Chuyên gia: Chèn ép Hong Kong, TQ sẽ trả giá đắt

TQ đang đứng trước thách thức lớn khi nửa triệu dân Hong Kong đổ xuống đường đòi quyền dân chủ.

Từ hôm 1/7 đến nay, Trung Quốc đang phải đối mặt với một thách thức vô cùng lớn khi nửa triệu người dân Hong Kong đổ xuống đường biểu tình đòi dân chủ. Để lý giải về thách thức mà Trung Quốc gặp phải trong vấn đề Hong Kong, chuyên gia phân tích Kelly McParland của tờ National Post (Canada) đã có bài bình luận với tựa đề "Chèn ép Hong Kong, Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt".

Khi được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Hong Kong được chính quyền đại lục hứa hẹn một “quy chế tự trị cao độ” trong các vấn đề của mình. Đây là biện pháp đảm bảo được Bắc Kinh coi là cần thiết nhằm để Hong Kong tiếp tục là một trung tâm tài chính sôi động và là một mô hình kinh tế cho các doanh nghiệp trong nước học tập.

Chuyên gia: Chèn ép Hong Kong, TQ sẽ trả giá đắt - 1

Hơn nửa triệu người Hong Kong đổ ra đường phản đối sự can thiệp của Trung Quốc

Tuy nhiên, 17 năm sau, khi kinh tế Trung Quốc đã phát triển vượt bậc, mối quan hệ giữa đại lục rộng lớn và Hong Kong nhỏ bé đã dần thay đổi. Trung Quốc vẫn cần Hong Kong, nhưng không còn nhiều như trước. Và những động thái gần đây cho thấy Bắc Kinh đang muốn áp đặt quyền kiểm soát để biến Hong Kong thành một khu vực như bao tỉnh thành khác trong nước.

Theo Đạo luật Cơ bản – một hình thức tiểu hiến pháp của Hong Kong – đặc khu kinh tế này sẽ dần chuyển sang hình thức phổ thông đầu phiếu. Đến năm 2017, người dân Hong Kong có quyền bầu ra Trưởng Đặc khu hành chính của mình. Còn Trưởng Đặc khu hành chính hiện nay của Hong Kong được một ủy ban thân Bắc Kinh gồm các nhà tài phiệt Hong Kong bầu ra với sự phê chuẩn của Bắc Kinh.

Chuyên gia: Chèn ép Hong Kong, TQ sẽ trả giá đắt - 2

Chuyên gia: Chèn ép Hong Kong, TQ sẽ trả giá đắt - 3

Các tuyến phố Hong Kong chật kín người biểu tình

Bắc Kinh tuyên bố rằng họ vẫn sẽ để người dân Hong Kong bầu người lãnh đạo của mình, với một điều kiện mà dân Hong Kong cho là không thể chấp nhận được. Đó là những ứng cử viên tham dự cuộc bầu cử này sẽ là những người do Bắc Kinh lựa chọn ra.

Chính quy định này đã khiến hơn nửa triệu người đổ ra đường phố Hong Kong từ hôm thứ Ba để biểu tình phản đối, đánh dấu một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Hong Kong trong nhiều năm qua.

Chuyên gia: Chèn ép Hong Kong, TQ sẽ trả giá đắt - 4

Chuyên gia: Chèn ép Hong Kong, TQ sẽ trả giá đắt - 5

Người Hong Kong giơ biểu ngữ đòi phổ thông đầu phiếu và quyền tự quyết

Cuộc biểu tình này diễn ra sau khi 800.000 dân Hong Kong tham gia vào một cuộc “trưng cầu dân ý” trên mạng đòi quyền được tự lựa chọn người lãnh đạo của mình. Hành động này thể hiện sự nghi ngờ về cam kết đảm bảo “mức độ tự trị cao” của Bắc Kinh dành cho Hong Kong, đồng thời nó cũng cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong việc khẳng định quyền lực của mình trong khu vực.

Các nhà dân chủ Hong Kong cho rằng nếu không được tự do đề cử ứng cử viên, quyền tự lựa chọn người lãnh đạo của họ là vô nghĩa. Trung Quốc lập tức ra “sách trắng” bác bỏ quan điểm này và tuyên bố rằng Hong Kong không phải là một vùng lãnh thổ “tự trị toàn diện” mà phải chịu sự kiểm soát của chính quyền trung ương.

Chuyên gia: Chèn ép Hong Kong, TQ sẽ trả giá đắt - 6

Cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ hơn 500 người biểu tình

Nếu để dân Hong Kong được quyền tự do lựa chọn người lãnh đạo của mình, Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ có một Trưởng Đặc khu hành chính không vừa ý họ. Dù khả năng này không cao, bởi Hong Kong vẫn chịu sự chi phối rất lớn của giới tài phiệt thân Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc không muốn mạo hiểm một chút nào.

Thế nhưng, khi ra tay can thiệp vào việc lựa chọn lãnh đạo của dân Hong Kong, Trung Quốc đang gieo vào đầu họ mối nghi ngờ rằng Bắc Kinh không hề đáng tin, dù họ có ký kết bao nhiêu hiệp ước hay đưa ra bao nhiêu lời hứa đi chăng nữa.

Chuyên gia: Chèn ép Hong Kong, TQ sẽ trả giá đắt - 7

Một người biểu tình ngất xỉu trong vòng tay cảnh sát

Dù là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, song Hong Kong vẫn duy trì thể chế chính trị khá khác biệt, trong đó ngành tư pháp hoàn toàn không bị chính trị kiểm soát. Bởi vậy, có vẻ như tình trạng tham nhũng ở Hong Kong không hề tràn lan như ở Trung Quốc đại lục, và điều đó tạo ra một cảm giác “độc lập” trong lòng người dân Hong Kong.

Để đảm bảo quyền lực và sự thống trị của mình đối với Hong Kong, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ sẵn sàng chấp nhận những rủi ro để thể hiện rằng mình là một cường quốc trong khu vực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện điều đó, Trung Quốc đang tự hủy hoại độ tín nhiệm và hình ảnh về một cường quốc “đáng tin cậy” trong lòng người dân Hong Kong và cộng đồng quốc tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo National Post) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN