Chuyện đời những nữ phu gạch ở “vương quốc gạch nung”
Trong nhiều nghề, phận nữ nhi có lẽ sẽ được ưu ái hơn nam, nhưng với nghề phu gạch, đó gần như là một điều xa xỉ. Dưới cái nắng như cháy da cháy thịt, những người phụ nữ mồ hôi nhễ nhại đang còng lưng phu gạch để đổi lấy miếng cơm, manh áo.
Vương quốc gạch đỏ vang bóng một thời
Nằm san sát nhau, những lò gạch nung với sắc đỏ đặc trưng hiện ra nhưng những tòa tháp thu nhỏ. Dọc theo các con sông tại huyện Long Hồ và huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long có hàng ngàn lò gạch nung như thế. Người ta gọi những làng gạch nằm ven sông này là "vương quốc gạch nung". Trong đó xã Nhơn Phú và Mỹ An, huyện Mang Thít là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất gạch nhất. Những lò gạch ở đây có tuổi đời trên trăm năm, không chỉ nổi tiếng nhất vùng ĐBSCL và còn vươn ra thế giới.
Nhiều năm trước, ở xứ này, khi nghề làm gạch truyền thống còn thịnh vượng, mỗi nhà sở hữu vài miệng lò. Những khi vào mùa, các lò đều đỏ lửa. Những lò gạch nằm san sát nhau, nhìn từ xa giống như một tiểu vương quốc với hàng trăm tòa lâu đài thu nhỏ. Khi hệ thống lò hiện đại chiếm ưu thế, lò gạch truyền thống cũng dần dần bị "thất sủng". Số lò đỏ lửa giờ cũng chỉ hoạt động cầm chừng, thu nhập của những người làm nghề từ đó cũng trở nên bấp bênh.
Giữa cái nắng của những ngày tháng 9, men theo con đường nhựa khang trang chúng tôi ghé thăm lò gạch của chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh (ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long). Dù chỉ mới 36 tuổi, nhưng nữ chủ lò này cũng có thâm niên gần 20 năm trong nghề.
Ngày trước chị Trinh lập gia đình ở độ tuổi đôi mươi, chị về xứ này làm dâu rồi được gia đình bên chồng truyền nghề. Từ một người tay ngang, giờ đây dù ở bất cứ công đoạn nào, từ làm mê (tức là cho đất lên băng chuyền để máy ép thành khuôn), cắt gạch thành viên, cho đến phu gạch,… tất thảy chị điều nằm lòng.
Các nữ phu gạch nhọc nhằn bên các lò gạch. Ảnh: Mai Anh
"Hồi xưa vừa chụm lò chạy cối thu nhập 2-3 đầu. Còn giờ, 1-2 tháng có khi 2-3 tháng mới đốt 1 lần nên nam giới thường chọn đi làm xứ khác, nếu không thì đi làm công ty hết rồi. Một người làm công đoạn chạy gạch, chạy thẳng hết không bị trục trặc gì, thì được khoảng 70.000 đồng. Gia đình 2 vợ chồng 2 đứa con không đủ trang trải". Chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh |
Vừa bế miệng lò để chuẩn bị đốt một mẻ gạch mới, lau vội mồ hôi trên chán, chị Trinh kể: "Nghề lò (nung gạch) này phát triển đã lâu rồi, chị về đây lập gia đình đã 20 năm thì nó đã có trước đó. Khoảng 5-10 năm nay, lò làm ăn không được như hồi trước nữa, một phần do các lò liên hoàn nổi lên, phần nữa là do trấu bị các công ty xuất khẩu hút quá nên đốt không có lời như ngày trước. Cũng vì lẽ đó, mà số lò còn cầm cự được đến giờ cũng chỉ là con số ít".
Sở hữu 5 miệng lò, thế nhưng vài năm trở lại đây, số lò đỏ lửa tại nhà chị Trinh cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Có khi 2-3 tháng mới nổi lửa một lò. Nguyên liệu đắt đỏ, trong khi lượng gạch làm ra cũng khó cạnh tranh, cũng vì lẽ đó mà cánh mày râu xứ này với gánh nặng cơm áo gạo tiền đã không trụ nổi với nghề.
Chỉ tay về dãy nhà trọ đã đóng cửa nhiều năm nay, vừa ngậm ngùi vừa bồi hồi chị Trinh nói: "Dãy nhà trọ đó, trước đây đông nghẹt. Đa phần cho bà con theo nghề lò nhưng ở xa. Hồi xưa vừa chụm lò chạy cối thu nhập 2-3 đầu. Còn giờ, 1-2 tháng có khi 2-3 tháng mới đốt 1 lần nên nam giới thường chọn đi làm xứ khác, nếu không thì đi làm công ty hết rồi. Một người làm công đoạn chạy gạch, chạy thẳng hết không bị trục trặc gì, thì được khoảng 70.000 đồng. Gia đình 2 vợ chồng 2 đứa con không đủ trang trải".
