Chuyện ghi ở các chốt kiểm soát cửa ngõ TP HCM
Trong lúc dịch Covid-19 đang khiến cuộc sống của người dân TP HCM đảo lộn, những nghĩa cử cao đẹp của tổ công tác đang thi hành nhiệm vụ trực chốt kiểm soát khiến nhiều người cảm phục
Sáng 2-8, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại các chốt kiểm soát ở cửa ngõ TP HCM để ghi nhận công tác kiểm tra, giám sát người từ các tỉnh ra vào thành phố.
Cần người dân đồng lòng
Tại chốt kiểm soát dưới chân cầu Đồng Nai (giáp ranh giữa TP Thủ Đức và tỉnh Đồng Nai) do tổ công tác Đội CSGT Rạch Chiếc (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM) giám sát, lượng phương tiện ra vào khá đông.
Hầu hết những trường hợp có ý định rời khỏi TP HCM không xuất trình được các giấy tờ cần thiết như giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, giấy xác nhận của địa phương… đều phải quay đầu. Ở phần đường đối diện, một tổ công tác khác cũng yêu cầu hàng chục người từ các tỉnh, thành đi xe máy vào TP HCM không xuất trình được giấy tờ cần thiết phải quay ngược lại nơi cư trú.
Các chiến sĩ Tổ công tác Đội CSGT Rạch Chiếc vận động, thuyết phục người dân tại chốt kiểm soát dưới chân cầu Đồng Nai
Khoảng 12 giờ, tại chốt kiểm soát dưới chân cầu Vĩnh Bình (giáp ranh giữa TP Thủ Đức và tỉnh Bình Dương) do lực lượng Công an TP Thủ Đức, Đội CSGT Bình Triệu (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP HCM), Bộ Tư lệnh TP HCM… phối hợp kiểm tra, các cán bộ, chiến sĩ mặc đồ bảo hộ đứng giữa trời trưa nắng nóng. Thấy người về quê và lên TP HCM dồn đông ở chốt kiểm soát, một cán bộ trong tổ công tác tuyên truyền: "Mọi người hãy vì cộng đồng. Ai ở đâu thì ở yên tại chỗ. Rồi chúng ta sẽ vượt qua đại dịch!".
Một số trường hợp khi nghe tổ công tác giải thích còn có tỏ thái độ khó chịu, không chấp hành. Các CSGT mất rất nhiều thời gian để thuyết phục. Ở vị trí gần chốt, đại úy Nguyễn Văn Thủy, công tác tại Bộ Tư lệnh TP HCM, rất căng thẳng khi xử lý một trường hợp đi xe máy chở hàng cồng kềnh vào TP HCM.
Người đàn ông tên V. khi đến chốt kiểm soát không chịu xuất trình giấy tờ, ngồi trên xe máy dùng chiêu gọi điện cho vợ để đánh lạc hướng. Ông V. nói: "Em sắp sinh chưa? Anh không qua được chốt là căng lắm!". Đại úy Thủy đứng chờ người đàn ông "diễn kịch" xong rồi yêu cầu xuất trình giấy tờ để kiểm tra. Ông V. năn nỉ đại úy Thủy cho qua chốt để về nhà giải quyết công việc rất quan trọng. Sau khi xác minh thông tin không đúng sự thật, đại úy Thủy lấy con dấu đóng vào tay ông V. rồi đề nghị ông quay đầu. Theo đại úy Thủy, những người không đủ điều kiện để vào TP HCM đều bị tổ công tác đóng dấu mộc đỏ vào tay để xác nhận khi quay đầu lại tỉnh Bình Dương.
Ngày 31-7 và 1-8, tại chốt kiểm soát trên đường Phạm Văn Đồng do Công an TP Thủ Đức phối hợp với Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP HCM) chốt chặn, tổ công tác thấy 2 cô gái đi chung xe máy, chở đồ cồng kềnh nên yêu cầu dừng lại.
Chị N.T.H và T.T.D (cùng quê Nghệ An) kể đang làm công nhân ở quận Bình Thạnh, dịch Covid-19 bùng phát khiến cả 2 mất việc. Do không thể trụ lại TP nên chị H. và D. định về quê bằng xe máy. Nghe vậy, chiến sĩ CSGT giải thích cho chị H. và D. hiểu về quy định đối với người dân có nhu cầu rời TP HCM về quê. Khi CSGT yêu cầu quay đầu xe và dặn dò "ở chỗ nào thì ở yên chỗ đó", chị H. và D. ôm mặt khóc. Họ trình bày về hoàn cảnh khó khăn rồi năn nỉ tổ công tác tạo điều kiện để về quê. Các chiến sĩ trong tổ công tác đã góp hơn 500.000 đồng và 2 thùng mì tôm để hỗ trợ cho chị H. và D. quay lại phòng trọ.
Ở bên phần đường đối diện, thượng úy Trần Bảo Chung (Đội CSGT, Công an TP Thủ Đức) áo ướt đẫm mồ hôi đang đứng giữa trời trưa nắng nóng để tuyên truyền cho nhiều công nhân, sinh viên… định chở nhau về quê. Ngày đầu thành lập chốt (31-7), tổ công tác đã kiểm tra hàng trăm trường hợp chờ nhau về quê trên đường Phạm Văn Đồng. Khi được tuyên truyền, hầu hết người dân đều chấp hành, quay đầu xe trở về nơi cư trú.
Cũng theo thượng úy Chung, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở TP HCM khiến nhiều công nhân, sinh viên gặp khó khăn. Nhiều người vì quá bí bách đã lựa chọn con đường rời TP về quê trên những chiếc xe máy, thậm chí là xe đạp, bất chấp hiểm nguy có thể ập đến bất cứ lúc nào. Tổ công tác đã tuyên truyền cho các trường hợp chưa đủ điều kiện về quê hãy ở lại TP để được an toàn và tránh lây nhiễm dịch Covid-19.
Từ ngày 31-7 đến 2-8, Công an TP Thủ Đức phối hợp với Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn đã kiểm tra, yêu cầu hàng trăm trường hợp quay đầu do không đủ điều kiện để rời TP HCM về quê. Trong thời gian làm nhiệm vụ, các chiến sĩ Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn còn hỗ trợ một số trường hợp như: công nhân, sinh viên… bằng tiền, mì gói khi phải ở lại TP HCM.
"Tổ công tác đặc biệt" sau 18 giờ
Tối 30-7, phóng viên Báo Người Lao Động theo Tổ công tác 363 Công an TP Thủ Đức (TP HCM) đi làm nhiệm vụ tuần tra, xử lý những trường hợp ra đường không cần thiết từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau. Qua 18 giờ, đường Võ Văn Ngân, Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội, Lê Văn Việt… không có một bóng người trên đường.
Khoảng 22 giờ, Tổ tuần tra di chuyển trên đường Phạm Văn Đồng, sau đó vào đường Kha Vạn Cân. Khi đến gần chợ Thủ Đức, bất ngờ một chiếc xe tay ga do một nam thanh niên điều khiển từ phía sau lướt qua rất nhanh. Trước hành động kỳ lạ của nam thanh niên, tổ công tác liền tăng tốc đuổi theo. Đến ngã 3 Võ Văn Ngân - Đặng Văn Bi, tổ công tác yêu cầu thanh niên này dừng xe kiểm tra hành chính và giải thích lý do ra đường.
Thanh niên ấy là D.T.T.C. Anh dừng xe lại, rớm nước mắt trình bày anh đang ở trọ ở phường Hiệp Bình Chánh thì nhận được tin anh trai mới mất liền phóng xe về nhà trên đường Tân Lập, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức để nhìn mặt anh lần cuối.
Nghe câu chuyện đau buồn đó, tổ công tác liền hộ tống anh C. qua các chốt kiểm soát để về gặp người thân. Khi về đến căn nhà nhỏ nằm trong con hẻm trên đường Tân Lập, gia đình anh C. đang lo hậu sự cho người đã khuất, đại úy Nguyễn Duy Tiến thay mặt anh em trong tổ công tác gửi lời chia buồn đến gia đình anh C. rồi tiếp tục lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Anh C. trình bày với chiến sĩ tổ công tác 363 Công an TP Thủ Đức việc ra đường sau 18 giờ vì nghe tin anh trai mới qua đời
Rời nhà anh C., khoảng 22 giờ 50 phút, tổ công tác đi theo đường Võ Văn Ngân ra Quốc lộ 1. Khi đến chân cầu vượt Bình Phước, các chiến sĩ thấy anh N.V.N (SN 1990, quê Thanh Hóa) chạy xe với tốc độ cao theo hướng từ TP Thủ Đức về quận 12. Khi chặn được xe, tổ công tác phát hiện anh N. có uống bia rượu và mới bị lực lượng chức năng ở quận 12 lập biên bản vì lý do ra đường không thật sự cần thiết.
Anh N. giải thích lúc ăn cơm có uống 1 lon bia thì người bạn làm chung công ty ở quận 12 gọi điện nhờ giúp đỡ vì đang bị đau bụng. Anh N. lấy xe máy đi tìm tiệm thuốc tây để mua thuốc nhưng không nơi nào mở cửa. Anh làm liều chạy xe máy xuống TP Thủ Đức để mua thuốc cho bạn. Sau khi xác minh sự việc, tổ công tác chỉ nhắc nhở và yêu cầu anh N. mua được thuốc cho bạn thì về nhà ở yên tại chỗ.
Đưa người đi cấp cứu trong đêm Xuyên đêm làm nhiệm vụ, tổ công tác 363 còn hỗ trợ một số trường hợp đến các bệnh viện trên địa bàn TP Thủ Đức cấp cứu. "Từ khi áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường, người dân đều chấp hành nghiêm, chỉ một vài trường hợp ra đường do bất đắc dĩ. Trong một vài trường hợp đã cân nhắc xử lý "mềm mỏng" để tránh gây bức xúc cho người dân. Giúp đỡ người dân đều là trách nhiệm của chúng tôi" - đại úy Nguyễn Duy Tiến, tổ công tác 363 Công an TP Thủ Đức bộc bạch. |
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Y tế vừa thông tin về 4.267 ca mắc COVID-19 ghi nhận trong nước, trong đó TP.HCM có 2.365 ca.