Chuyện đời ông lão “cướp cơm hà bá”

Một ngày đầy nắng và gió, chúng tôi ghé thăm nhà ông lão được mệnh danh là người "cướp cơm hà bá" ở chân cầu Long Biên, nghe ông trải lòng về chuyện đời, chuyện tình.

Đó là ông Nguyễn Văn Thành, từng là một cư dân tiêu biểu của xóm chài bãi Phúc Xá, phường Phúc Xá, quận Ba Đình vì đã có "thành tích" vớt nhiều xác người trên sông Hồng. Gần nửa đời người gắn bó với nghề "trần gian có một", ít ai ngờ ông lão gàn dở này lại có một mối tình "nhiều chuyện để kể" đến thế...

Từ “đại ca” ba chòm thành người vớt xác

Rít một hơi thuốc lào thật sâu, đôi mắt buồn buồn nhìn xa xăm qua khung cửa, ông Nguyễn Văn Thành bắt đầu kể. Ông tên thật là Quách Văn Mậu, sinh năm 1936, là người dân tộc Mường, quê gốc ở huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Cuộc đời xô đẩy, ông từng vào Nam tham gia lính chế độ cũ, từng được chính quyền cách mạng đưa đi học tập cải tạo trong nhiều năm.

Sau bao sóng gió cuộc đời, ông Thành trở về quê, đứng ra quản lý một khu vực đào vàng ở Cẩm Ngọc, Thanh Hóa. Ông kể về cái thời "hoàng kim" bằng một giọng pha chút nuối tiếc: Hồi ấy, ông để tóc ba chòm như trẻ con ngày xưa vẫn để tóc trái đào nên người ta gọi ông là "đại ca ba chòm", gọi hang vàng ông trông coi là "hang vàng ba chòm".

Lúc đó, ông nổi tiếng, uy danh một vùng, có hàng chục đệ tử, ai cũng biết tiếng. Người tới Cẩm Ngọc đào vàng nhiều nhưng dưới tay ông, mọi việc đều vào khuôn phép. Trong rừng ngoài xới ai cũng tín nhiệm đại ca ba chòm. Ông làm đại ca ở bãi vàng chừng một năm thì bỗng một hôm, hang vàng sập, anh em bị chôn vùi dưới đống đất đá. Lo sợ bị truy cứu trách nhiệm, ông bỏ về Hà Nội kiếm sống, trong người không một xu dính túi.

Chuyện đời ông lão “cướp cơm hà bá” - 1

Ông Nguyễn Văn Thành và vợ

Bước chân đến đất Hà thành, đoạn tuyệt chốn giang hồ "rừng thiêng nước độc", ông bắt đầu tìm cuộc sống mới. Không gia đình, không tiền bạc, không anh em bạn bè, hàng ngày ông Thành lang thang nhặt rác kiếm sống và lấy gầm cầu, vỉa hè làm nhà.

Đến năm 1969, ông Thành gặp bà Nguyễn Thị Thúy, sau này trở thành vợ ông. Bà quê ở Thái Thụy (Thái Bình), nhà nghèo, mẹ mất sớm, bố lấy vợ hai. Sống cảnh con chồng mẹ ghẻ chẳng khác gì cơm khê gạo sống.

Hàng ngày bà Thúy bị mẹ ghẻ mắng mỏ, bắt làm hết mọi việc và bị đánh chửi không thương tiếc. Gái đến thì, bà cũng là người có nhan sắc, lại đảm đang, chăm chỉ nên cũng có nhiều người để ý. Tuy vậy, lúc nào mẹ ghẻ cũng soi mói mắng mỏ, khiến bà xấu hổ chẳng dám nói chuyện với ai. Ít lâu sau, mẹ kế ép bà lấy người bà không ưng, cưỡng lại không được, bà bỏ nhà ra đi.

Lang thang giữa phố phường Hà Nội, không người thân thích, bà đi nhặt rác. Thấy người ta mò cua bắt ốc đem bán, cũng bám theo kiếm cái ăn cái mặc. Rồi duyên phận cho hai ông bà gặp nhau, gọi nhau về sống chung (theo như lời ông bà nói). Những người cùng cảnh ngộ thường dễ thông cảm cho nhau.

Bà Thuý cười, bảo: "Ngày ấy ông to cao, da trắng, đẹp trai. ông ấy nói đùa rằng mới 20 tuổi, nhưng thực ra ông đã hơn 30 rồi". Ngày 26/9/1969 được ông khắc lên cánh tay đánh dấu, để nhớ mãi cái ngày ông bà về ở với nhau, ngày ông có "một gia đình", chấm dứt những ngày đơn côi, buồn chán.

Khi hai người về ở với nhau, con cái không có, vốn liếng làm ăn cũng không. ông bà lại tiếp tục mò cua bắt ốc, nhặt rác mưu sinh ở những khu chợ, bãi ven sông. Hồi đó, hai ông bà nhặt rác mỗi tuần chỉ kiếm được 7 - 8 chục nghìn, mỗi ngày nhiều lắm cũng chỉ được 20 nghìn.

Khoảng chục năm sau ông bà chuyển về bãi Phúc Xá sinh sống, được mọi người giúp đỡ dựng một "ngôi nhà nổi" trên sông vào năm 1997, trở thành cư dân đầu tiên của xóm nổi này. Dù chỉ là tạm bợ nhưng ông bà không phải lang thang nấu cơm bằng ống bơ, tối ngủ gầm cầu. Cũng từ đây, ông làm thêm một việc "trần gian có một". Đó là  "nghề" vớt xác.

