Chuyện ghi ở động Ba Ông Cọp

Sự kiện: 24h vạn dặm

Tam Dần là cái tên đầy ám ảnh gắn với cuộc cứu hộ, cứu nạn người mất tích kéo dài lịch sử qua hai năm tại Thừa Thiên- Huế, do thảm nạn sạt lở đất Rào Trăng 3 kinh hoàng. Địa danh “Ba ông cọp” (Tam Dần) cũng là nơi khiến dân ven rừng Phong Điền phải giật thót mình mỗi khi nhắc tới, vì đó một thời là lãnh địa của “chúa sơn lâm”; từng có cuộc giải cứu hổ gây chấn động liên quan vùng này hơn hai thập niên trước.

Buôn hổ, hối lộ vàng

Lần ấy, đang mùa khô năm 2021, tôi theo đoàn công tác cứu hộ cứu nạn người mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3 ngược Tỉnh lộ 71 lên vùng núi cao huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. Đoàn dừng khảo sát khá lâu ở ngã ba Tam Dần ven sông Rào Trăng. Cái tên Tam Dần giữa rừng sâu núi thẳm có điều gì đó thật bí ẩn. Hỏi ra, đây là nơi người đi rừng từng nhiều lần bắt gặp “chúa sơn lâm”, và có cả câu chuyện thú vị về giải cứu hổ thoát đường dây buôn bán động vật hoang dã...

Bấy giờ là một chiều cuối đông năm Tân Sửu. Trong căn nhà nhỏ ở phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), cựu cán bộ kiểm lâm Trương Hùng hồi hưu từ 4 năm trước vẫn nhớ tường tận từng chi tiết của cuộc giải cứu hổ hoang dã năm xưa tại vùng núi Phong Điền. Đó là một cá thể hổ con (sau này được đặt tên Lâm Nhi) bị nhóm buôn thú rừng dùng taxi vận chuyển về xuôi để tuồn ra Hà Nội tiêu thụ. Con hổ trước đó bị đánh bẫy ở vùng Chín Chàng, động (núi) Tam Dần. Chuyện ông Hùng kể đã xảy ra từ hơn 23 năm trước, vào giữa mùa hạ năm Dần 1998...

Vùng Tam Dần, theo truyền thuyết là động “ba con cọp”, nơi một thời hổ thường xuyên xuất hiện

Vùng Tam Dần, theo truyền thuyết là động “ba con cọp”, nơi một thời hổ thường xuyên xuất hiện

Ngày đó, theo phân công của Hạt Kiểm lâm huyện Phong Điền, trạm kiểm lâm xã Phong Mỹ biên chế 3 người gồm trạm trưởng Nguyễn Văn Minh, hai nhân viên Trương Hùng và Tạ Quang Hồng. Trực chốt tối đó là hai ông Hùng và Minh. Sau khi cơm nước xong chừng 20 giờ đêm, nguồn tin báo về trạm có một chiếc taxi biển số 75 với dấu hiệu khả nghi xuất hiện ở Phong Mỹ.

“Thuở ấy đi lại khó khăn, xe taxi lên vùng núi Phong Mỹ xa xôi vào giờ đó là rất hiếm. Có thể đó là xe đưa đón Việt kiều của một gia đình trong vùng. Tuy nhiên, qua theo dõi, taxi không đi vào nhà dân mà bất ngờ phóng thẳng lên phía núi”, cựu cán bộ kiểm lâm nhớ lại.

“Về cái tên Lâm Nhi, sau khi hổ con được chuyển giao về Vườn thú Hà Nội, WWF tiến hành chiến dịch truyền thông, tổ chức một cuộc thi đặt tên cho con hổ được giải cứu ở Thừa Thiên - Huế. Một học sinh ở tỉnh Vĩnh Phúc đã giành giải nhất khi đặt tên cho hổ là Lâm Nhi, tức đứa trẻ của núi rừng”.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn

Ông Hùng dùng xe Cub 78 chở theo ông Minh tìm cách tiếp cận mục tiêu. Sau khi đến đỗ ở bến Bãi Mây nằm gần bìa rừng Phong Mỹ, xe taxi quay đầu trở ra hướng trung tâm huyện Phong Điền. Ông Hùng và ông Minh đón lõng taxi trên đường quay về, yêu cầu tài xế dừng phương tiện để kiểm tra.

Thật bất ngờ, trong xe có vị khách nam nài nỉ xin cho qua và lấy ra từ túi áo một chiếc nhẫn vàng để hối lộ. Hai cán bộ kiểm lâm kiên quyết từ chối. Trong xe taxi lúc này còn có 4 thanh niên lực lưỡng, mặt mày bặm trợn. Nhìn khẩu AK trên tay ông Minh, cả nhóm ngồi im. Rọi đèn pin kiểm tra bên trong thùng chứa đồ phía sau taxi, hai cán bộ kiểm lâm không khỏi ngỡ ngàng. Trước mắt họ là một cá thể hổ con và một con gấu ngựa còn sống.

Ngay sáng sớm hôm sau, hổ con được bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế để cứu hộ, chăm sóc. Riêng chú gấu ngựa bị chết vì kiệt sức. “Từ hôm hổ con bị đưa ra khỏi rừng, mấy đêm liền sau đó,người dân tại vùng Phong Xuân, Phong Mỹ thường xuyên nghe tiếng gầm rú ai oán, rờn rợn của hổ mẹ mất con vọng lên từ vùng Tam Dần”, ông Hùng nhớ lại.

Hổ Lâm Nhi và hổ con tại vườn thú Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đại Anh Tuấn

Hổ Lâm Nhi và hổ con tại vườn thú Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đại Anh Tuấn

Cũng theo ông Hùng, đối tượng mua bán, vận chuyển hổ sau đó đã phải hầu tòa, bị pháp luật xử nghiêm. “Hay tin hổ rừng xuất hiện gây chấn động, phóng viên nước ngoài, rồi đài truyền hình quốc gia đã liên tục tìm về Phong Điền để đưa tin, làm phim về “chúa sơn lâm”.

Cũng sau lần đó, vùng rừng Phong Điền hiếm khi có sự xuất hiện trở lại của hổ. Làm kiểm lâm thêm mấy mươi năm, tôi không còn được nhìn thấy hổ thêm lần nào nữa”, ông Hùng kể.

Xa rồi bóng hổ

Một năm trước khi diễn ra cuộc giải cứu “chúa sơn lâm” ở xã Phong Mỹ, kiểm lâm Thừa Thiên- Huế và giới nghiên cứu động vật hoang dã từng ghi nhận hổ xuất hiện ở vùng núi Phong Điền, nhất là khu vực xung quanh động Tam Dần.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế, kể rằng, cái tên động Tam Dần chẳng biết có từ bao giờ, nhưng theo các vị cao niên các xã Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Xuân (huyện Phong Điền), từ những năm 1980 trở về trước, người đi rừng vẫn thường xuyên thấy hổ xuất hiện tại khu vực này. Đây là một cái tên xa xưa ghi nhận sự có mặt của hổ tại rừng Phong Điền.

Bản thân ông Tuấn và nhiều nhà nghiên cứu động vật hoang dã nhiều lần đi “tầm hổ” phục vụ công tác bảo tồn đã bắt gặp dấu vết của “chúa sơn lâm”, cũng tại khu vực động Tam Dần. “Năm 1997, khi đi khảo sát ở vùng núi Phong Điền, đoàn chúng tôi ghi nhận hai dấu chân của hổ trưởng thành và hổ con. Theo đó, khu vực khảo sát có ít nhất 3-4 cá thể hổ, gồm hổ trưởng thành và hổ con. Riêng ở vùng động Tam Dần, theo truyền thuyết là động ba con cọp, khi khảo sát tại đây cũng ghi nhận có dấu vết của hổ”, ông Tuấn nhớ lại.

Hổ Lâm Nhi thời điểm được giải cứu. Ảnh tư liệu

Hổ Lâm Nhi thời điểm được giải cứu. Ảnh tư liệu

Là cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh từng kiêm điều phối viên Dự án bảo tồn hổ miền Trung Việt Nam (từ Kon tum đến Thừa Thiên - Huế) của tổ chức WWF, thời đó, ông Tuấn “liều” nhận chăm sóc cá thể hổ con được giải cứu ở Phong Mỹ.

“Từ kỹ sư lâm nghiệp, tôi trở thành bác sĩ thú y bất đắc dĩ. Tôi tìm cách liên lạc với hơn 20 chuyên gia trên thế giới về loài hổ để hỏi cách cứu chữa cho con vật. Sau 48 ngày chạy chữa, hổ con lành vết thương, bình phục hoàn toàn. Khi đó, phía Cục Kiểm lâm yêu cầu phải thả hổ về rừng. Trong khi, các chuyên gia thế giới về thú họ mèo đều khuyên nên từ bỏ ý định đó”, ông Tuấn kể.

Ông Tuấn cho biết, cuối năm 1998, thông qua vai trò trung gian của tổ chức WWF, con hổ “nhí” đã được chuyển giao cho Vườn thú Hà Nội chăm sóc. Hổ được đặt tên là Lâm Nhi. Vườn thú Hà Nội sau đó nuôi nhân giống thành công, hổ Lâm Nhi đẻ ra hổ con, tiếp đến là thế hệ hổ cháu.

Tuy nhiên, trong một trận dịch, hổ Lâm Nhi không may bị chết. Vườn thú Hà Nội đã lưu lại một khu chuồng gắn tên hổ Lâm Nhi để làm kỷ niệm.

Bí ẩn cổ tháp Chăm chìm dưới lòng đất TT-Huế

Tháp Chăm Phú Diên (huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) là công trình kiến trúc Chăm pa cổ đại được phát hiện mới nhất cho tới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Văn ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN