường đã khảo sát hiện trường để triển khai các biện pháp ứng phó.
Bước sang ngày thứ 3 ghi nhận hiện tượng bùn trào từ lòng đất ở thôn Tân Vinh, khu vực trào bùn đang di chuyển hướng ra phía Bắc. Ghi nhận tại hiện trường sáng nay cho thấy: chiều cao điểm bùn trào đã cao hơn hôm qua. Lượng bùn trào từ miệng hố rộng khoảng 60m đã di chuyển thêm về hướng phía bắc thay vì phía Nam như 2 ngày trước đó với 4 vết nứt xung quanh miệng hố. Theo UBND xã Xuân Sơn Nam, các hộ dân sống gần khu vực phun trào bùn với phạm vi từ 10-30m.
Bùn phun lên theo vết nứt ở Phú Yên.
Đoàn kiểm tra của sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Yên và các đơn vị liên đã khảo sát kỹ vị trí bùn phun trào. Và qua phản ánh của người dân sống ngay cạnh khu vực này thì trước khi xảy ra hiện tượng trào bùn nước trong giếng đổi màu giống màu bùn phun ra từ miệng hố.
Trước đó ngày 8/4, UBND xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) đã có báo cáo về hiện tượng bùn phun trào từ lòng đất lên mặt ruộng trồng sắn của người dân trên địa bàn xã, thu hút sự quan tâm của người dân. Theo đó hiện tượng xảy ra trên phần đất nông nghiệp tại thôn Tân Vinh (xã Xuân Sơn Nam), do ông Nguyễn Văn Lợi (72 tuổi, người dân địa phương) làm ruộng trồng sắn.
Tại đây, một dòng bùn nước mịn màu vàng nhạt liên tục trào lên từ lòng đất, tạo thành khu vực trào bùn rộng khoảng 5m. Xung quanh vị trí này cũng xuất hiện nhiều vết rạn nứt trên mặt đất. Hiện vẫn chưa xác định được độ sâu của điểm trào bùn cũng như nguyên nhân chính xác của hiện tượng.
Qua nắm tình hình từ người dân địa phương, khoảng 46 năm trước khu vực này cũng từng xuất hiện hiện tượng trào bùn tương tự. Khi đó đã có đoàn chuyên môn đến khảo sát, tuy nhiên không rõ kết quả.
Do tính chất lạ thường của sự việc, nhiều người dân hiếu kỳ đã kéo đến khu vực này để quan sát. Trước tình hình đó, UBND xã Xuân Sơn Nam đã nhanh chóng dựng rào chắn bằng dây phản quang, cắm biển cấm và phát đi cảnh báo đề nghị người dân không đến gần khu vực trào bùn để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.
Ông Nguyễn An Phú, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Yên cho biết sẽ có chuyên gia trong ngành đến kiểm tra, đánh giá, xác định nguyên nhân hiện tượng trên.
Là núi lửa bùn?
Theo TS Nguyễn Trung Hiếu, chuyên gia về địa chất, dải đất miền Trung nước ta liên quan đến nhiều đứt gãy hoạt động. Các quá trình nhiệt dịch của khí, nước, nhiệt tại các đới sét hóa tạo các vòm áp suất cao, đẩy các khói bùn lên trên mặt đất, không liên quan đến động đất. Ở Rumani có các núi lửa bùn nóng phun lên nhưng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống.
Theo nhận định ban đầu thì đây là núi lửa bùn, một hoạt động địa chất bình thường. Chuyên gia cho biết tại Khánh Hòa có hàng chục điểm có hoạt động tương tự từ năm 1994 đến nay, có điểm hiện vẫn đang hoạt động nhưng với mức độ nhỏ hơn.
Chuyên gia cho biết, kiểu hoạt động này giống như một túi khí bùn. Khí metan cùng bùn sẽ đi theo vết nứt, khi nào lượng khí metan hết thì bùn cũng không còn trào lên nữa. Tuy nhiên khả năng lặp lại trong tương lai là rất cao. Loại bùn này ít có giá trị sử dụng, không dùng để làm than được vì đây là bùn sét trương nở.
Lãnh đạo sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Yên đã đề nghị địa phương theo dõi chặt chẽ hiện tượng sụt lún, nhất định không cho người dân hiếu kỳ đến gần khu vực bùn phun trào. Bởi hiện nay có nhiều người vào bên trong khu vực cảnh báo lấy bùn để về làm đẹp. Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước Quốc gia cũng sẽ tham gia khảo sát đánh giá khu vực này trong ngày hôm nay.
Sau nhiều tiếng nổ, người dân phát hiện mặt đất xuất hiện vết nứt kéo dài, sau đó bùn phun trào.
Nguồn: [Link nguồn]
-09/04/2025 16:25 PM (GMT+7)