Một mái lều tranh

Gần nửa đời làm "nghề" vớt xác, ông Nguyễn Văn Thành không nhớ rõ đã vớt bao nhiêu xác người, cũng coi như là  "cướp cơm của hà bá". Có một "phi vụ" khiến ông không thể quên. Cách đây 6 năm, một sinh viên tên Sơn, quê ở Quảng Ninh cùng một nhóm sinh viên thường xuyên xuống bãi Phúc Xá này tình nguyện dạy học cho bọn trẻ. Ông bà quý mến Sơn nên nhận anh làm con nuôi.

Một hôm, anh Sơn xuống sông tắm nhưng không may bị nước cuốn. Nghe tiếng người kêu cứu, ông Thành nhảy xuống ngay nhưng không sao với tới được người anh Sơn.

Sau đó, ông  phải nhờ người giăng lưới mới tìm thấy xác anh. Bà bảo, anh Sơn mới ở nhà ông, quần áo còn treo đó mà người đã không còn nên ông bà thương lắm.

Ông tâm sự: "Tôi làm việc này cũng chẳng mong mỏi người ta trả ơn hay để ai biết tiếng, chỉ gọi là làm phúc, ai nỡ để người ta chết trôi nổi như thế. Cuộc đời ông nhiều lầm lỗi, bây giờ làm việc này cũng coi là để chuộc lại những lỗi lầm ngày xưa. Sống nghèo khổ một chút nhưng trong lòng thanh thản, tâm hồn nhẹ nhõm, vui vẻ".

Từ ngày có báo đài đến đưa tin viết bài, nhiều người hỏi về đời tư của mình, ông không muốn gợi lại những quá khứ đã qua, nên giấu biệt. ông không muốn nghĩ về những chuyện quá khứ đau buồn, về quãng đời lầm lỗi, ông muốn một cuộc sống bình yên.

Nghe tiếng chúng tôi gọi, đang bì bõm dưới sông kéo con thuyền ra xa bờ cho khỏi mắc cạn, ông Thành nhanh nhẹn nhảy lên bè đưa chúng tôi xuống nhà. Gần tám mươi tuổi nhưng trông ông vẫn còn tráng kiệt, cơ thể săn chắc như lực điền. Định vị cho cái bè khỏi lắc lư, ông trèo lên nhà thay quần áo.

Từ "căn buồng" đi ra, ông mặc cái quần xa - tanh đen của bà lão cười hóm hỉnh: "Cũng đẹp đấy cô chú nhỉ? ". Bà lão xéo mắt nhìn ông nói: "Cái ông già này, sao lại mặc thế, các cháu nó cười cho". Hai ông bà nhìn nhau cười, đôi mắt đầy vết chân chim nhưng vẫn ánh lên niềm hạnh phúc.

Ông kể: "Chúng tôi tự nguyện ở với nhau nên thông cảm cho nhau. Cả hai người cùng cảnh ngộ, phải biết đùm bọc nhau mà sống. Chỉ tội bà lão mắc bệnh hay uống rượu, có lần trốn tôi uống rượu say quá chẳng biết gì. Tôi bực mình quăng xuống sông, rồi lại phải nhảy xuống vớt lên". Cũng tại cái số hai ông bà lận đận, lấy nhau rồi mà chẳng có con cái, quê hương họ hàng ở xa, nhiều lúc cũng buồn.

Bà lão bảo: "Tại u buồn nên u mới uống rượu, uống từ hồi còn trẻ nên cũng chẳng biết nghiện từ bao giờ. ông lão thì không rượu bia gì nên u toàn phải uống trộm thôi".

Từ sau Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, hai ông bà chuyển lên bến phà Đen. ít lâu sau, một người trồng chuối trên bãi phà Đen thuê hai ông bà trông nom vườn cho họ. Người chủ này dựng cho ông bà một cái lều ngay trong vườn chuối để tránh nắng mưa và cũng tiện cho công việc.

Sau mười lăm năm lênh đênh sóng nước, cuối cùng ông bà cũng được đặt chân lên mặt đất. Tuy chẳng phải nhà mình song cũng còn tốt hơn trôi nổi trên mặt nước. Thỉnh thoảng nhớ nghề, ông bà lại xách bao xách xiên đi dọc bờ sông Hồng nhặt nhạnh những thứ trôi dạt.

Ông lão tâm sự: "Cuộc sống của ông bà giờ cũng đã tạm ổn, không phải lo chạy kiếm miếng ăn từng bữa, cũng chẳng còn sợ sóng to gió cả ngoài sông nữa".

Trong nắng chiều, giữa mênh mông sông nước, ông Thành ngồi đó, đưa tay xoa xoa mớ tóc ngắn cũn, rít điếu thuốc lào, cười sảng khoái như quên đi những tháng năm vất vả, lần hồi... 

Cái xóm nổi do ông bà gây dựng bây giờ trở thành khu dân cư đông đúc, nơi hội tụ của những người cùng cảnh ngộ. Nơi đây có khoảng hơn 15 hộ cũng có nhà nổi như vậy. Nhà có hai ông bà nhưng lúc nào cũng ngập tiếng cười vì thường có sinh viên tình nguyện hay khách du lịch xuống đây chơi. Chẳng có gì tiếp đón, ai muốn thử cảm giác thư thái, ngao du uống rượu trên sông thì mua đồ tới nhà ông nấu nướng, cơm gạo lúc nào cũng sẵn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN