Chuyện đời ít ai ngờ của cụ bà 80 tuổi tự tay “vá” đường
Cụ bà ngoài 80 tuổi Trần Thị Xin đã gây “sốt” mạng xã hội với hành động tự tay trộn xi-măng để “vá” đường ở TP.HCM.
Clip cụ Xin nói lý do tự tay “vá” đường
“Xi-măng với cát là người ta xây nhà dư người ta cho”
Vừa qua, clip cụ bà Trần Thị Xin (ngoài 80 tuổi) đang tự tay trộn xi-măng để “vá” ổ gà, đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Bên cạnh những lời khen ngợi và sự thán phục dành cho cụ, cộng đồng mạng cũng băn khoăn về việc một cụ bà ở tuổi “xế chiều” phải xắn tay làm một việc như vậy.
Được biết, cụ Xin sống trong một căn nhà ở hẻm 623 Cách Mạng Tháng 8 (P.15, Q.10, TP.HCM). Mặc dù đường vào nhà cụ quanh co qua nhiều con hẻm nhỏ nhưng ngay từ đầu hẻm 623 Cách Mạng Tháng 8, chỉ cần nhìn bức ảnh cụ bà đang cặm cụi láng đường thì ai ai cũng nhận ra ngay đó là “bà Xin khòm”.
Khi chúng tôi vừa tới nhà cụ cũng là lúc bầu trời Sài Gòn đang chuyển mây đen. Hiện ra trước mắt chúng tôi, một cụ bà đang từ từ mở chiếc cửa gỗ, chống gậy bước ra để che chắn phần đường vừa “vá”. Ngoài 2 tấm gỗ che 2 đầu đường, cụ Xin còn dùng thêm 2 chiếc mẹt để đậy công trình của mình.
Cụ bà Trần Thị Xin đang cầm bay láng lại mặt đường vào sáng 27/6.
Trò chuyện với PV, cụ Xin cho biết, những ngày gần đây Sài Gòn thường xuyên có mưa lớn khiến nước đọng lại trong “ổ gà” trước nhà, gây mất mỹ quan. Cũng theo cụ Xin, đã có nhiều trường hợp người đi xe máy và các em học sinh đi xe đạp vấp phải “ổ gà” này, té ngã.
Với tinh thần giúp những người đi đường được an toàn hơn khi di chuyển qua đây và làm đẹp mỹ quan đô thị, cụ Xin đã trộn xi-măng với cát và dùng bay láng thật đẹp phần đường bị hư.
“Xi-măng với cát là người ta xây nhà dư người ta cho. Tôi để dành đó rồi trộn lại mà sửa, tôi trộn xi-măng nhiều nên mai mốt khô sẽ rất cứng. Mà hố đó sâu lắm, ở dưới tôi phải đập gạch đổ vào. Sáng nay tôi làm lúc 9h tới khoảng 10h là xong”, cụ Xin vừa kể vừa lục lọi trong bếp tìm chiếc bay đã dùng để đưa chúng tôi xem.
Khi được hỏi về lý do tự tay “vá” đường, cụ Xin giật mình, nói: “Nhờ đó hả? Mô phật. Nhờ bằng tiền!? Giờ cái gì cũng tiền. Tôi không bao giờ nhờ ai cái gì, cái gì làm được thì tôi tự làm. Giờ người ta cứ tiền trao cháo múc thôi. Tôi nhờ cũng phải trả tiền cà phê, mà ít nhất cũng phải 20.000đ chứ 10.000đ người ta không lấy đâu”.
Theo cụ Xin, sau khi sửa đường xong, nhiều người trong đó có các cháu học sinh vẫn vô tư chạy xe cán lên khiến công trình của bà bị xấu đi. “Mấy đứa nhỏ nó chưa biết cái gì được, cái gì mất. Tôi nói “bây giờ bà chét cho sạch sẽ để đi nhé”, nó “dạ, dạ” rồi vẫn cán lên, phóng đi”, cụ Xin ngán ngẩm.
Sống đơn thân tuổi “xế chiều”
Tạm gác lại câu chuyện về việc “vá” đường, cụ Xin cũng dành thời gian nói về cuộc sống của mình. Điều ít ai ngờ là cụ đã sống độc thân hơn 80 năm qua. Hiện, hầu hết người thân trong gia đình cụ đã chuyển sang sinh sống ở nước ngoài, chỉ còn một vài người ở Việt Nam, trong đó có chị ruột của cụ đang ở Hà Nội.
Cụ Xin trong cuộc trò chuyện với PV vào chiều cùng ngày.
Bản thân cụ Xin cũng xuất thân từ Thủ đô Hà Nội, sau giải phóng mới vào Sài Gòn sinh sống. Ngoài phần tiền do người thân gửi về và tiền trợ cấp từ nhà nước, hiện tại cụ Xin còn bán than để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.
“Hồi trước tôi có bán tạp hóa rồi có nuôi heo nữa. Cách đây 6 năm tôi không còn bán tạp hóa mà chỉ bán than với lòng vòng ở nhà, xem ti vi. Cuộc sống của tôi thì mỗi ngày chỉ ăn hai bữa trưa và tối: Bữa tối ăn lúc 7h rồi 8h là đi ngủ, chủ yếu là có nồi cơm bắt lên rồi nấu miếng canh, miếng thịt là xong; bữa sáng thì tôi không ăn mà chỉ uống ly cà phê sữa”, cụ Xin nói.
Vừa trò chuyện, cụ Xin vừa tìm điều khiển để bật TV với kênh truyền hình yêu thích. Im lặng xem một đoạn phim trên TV xong, cụ rành mạch nói về những suy nghĩ của cụ đối với cuộc sống hiện đại.
Ngày nào người phụ nữ nhỏ thó, lưng hơi khom ấy cũng xách chiếc túi đỏ, lầm lũi đi từng nhà hỏi leo dừa mướn.