Những phận đời nhọc nhằn
Cũng có lẽ vì vậy, mà giờ đây khi đến những lò gạch này, chúng tôi không khó để nhận ra rằng đa phần các chị, các cô sẽ đảm trách hết mọi công đoạn. Có lẽ, như đã thành thói quen, chẳng ai bảo ai, mỗi người đảm trách một công đoạn để cho ra những viên gạch đúng chuẩn.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, chị Nguyễn Thị Hồng Loan (1980, ngụ xã Nhơn Phú, Huyện Mang Thít) cho biết: "Đa số nhân công làm tại lò gạch điều là phụ nữ, tuổi đời ngoài 30. Dù công việc khá nhọc nhằn, nhưng cũng nhờ cái nghề này mà chị cũng như nhiều chị em phụ nữ ở xã này có thu nhập, không phải tha phương cầu thực, nhất là đối với những gia đình không có ruộng đất. Riêng nhà chị, đa phần các chị em trong nhà đều theo nghề này đã hơn chục năm nay".
Dù ở bất cứ công đoạn nào, nhưng khi bắt tay vào việc thì các chị chẳng thua gì các chú, các anh. Ảnh: Mai Anh
"Hồi xưa ở đây cha mẹ làm rồi tôi làm theo. Lúc mới làm thì mình thấy nó nặng, nhưng từ từ rồi cũng thấy quen. Hơn nữa, tôi nghĩ ở đây mình vừa đi làm vừa đưa con đi học, thuận tiện làm việc nhà, nên tôi chọn gắn bó với nghề", chị Loan bộc bạch.
Có lẽ, có nhiều lý do để các chị chọn nghề phu gạch ở xứ này, có người theo chồng về đây để lập nghiệp rồi dần bén duyên với nghề, có người chọn nghề vì miếng cơm manh áo. Nhưng chung quy, có thể là do nghề chọn người.
Một lò gạch thường cao tầm 12m, gạch được nung bằng trấu với quy trình kiểm tra, canh lửa rất cẩn trọng, để đảm bảo gạch "chín" vừa đúng. Công việc tại các lò gạch rất vất vả, thường bắt đầu từ 7h sáng đến 16h chiều. Các chị phải gồng mình ngoài nắng nóng để chất gạch đem phơi, mặt đỏ bừng, nám đen vì nắng táp.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Huỳnh Như (ngụ xã Nhơn Phú) chia sẻ: "Nghề này tuy không cần kỹ thuật nhưng phải có sức khỏe tốt và kiên trì. Mỗi ngày chúng tôi phải làm liên tục từng khâu để cho ra hàng ngàn viên gạch, rồi bốc vác đem phơi, đem vô lò... Với những người làm quen rồi thì đỡ, chứ ai mới vô nghề chắc chịu không thấu vì đau nhức, ê ẩm mình mẩy. Người làm chỉ cần sơ sẩy một chút là bị gạch rơi trúng, dập tay, dập chân".
Công việc của các chị thường chia thành từng nhóm từ 3-5 người, làm khoán cho 1 lò. Mỗi người sẽ đảm trách 1 việc, từ khâu cho mê (tức là cho đất) lên máy ép thành khuôn, cắt gạch thành viên. Gạch sống được phơi ngoài nắng để giảm độ ẩm và cứng, không bị biến dạng trước khi cho vào lò nung. Thông thường phải mất khoảng 5 ngày để tải và dỡ gạch, 20 ngày để nung và 10 ngày để xây cửa lò và chờ gạch nguội. Sau khoảng 1 tháng nung, thành phẩm thu được khoảng 70 ngàn đến 120 ngàn viên gạch.
Những ngày chờ lò nguội, các chị lại đi làm mê thuê cho các lò gạch chuẩn bị đốt. Dù ở bất cứ công đoạn nào, nhưng khi bắt tay vào việc thì các chị chẳng thua gì các chú, các anh… Từ việc khuân vác, hay bưng bê tất cả điều rất thành thục và nhanh nhẹn.
Theo nhiều chị em làm nghề phu gạch, ở xứ này, những đứa bé chừng 10-12 tuổi đã biết làm nghề, từ bưng gạch xuống ghe, chạy cối, chụm lò.
Đằng sau những gánh nặng ấy là cả một niềm hy vọng lớn lao. Bởi với các chị sung sướng và hạnh phúc nhất có lẽ là làm sao có thể kiếm được nhiều tiền nhất để vun vén cho gia đình mình và lo cho con ăn học.
Nguồn: [Link nguồn]
Hằng ngày tần tảo đi thu mua từng vỏ lon bia, giấy, sắt vụn… với thu nhập mỗi ngày từ 50.000-70.000 đồng nhưng khi mua...