Chuyên gia cứu hộ nói về kỹ năng cứu người chết đuối
Theo những người có thâm niên làm công tác cứu hộ bãi biển chuyên nghiệp, chuyện cứu người đuối nước là không đơn giản và không phải muốn là được.
Hồ Hàm Nghi, nơi anh Giang chết đuối vào sáng 21/2 trước sự chứng kiến của hàng chục người. Ảnh cắt từ clip
Liên quan đến clip ghi lại cảnh nam thanh niên chết đuối tại hồ Hàm Nghi (P. Vĩnh Trung, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) trước mặt hàng chục người đứng nhìn, dù đã 3 ngày trôi qua, dư luận vẫn "dậy sóng" với nhiều ý kiến trái chiều.
Một số người cho rằng việc chỉ "đứng nhìn, thấy chết không cứu" là hành động vô cảm của những người đứng trên bờ. Dù thanh niên trên có bị "ngáo đá" thì hành vi dửng dưng đứng nhìn người khác chết trước mắt mình là không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, ở góc độ khác các chuyên gia cứu hộ và cơ quan chức năng khuyến cáo việc cứu nạn phải có kỹ năng, phương tiện hỗ trợ cần thiết nếu không sẽ gây thêm hậu quả với bản thân người tham gia cứu hộ.
Những người có kinh nghiệm làm cứu hộ biển Đà Nẵng cũng cho rằng, việc cứu người đuối nước là không đơn giản và không phải muốn là được.
Trao đổi với Báo Giao thông, anh Trần Văn Đãi (34 tuổi, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), người có thâm niên 6 năm làm cứu hộ bãi biển Mỹ Khê (quận Sơn Trà) cho biết, dù là cứu hộ chuyên nghiệp, nhưng việc cứu người đuối nước là không đơn giản.
“Phải khẳng định rằng không phải ai cũng biết cách cứu người đuối nước 1 cách bài bản” – anh Đãi nói và cho biết thêm, trong 6 năm làm cứu hộ, anh đã từng gặp trường hợp 1 cứu hộ bơi ra biển cứu người nhưng đuối sức, anh cùng nhiều người khác phải dùng canô ra ứng cứu cả 2 người. Vì vậy, anh Đãi cho rằng việc phán xét những người đứng nhìn người chết đuối mà không cứu là vô cảm thì quá vội vàng, không hiểu những nguy hiểm mà người cứu hộ phải đối mặt.
Hồ Hàm Nghi, nơi anh Giang chết đuối trước sự chứng kiến của hàng chục người sáng 21/2. Ảnh: Tấn Việt.
Thượng tá Kiều Văn Vương, Phó trưởng Công an quận Thanh Khê đánh giá, trong vụ việc trên, phản ứng của công an phường là tích cực. Ngoài 4 cán bộ xuống hiện trường, tổ công tác này cắt cử cán bộ lấy phương tiện cứu hộ và vận động người dân biết bơi tham gia.
"Nếu không biết bơi mà nhảy xuống hồ không những không cứu được người bị nạn mà bản thân người đi cứu cũng gặp nạn", Thượng tá Vương phân tích.
Cũng theo Thượng tá Vương, dù được tích cực khuyên nhủ, nạn nhân vẫn không chịu hợp tác và tiếp tục di chuyển ra giữa hồ. Nhận thấy tình huống nguy cấp, tổ công tác kêu gọi 2 người dân có khả năng bơi lội giỏi nhảy xuống ứng cứu nhưng đối tượng lui dần ra giữa hồ rồi chìm xuống hẳn. Người dân và cơ quan chức năng nhanh chóng cứu vớt, sơ cứu nhưng người thanh niên đã tử vong”.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt clip dài khoảng 3 phút ghi lại cảnh một thanh niên đang vùng vẫy giữa hồ Hàm Nghi trước sự chứng kiến của nhiều người. Mặc dù nam thanh niên có kêu cứu nhưng không người dân nào nhảy xuống cứu giúp mà chỉ đứng trên bờ bàn tán, quay phim.
Cảnh sát địa phương xác nhận nạn nhân là Nguyễn Trường Giang (biệt danh là Cu Bon, SN 1992, trú đường Ông Ích Khiêm, phường Hải Châu 2, Q. Hải Châu). Anh Giang là ngườinghiện ma túy, đã từng được đưa đi cai nghiện nhiều lần.