Chuyện đám tang 7 ngày 7 đêm của cha Công tử Bạc Liêu

Sự kiện: Bạc Liêu

Có 4 người con gái và 3 người con trai nhưng ông Hội đồng Trần Trinh Trạch thương yêu chiều chuộng nhất là Cậu Ba Huy. Cho đến khi cuối đời ông cũng chết trong vòng tay của cậu con này.

Chuyện đám tang 7 ngày 7 đêm của cha Công tử Bạc Liêu - 1

 Di ảnh của Công tử Bạc Liêu và người vợ đầu tiên Ngô Thị Đen.

Chết vì cảm lạnh

Ai cũng biết trong các con, ông Trạch thương cậu Huy nhất từ việc đi du học ở Tây, lấy vợ đầm, các con vợ lẽ, con rơi của cậu Huy đều được ông Trạch nhìn nhận hết. Cuộc đời của vợ chồng ông Hội đồng Trạch giản dị bao nhiêu thì đến đời cậu Huy ông Trạch đều “mở cửa” hết. 

Cậu ba Huy được cha cho phép sắm máy bay, mua xe đua, lên Sài Gòn sống cuộc sống đế vương, tổ chức các cuộc thi đấu xảo sắc đẹp miệt vườn (sau này cậu ba "quơ" cả hoa hậu lẫn á hậu). Trong gia tộc Trần Trinh chỉ riêng cậu Huy được làm như thế. Dù ông Trạch thấy rõ cậu làm ít hưởng nhiều nhưng ông cũng tự an ủi rằng như cả đời ông khổ sở chỉ biết làm lụng, có biết tắm biển, nghỉ dưỡng là gì đâu.

Năm 1942, đến cuối đời, sau khi mừng thọ tuổi 70 được hơn tháng, ông Trạch nói với cậu Huy đưa xuống Sài Gòn đổi gió, dối già. Thấy cha muốn đi nghỉ ngơi, cậu Huy đã đồng ý đưa ba đi. Xuống Sài Gòn, cậu bắt đầu cho cha đi du lịch. Theo dự kiến sẽ đi thăm quan sở thú, đi lên tòa nhà Majetic cao nhất Sài Gòn để ngắm thành phố rồi đi tắm biển Long Hải, Vũng Tàu, đi lên nghỉ ngơi ở thành phố sương mù Đà Lạt.

Tuy nhiên, sau khi đi biển Long Hải về, vì tắm biển lâu nên ông Trạch bị cảm lạnh. Cậu ba Huy đã mời bác sĩ về nhà nhưng cảm lạnh bị biến chứng sâu, do tuổi cao, sức đề kháng kém nên ông Hội đồng Trạch đã tắt thở ở Sài Gòn.

Cậu Huy sợ anh chị em, gia tộc trách mắng vì cái chết bất đắc kỳ tử của ông Hội đồng nên đã lái xe đưa ông Trạch về Bạc Liêu ngay trong đêm hôm đó. Quãng đưỡng 300km từ Sài Gòn về Bạc Liêu cậu Huy chèn gối đặt ông Trạch ngồi ngay ngắn, không ai biết ông đã chết. Chỉ đến khi về đến dinh thự, mọi chuyện rối ren, người ta mới hay ông Trạch đã qua đời.

Những đám ma to nhất Bạc Liêu

Đám tang của ông Hội đồng Trần Trinh Trạch do cậu ba Huy làm trưởng ban. Cậu ba thuê hẳn một nhiếp ảnh gia có tiếng ở Bạc Liêu chịu trách nhiệm chụp ảnh ghi lại khoảnh khắc đám tang từ đầu đến cuối, từ nhà lớn đến nghĩa trang gia tộc ở Cái Dày. Áo quan của ông Hội đồng bằng cây huỳnh đàn là thứ gỗ thượng hảo hạng lúc bấy giờ. Đám tang có dàn nhạc Ta, Tiêu, Miên khiến không khí không còn trầm uất như các gia đình khác.

Họ đã xuất rất nhiều tiền để làm cỗ thiết đãi người đến viếng trong suốt 7 ngày, 7 đêm. Bạt căng ra tận bờ sông. Khách đến viếng sẽ được gia nhân dọn cỗ bàn đàng hoàng. Đám tang ông Hội đồng còn có rất nhiều ăn mày từ các tỉnh lân cận đi về. Họ có cơ hội ăn uống ngon miệng ngày 2 bữa. Họ ăn dầm, ở dề suốt đám tang để chia buồn với gia đình Công tử Bạc Liêu lúc đó. Với những người dân Bạc Liêu, đám tang của cha công tử Bạc Liêu có đến mấy ngàn người đưa tiễn. Khi xe tang đã đến nghĩa trang gia tộc cách thành phố 5km nhưng đoàn người từ thị xã Bạc Liêu lúc đó vẫn nối dài nhau. 

Sau ngày mất của ông Hội đồng Trần Trinh Trạch, bà Hội đồng theo cậu Tám sang Pháp để vui cùng cháu gái con gái trưởng của cậu Huy và bà Ngô Thị Đen vợ công tử Bạc Liêu. Đến năm 1947, bà Hội đồng mất, cháu rể của bà thuê phi cơ chở quan tài của bà về tận Tân Sơn Nhất. Cậu ba Huy thuê xe tang từ Bạc Liêu lên đón thi hài mẹ. Đám tang của bà Hội đồng là đám tang lớn thứ 2 ở Bạc Liêu. Dàn nhạc Ta, Tây, Miên được cậu Huy mời về thổi suốt đám tang, cũng giống như đám tang ông hội đồng, đám tang bà Hội đồng được cử hành như một đám tang đế vương, người ta lại được lần nữa ăn dầm ở dề “chia sẻ tang gia” với Hắc công tử.

Sau này, đám tang của vợ Công tử Bạc liêu là bà Ngô Thị Đen được xem là đám tang lớn thứ ba tại Bạc Liêu lúc ấy. Bà Ngô Thị Đen mất tại Thụy Sĩ do bị ung thư não. Con gái của bà là Trần Thị Lưỡng đã đưa di hài của bà về quàn tại nghĩa trang Trần Gia ở Cái Dày.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ph. Thúy ([Tên nguồn])
Bạc Liêu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN