Chuyên gia băn khoăn về phương án xây cầu vượt sông Hồng

Mặc dù ủng hộ phương án xây cầu đường sắt cách cầu Long Biên 75 mét, nhưng chuyên gia về giao thông vẫn băn khoăn bởi những điểm hạn chế của phương án này.

Ngày 28/10 vừa qua, Tổng giám đốc TEDI (Bộ GTVT) Phạm Hữu Sơn đã đưa ra ba phương án về vị trí xây cầu đường sắt vượt sông Hồng: cách cầu Long Biên 30 mét, 75 mét và 186 mét.

Có đến 9/15 ý kiến đồng ý với phương án xây cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75 mét. Nhưng ngay cả những chuyên gia đã ủng hộ phương án này cũng chưa cảm thấy hài lòng, trong đó có TS Nguyễn Duy Tiến – Phó trưởng Bộ môn Cầu hầm, ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội.

PV đã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Duy Tiến sau hội thảo về vấn đề này.

Chuyên gia băn khoăn về phương án xây cầu vượt sông Hồng - 1

Phối cảnh các phương án xây cầu đường sắt vượt sông Hồng

Thưa Tiến sĩ, ông có đồng tình với phương án xây cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75 mét?

Tôi thấy phương án đó là hợp lý nhất trong 3 phương án TEDI đưa ra, vì nếu theo phương án 30 mét, gần cầu Long Biên quá sẽ gây ảnh hưởng tới kiến trúc còn nếu cách tới 186 mét thì công tác giải phóng mặt bằng lại khó khăn.

Tuy đây chưa phải là phương án hay nhất, nhưng so với 2 phương án còn lại thì vẫn hơn bởi nó giúp giảm chi phí giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho việc thi công, đặc biệt không gây ảnh hưởng nhiều tới cầu Long Biên.

Vậy phương án này còn những mặt hạn chế nào?

Điểm hạn chế của phương án này có lẽ chính là việc nó vẫn gây ảnh hưởng ít nhiều tới kiến trúc của cầu Long Biên dù các phương án được đưa ra đều hướng tới mục tiêu là làm sao để ít gây ảnh hưởng tới kiến trúc hiện tại của cây cầu đó.

Khi khoảng cách giữa các cây cầu quá gần, kết cấu của chúng lại không hòa nhập được với nhau trong khi chiều rộng của sông Hồng khá lớn thì kiến trúc của cầu Long Biên đang cần được bảo tồn sẽ bị ảnh hưởng. Đó có lẽ là vấn đề lớn nhất nếu triển khai theo phương án này.

Thế nhưng, theo tôi chúng ta cũng phải chấp nhận ở một mức độ nào đó chứ không thể có phương án hoàn hảo, dung hòa tất cả mọi thứ được nhất là trong điều kiện hiện nay, khi mà dự án được đưa ra thảo luận từ rất lâu rồi mà chưa triển khai được.

Ngoài ra, cũng có người đề xuất cầu đường sắt mới phải có chiều cao tĩnh lưu thông thuyền 10 mét để phù hợp với quy hoạch tổng thể giao thông vận tải Việt Nam. Nhưng nếu tất cả nâng cao lên 10 mét thì trông sẽ rất xấu và gây ảnh hưởng tới việc bảo tồn cầu Long Biên.

Vậy theo ông, phương án hay nhất là gì?

Giờ mà đề xuất phương án “hay nhất” thì rất khó và cần thêm thời gian nghiên cứu bởi chẳng có gì hoàn hảo cả. Dù sao, trong 3 phương án trên, phương án 75 mét vẫn là khả thi nhất và dễ thực hiện hơn cả.

Có một phương án mà Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đưa ra mà tôi thấy cũng khá hay, đó là vẫn thực hiện theo phương án 75 mét, nhưng đến giữa sông thì lái theo phương án 186 mét, tức là kết hợp 2 phương án.

Tuy nhiên, về chuyên môn tôi thấy sẽ rất khó trong việc nắn tuyến và làm thế cũng gây mất mỹ quan. Tuyến đường sắt đang đi thẳng giờ lại có đoạn vắt ngang thì việc giải phóng mặt bằng cũng khó mà về kiến trúc cũng khó.

Hay cũng có chuyên gia đề xuất hạ ngầm hoặc xây kẹp đôi, nhưng cả hai phương án đó đều có vấn đề. Nếu đi ngầm thì chi phí xây dựng đắt đỏ, tốn kém. Còn nếu kẹp đôi thì sẽ làm mất đi cảnh quan kiến trúc và gây ảnh hưởng lớn tới cả hai cây cầu.

Chuyên gia băn khoăn về phương án xây cầu vượt sông Hồng - 2

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối trung tâm Hà Nội và trị trấn Gia Lâm (quận Long Biên)

Có nên biến cầu Long Biên thành cây cầu đi bộ “đẹp nhất thế giới” không thưa ông?

Về lâu dài, tôi thấy thật phí nếu biến cầu Long Biên thành cầu đi bộ. Còn đẹp nhất thế giới được hay không lại là chuyện khác. Hiện tại, ở khu vực đó chưa có cây cầu nào khác nối hai bờ sông, cầu Chương Dương cách đó khá xa trong khi nhu cầu đi lại của người dân vẫn cao. Vì vậy, không nên vội vàng biến nó thành cầu đi bộ.

Nhưng người ta cũng lo ngại về “sức khỏe”, khả năng chịu đựng của cây cầu này. Theo ông, điều đó có đáng lo ngại?

Rất nhiều cơ quan, chuyên gia đã nghiên cứu về vấn đề này và tôi thấy họ chỉ đề xuất làm lại cảnh quan của cây cầu sao cho đẹp chứ sức khỏe của cầu Long Biên chưa ở mức đáng báo động.

Nếu có sửa, tôi nghĩ chỉ cần nâng chiều cao tĩnh lưu thông thuyền lên để tàu bè tiện đi lại chứ về kết cấu, tải trọng thì không vấn đề gì.

Ngoài ra, nếu muốn nó trở về với thiết kế cũ – mang hình dáng của một con rồng – ta có thể bỏ các trục, trạm đi đồng thời tăng cường phần nhịp cầu. Việc này khá tốn kém.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Quân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN