Chuyện đời thương lái gỗ sưa

Khi thông tin về cây sưa ở rừng Phong Nha (Quảng Bình) bị xẻ thịt đang còn nóng hổi chúng tôi tìm gặp những thương lái một thời ngang dọc “ăn nằm với sưa”.

Họ bảo không phải bây giờ mà cả chục năm trước các cuộc lùng sục, mua bán gỗ sưa đã diễn ra tận trong rừng thẳm. Những cuộc đấu giá chóng vánh, thậm chí tìm cách hạ thủ, thanh toán nhau để hòng độc chiếm lô hàng tiền tỉ.

Lô gỗ sưa và ba mạng người


Chẻ ra một mảnh sưa nhỏ, thương lái sưa một thời K.V.H. (hiện sống trên đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cầm chiếc bật lửa Zippo đốt lên, mùi khói tỏa ra thơm phức.

Rồi ông H. kéo ra dưới chân cầu thang hai khúc gỗ sưa dài hơn 1m, nặng chừng 15kg nói: “Cả đời buôn sưa nhưng rồi chẳng có gì để lại nên giữ hai khúc gỗ sưa như một kỷ vật. Mấy bữa nay chuyện gỗ sưa nóng lắm. Các tay săn lùng gỗ sưa biết tôi nên liên tục tìm đến hỏi “còn hàng không?”, rồi hô với giá cực hấp dẫn nhưng tôi lắc đầu”.

Bà L., vợ ông H., kể hơn tuần nay, liên tục có nhiều khách lạ tới trước cổng nhà bấm chuông đòi gặp ông H.. Vì vậy, bà L. phải giấu hai khúc gỗ sưa và cứ đóng cửa ở yên trong nhà cả ngày.

Chuyện đời thương lái gỗ sưa - 1

Ông K.V.H. (trái) - một trong những thương lái gỗ sưa có “số má” ở miền Trung

Cầm khúc gỗ sưa trên tay, ông H. bảo ngày đầu của nghiệp thương lái, ông không “chơi” với sưa mà là một thứ gỗ khác. Nhưng độ năm 2003, ngày “rẽ vào đường sưa” thì số phận ông thay đổi hẳn. Ở “con đường sưa” cuộc đời ông và người thân cũng thăng trầm vui buồn theo những chuyến “đánh” hàng. Ông chứng kiến bao cuộc giành giật, chém giết đến kinh hoàng.

Theo ông H., không giống như các nghề buôn khác, giới buôn gỗ sưa muốn tìm hàng phải vào tận rừng sâu.

“Năm 2005 là thời điểm giá sưa lên đến mức đỉnh điểm. Người người, nhà nhà kéo nhau đi tìm sưa. Vùng rừng núi Lào ở khu vực đường biên giáp với VN là nơi có nhiều sưa nhất. Nhưng vào thời điểm đó, các bộ tộc Lào sinh sống trong rừng mới chỉ biết đó là một thứ gỗ quý chứ chưa nhận ra giá trị thực của nó. Vì vậy, nếu giới thương lái sưa nào đánh được lô hàng là kiếm vài chục tỉ - ông H. kể - Chúng tôi qua Lào, vào tận vùng núi sâu, nhờ các chân rết hướng dẫn người dân vào rừng chặt từng khúc sưa nhỏ. Để tránh sự kiểm soát, số gỗ trên được đưa về cất giấu trong nhà dân. Có gỗ rồi nhưng để đưa hàng ra khỏi rừng là khâu khó nhất. Trước tiên, thương lái phải bỏ tiền lót đường để chính quyền sở tại phớt lờ đi. Tiếp đến là làm sao phải giữ được bí mật với các thương lái khác. Bởi vì chỉ có thương lái mới biết được lô hàng giá trị đến cỡ nào. Thương lái luôn giấu mặt và đưa đàn em ra tay bất cứ lúc nào để “cướp” được lô hàng tưởng chừng đã ở trong tay của mình”.

Theo ông H., đời buôn sưa sợ nhất là lô hàng không được giữ bí mật trên đường vận chuyển. Vì chỉ cần thông tin bị lộ, các thương lái khác sẵn sàng cho đàn em chặn đường cướp hàng. “Đó là một buổi sáng khủng khiếp. Tất cả thương lái sưa đều biết người dân địa phương đang gom được một lô hàng lớn. Nếu ai “chụp” được lô hàng này thì dễ dàng bỏ túi cả trăm tỉ đồng. Vì vậy, cuộc tranh giành giấu mặt diễn ra hết sức căng thẳng.

Lúc đó, trời vừa lộ sáng chúng tôi vào một quán bên đường giả bộ ngồi ăn sáng. Vừa ngồi chưa nóng chỗ bất ngờ có hai đoàn xe chạy đến đỗ xịch trước quán. Biết cuộc chạm trán căng thẳng, tôi bảo anh em lùi ra sau quán, bỏ xe, rút lui tránh đạn. Khi chiếc xe chở hàng trong núi vừa ra, từ trên xe hai băng nhóm bắt đầu nã đạn AK vào nhau. Cướp được lô hàng nhưng gần chục người bên nhóm kia gục ngã. Mấy tên đầu đảng nhanh chóng tuồn hàng ra khỏi rừng. Công an đến đưa người đi cấp cứu nhưng có ba người bị chết. Chúng tôi sau đó cũng bị vây bắt. Sau ba ngày thẩm tra, khi biết nhóm chúng tôi không phải là thủ phạm, cơ quan công an thả cho về”.

Sau này ông H. mới biết ba người bị sát hại hôm đó là dân gốc Quảng Trị sống ở Lào nhiều năm, chuyên làm nghề “đánh” sưa từ Lào về Đông Hà (Quảng Trị).

Rút lui kịp thời

Chuyện đời thương lái gỗ sưa - 2

Ông K.V.H. với khúc gỗ sưa mang từ Lào về

Sau ngày thoát thân trong cuộc vây ráp ở biển Cửa Lò (Nghệ An), thương lái sưa T.V.T., hiện sống ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), lặng lẽ bỏ nghề. Ông kể sau những “chuyến đi biền biệt”, ông kiếm được hơn 400 lượng vàng (năm 1999).

Ông T. tâm sự đời buôn sưa của ông cũng gian nan, có cả nước mắt, máu nhưng ông đã may mắn hơn một vài người khác là vì thoát chết và sớm rút khỏi cuộc chơi. Ông bảo nhờ sớm rút lui nên giờ mới có được “chút” tài sản là chục miếng đất và xây bốn biệt thự cho thuê ở khắp Đà thành.

“Hồi đó tôi cũng là dân buôn gỗ, chủ yếu “đánh” hàng ở vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ở vùng Mèn (Quảng Nam) có một khu rừng sưa vài ngàn cây. Người đồng bào gọi cây sưa là tà khiêu và họ chỉ biết tà khiêu là một loại gỗ chắc, cứng và thơm. Người đồng bào thường kiếm tà khiêu về làm bàn thờ, trụ nhà hay đóng giường tủ. Chỉ đến khi tin gỗ tà khiêu có giá thì các bản làng mới phá nhà mang sưa ra bán. Suốt bảy năm trời, tôi và các cộng sự đã “đánh” trót lọt 17 chuyến hàng ra Bắc. Nhưng đúng là “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Mình lời một trăm thì phải “đút” cho giới gác cửa gần phân nửa chúng mới cho gỗ ra khỏi rừng. Đó là chưa kể lô hàng của mình lúc đang vận chuyển bị theo dõi rồi bị giang hồ đánh cướp. Giữa núi rừng chỉ biết chạy thoát thân” - ông T. bảo.

Hôm tôi đến ông T. dẫn vào nhà, mang ra ba bốn khúc gỗ sưa sần sùi. Ông nói giờ tiền bạc cũng rủng rỉnh, nhưng mua được khúc gỗ sưa như thế này không phải dễ.

Có một câu chuyện giờ kể lại ông vẫn xuýt xoa tiếc rẻ. Sau khi “gác kiếm”, ông mang về 14 khúc gỗ sưa nặng hơn một trăm cân. Ông giấu số gỗ này trong kho cùng với một số loại gỗ khác.

“Không ngờ mấy đứa con tôi nó báo hại. Hôm có thằng trong xóm tổ chức ăn liên hoan đi bộ đội, cả bọn nó mua một con bò về làm. Không có củi nướng, thế là nó về nhà lấy mấy súc gỗ trong kho chẻ ra nướng bò. Vài ngày sau khi tôi tình cờ mở kho mới phát hiện. Gỗ đã cháy thành tro trắng xóa. Mất của mà lại giấu không dám nói cho ai biết. Tính sơ sơ để nướng con bò ấy thằng con tôi đã đốt cả gần 3 tỉ đồng đó chú. Lấy của rừng, thôi thì phải trả lại cho rừng”, ông T. vừa nói vừa cười.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Khá - Đăng Nam (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN