Chuyện "Đội quân đầu trọc" thề giải phóng Điện Biên

“Khi chiến trường Điện Biên Phủ đang vào giai đoạn ác liệt nhất, Tổng tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đi thị sát chiến trường thấy có một Đại đội bộ đội ta đầu cạo trọc thì hỏi xem có bị tư tưởng gì không? Tôi trả lời cạo trọc đầu thề giải phóng Điện Biên. Nghe thế, vị Tổng tư lệnh vui lắm liền chỉ vào tôi nói đùa: Chú là Đại đội trưởng đầu trọc”- Trung tướng Lê Nam Phong - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 225, Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, tham gia chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ nhớ lại...

56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm

Căn nhà của Trung tướng Lê Nam Phong ở phường Bình Thọ, quận Thủ Đức (TP HCM) những ngày này khá bận rộn bởi bạn bè đến thăm. Cứ tưởng sẽ rất khó để gặp, nhưng khi điện thoại đến, Trung tướng vui vẻ dành cho PV Báo Giao thông cả một buổi chiều để trò chuyện. Năm nay 88 tuổi, cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn giữ được dáng vẻ đĩnh đạc của một vị tướng chỉ huy trận mạc ngày nào. Giọng nói sang sảng khi kể về những chiến công cách đây 60 năm.

Chuyện "Đội quân đầu trọc" thề giải phóng Điện Biên - 1

 Trung tướng Lê Nam Phong (trái) trong một lần trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trung tướng Lê Nam Phong tên thật là Lê Hoàng Thống, sinh ngày 19/5/1927, tại Quỳnh Lưu, Nghệ An trong một gia đình nông dân nghèo. Mười bảy tuổi, ông đã tham gia Vệ quốc đoàn. Năm 1948, sau khi được kết nạp Đảng, ông được điều ra Việt Bắc. Đến năm 1949, ông về Sư đoàn 308 với vai trò là Đại đội trưởng Đại đội 225, Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Ông đã từng tham gia tất cả các trận đánh lớn như: Chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Hòa Bình 1951, chiến dịch Tây Bắc 1952, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng.

Căn phòng nhỏ trên gác ông dành để trưng bày những huân, huy chương và tài liệu về một thời binh nghiệp của mình. Lật lại những trang ký ức, những tấm ảnh chụp với đồng đội ngày trở lại Điện Biên trong ông như trào lên những cảm xúc không thể nào quên. Ông kể: Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên, đại đội của ông được giao nhiệm vụ đánh vòng ngoài để tạo vùng đệm cho công binh mở đường vận chuyển lương thực, súng đạn. Càng đánh càng siết chặt vòng vây quân địch ở Điện Biên Phủ.

Hỏa lực của địch quá mạnh, nên bộ đội ta phải đào giao thông hào để chiến đấu. Tất cả các hoạt động từ chiến đấu, vận chuyển lương thực, cứu thương đều chuyển xuống dưới giao thông hào. Mỗi chiến sĩ phải tự khoét một “hàm ếch” trong chiến hào để ngồi trú đạn. Lương thực lúc đó cũng chỉ có cơm nắm, muối vừng. Rồi những khi trời mưa như trút nước, chiến hào nước chảy thành ao, các chiến sĩ phải đào đất đắp cửa miệng “hàm ếch” ngăn không cho nước vào. Nhưng cũng có khi mưa lớn vỡ cả cửa hầm, chiến sĩ ta quần áo, tóc tai bê bết bùn đất. Câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…” đã khắc họa phần nào cuộc chiến gian khổ của chiến sỹ Điện Biên ngày đó.  

Chuyện "Đội quân đầu trọc" thề giải phóng Điện Biên - 2

Những kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được “Đại đội trưởng đầu trọc” giữ gìn

“Đại đội đầu trọc” quyết giải phóng Điện Biên

Áo quần lấm lem, đầu tóc bê bết đất, Đại đội trưởng Lê Nam Phong là người đầu tiên tự cạo trọc đầu của mình. Ông kể: Tôi chỉ nghĩ đơn giản là cạo trọc đầu cho sạch, tránh chấy, rận. Sau đó toàn đại đội ai cũng làm theo. Trời Mường Thanh tháng Ba mưa dầm dề. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, hai bên chiến đấu giành nhau từng quả đồi, từng mét đất. Lòng quân lúc này bắt đầu xuất hiện những tư tưởng bi quan. Nhiều người nhìn thấy cả đại đội cạo trọc đầu nghĩ chắc là có vấn đề gì về tư tưởng.  

Sáu mươi năm đã trôi qua, “Đại đội đầu trọc” gần 100 người năm xưa giờ còn lại chừng 10 người. Họ vẫn thường liên lạc để động viên nhau, có điều kiện thì về thăm lại chiến trường xưa, thắp nén nhang cho những đồng đội đã hy sinh. Với Trung tướng Lê Nam Phong, biệt danh “Đại đội trưởng đầu trọc” khiến ông tự hào nhất. Bởi cái tên đó không chỉ gắn với chiến thắng của một cuộc chiến “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà còn là biệt danh được người Anh Cả - vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho.

Đúng vào thời điểm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thân đến chiến trường động viên bộ đội. “Nhìn thấy tôi, Đại tướng hỏi tại sao cả Đại đội lại cạo đầu trọc như thế?”. Tôi liền trả lời: “Thưa Đại tướng, chúng tôi cạo trọc đầu thề quyết giải phóng Điện Biên Phủ”. “Đại tướng nghe vậy vui lắm. Tinh thần anh em phấn chấn hẳn lên”, Trung tướng Lê Nam Phong kể. Cái tên “Đại đội đầu trọc”, “Đại đội trưởng đầu trọc” được Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đặt tên từ đó.

Khí thế quân đang lên, Sư đoàn 308 được lệnh siết chặt phía Tây để đánh đồi Độc Lập. Đồi Độc Lập có độ cao chừng 100m, địch cho bố trí xung quanh nhiều hàng rào dây kẽm gai bao bọc, bên trong xây nhiều lô cốt và chiến hào ngang dọc như bàn cờ. Bộ đội ta ngày thì đào hào, đêm thì chiến đấu. Đúng 0h ngày 14/3/1954, các mũi tiến công được lệnh nổ súng.

Dưới sự chỉ huy của Trung tướng Lê Nam Phong, “Đại đội đầu trọc” với phương châm “vây, lấn, tấn, diệt” thọc sâu vào trận địa của địch. Có những chiến sỹ như Nguyễn Quốc Ân, Nguyễn Văn Tí dù bị thương cũng xung phong mang bộc phá xông lên phá hàng rào để bộ binh tiến vào hầm chỉ huy đồi Độc Lập. Sáng ngày 15/3, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” với những vết đạn lỗ chỗ đã tung bay trên đỉnh đồi Độc lập. “Đại đội đầu trọc” tiếp tục với sứ mệnh cùng các đơn vị khác thọc sâu vào sở chỉ huy của tướng địch De Castries. Đến chiều 7/5, khi “Đại đội đầu trọc” thắt chặt vòng vây, cách sở chỉ huy của địch chừng 300m thì các chiến sĩ của Sư đoàn 312 tiến vào Sở chỉ huy bắt sống De Castries. “Đêm đó là một đêm không ngủ với tất cả các chiến sỹ Điện Biên. Lần đầu tiên sau gần 2 tháng trời ở dưới chiến hào chiến sỹ ta được ăn cơm nóng, ngủ trên mặt đất. Một cảm xúc đến giờ tôi vẫn còn nhớ mãi”, Trung tướng Lê Nam Phong chia sẻ. 

Tấm lòng với Người anh cả

Chiến thắng Điện Biên Phủ trở về, Trung tướng Lê Nam Phong lại tiếp tục lên đường vào Nam đánh Mỹ. Từ biệt danh “Đại đội trưởng đầu trọc” ông có thêm nhiều biệt danh khác như: Nam “Lửa”, Nam “Bình toong”, Nam “Hỏa lực”. Từ đại đội trưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã thành Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 đưa quân về giải phóng Xuân Lộc rồi tiến vào giải phóng Sài Gòn tháng 4/1975.

Trải qua nhiều vị trí khác nhau, nhưng biệt danh “Đại đội trưởng đầu trọc” với ông như là một kỷ niệm không thể nào quên. Năm 1979, ông ra Hà Nội tiếp nhận nhiệm vụ Tư lệnh Quân đoàn 1 và đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Mới thấy tôi, Đại tướng đã tươi cười nói: Chú là “Đại đội trưởng đầu trọc” hồi ở Điện Biên phải không?”. “Cảm xúc của tôi lúc đó rất nghẹn ngào. Không ngờ vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn nhớ từng chi tiết, từng chiến sỹ như thế thì hỏi ai mà không yêu Người anh cả của mình!”, Trung tướng Phong xúc động nhớ lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Tư (Giaothongvantai.com.vn)
60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN