Chuyện đẫm nước mắt của người mẹ hiến thận cứu con

“Chồng thì yếu quá không hiến được, đứa em thì đang bị bệnh nên cũng không thể. Còn chị gái Trung thì tôi không đành lòng, vì nó còn chồng, con và tương lai. Tôi thì cũng đã sống được nửa cuộc đời rồi, có chết mà mang lại sự sống cho con thì tôi cũng làm”, bên hành lang Bệnh viện Quân y 103, người mẹ kể về hành trình quyết định hiến thận cho con mình.

Muốn ngất lịm khi biết con suy thận giai đoạn cuối

Người mẹ ấy là bà Trần Thị Tính (SN 1964), trú tại xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Bên hành lang Bệnh viện Quân y 103, Hà Nội, bà Tính chia sẻ về những chuỗi ngày truân chuyên từ khi con trai thứ hai mang trọng bệnh.

“Tháng 7/2012, Trung (Võ Quang Trung, SN 1988) tốt nghiệp ĐH với tấm bằng loại khá trên tay. Một tháng sau, có người nhà trên cửa khẩu Lao Bảo gọi đi làm nhưng nó bảo thích làm nghề giáo viên hơn. Trong thời gian chờ xin việc, nó ở nhà phụ giúp mẹ nuôi heo, đi phụ hồ cùng bố. Được ít hôm thì nó cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, đi tiểu ra máu thì lại quay vào trong Huế khám bệnh vì nó còn bảo hiểm y tế. Đi được mấy hôm thì bạn nó gọi điện về thông báo cho gia đình là Trung bị suy thận giai đoạn cuối. Nghe xong mà tôi muốn ngất lịm”, bà Tính nghẹn ngào kể lại.

Vợ chồng bà Tính sinh được 3 người con đều học hành giỏi giang. Tuy nhiên, vì nhà nghèo mà cô con gái đầu dù thi đậu vào trường cao đẳng kế toán phải tình nguyện ở nhà xin đi làm công nhân để giúp bố mẹ nuôi em. Không phụ công chăm sóc của bố mẹ và sự hy sinh của chị gái, ít năm sau, cả Võ Quang Trung và người em trai Võ Thanh Hiến (SN 1990) đều đậu đại học. Trung thi vào Trường ĐH Ngoại ngữ Huế, Khoa Sư phạm, còn em trai thì vào học Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng.

Nói về những người con, bà Tính không khỏi tự hào. Người con gái lớn sinh năm 1984 nay đã lập gia đình, còn hai con trai thì đều tốt nghiệp ĐH. Bà bảo, “tuy gia đình khó khăn nhưng cả Trung và Hiến đi học đều rất chăm ngoan. Trong thời gian học ĐH, các cháu đi làm gia sư, kiếm thêm thu nhập để hỗ trợ thêm bố mẹ. Để các cháu thực hiện ước mơ, vợ chồng tôi phải vay ngân hàng, anh em họ hàng. Vậy mà trời chẳng thương cháu Trung. Ngày đi xin việc cũng là ngày nó phải nằm viện triền miên đến nay”.

Chuyện đẫm nước mắt của người mẹ hiến thận cứu con - 1

Để cứu con, bà Tính phải cắt một quả thận và gánh món nợ chưa biết bao giờ trả hết. Ảnh: P.B.

Kiệt quệ vì con lâm trọng bệnh

Nhà bà Tính có hơn 4 sào cà phê, mọi thứ chi tiêu đều trông cả vào đó. Năm nào giá cao thì thu nhập được vài chục triệu. Năm nào mất mùa thì cả nhà bữa no bữa đói. Để kiếm thêm thu nhập, chồng bà Tính đi phụ hồ cho các công trình xây dựng quanh vùng.

Lấy chồng sớm, cuộc sống vất vả nên nhìn vào bà Tính, không ai nghĩ mới ở cái tuổi cận kề 50. Trong hơn 1 năm rong ruổi cùng con đi chữa bệnh và nhất là sau khi hiến thận để lấy sự sống cho con, bà vốn đã yếu nay càng yếu hơn.

Kể về bệnh tình của con, bà Tính cho biết: Sau khi phát hiện bệnh nặng, Trung ở lại luôn trong Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị, sau đó vợ chồng bà vào chăm con. Được nửa tháng thì tiền thuốc, tiền ăn, tiền trọ cũng hết. “Thế là Trung nó không chịu nằm viện nữa. Không biết nghe ở đâu nhưng nó bảo với bệnh này muốn sống thì phải ghép thận, mà muốn ghép thì phải có tiền, trước sau cũng chết nên đòi về. Về được một thời gian thì bệnh nó nặng lên rất nhiều. Lúc đưa lên Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị cấp cứu thì tôi vào xin giấy chuyển viện để ra Hà Nội nhưng bác sĩ bảo, chỉ còn cách vào Bệnh viện Trung ương Huế thì mới kịp, chứ ra Hà Nội thì e không cứu được tính mạng. Vào trong Huế được một thời gian thì mắt nó mờ dần, sau đó thì không nhìn thấy gì, không ngồi gượng dậy được. Lúc tôi hỏi, con có nhìn thấy mẹ không, nó bảo không nhìn thấy gì, chỉ nghe được giọng nói của mẹ thì tôi đau đớn nghĩ rằng có lẽ đã hết cách cứu con rồi”, bà Tính khóc nức nở nói.

Sau khi được nhiều người tư vấn, bà Tính biết, nếu không có tiền mua thận thì ghép thận của người nhà cũng được, nhưng cũng cần một khoản tiền rất lớn. Thế là bà ở lại chăm con, ở nhà, chồng bà rao bán nhà, bán ruộng, rồi có cái gì cầm cố được thì cầm hết.

“Những lúc khỏe lên, nhìn Trung bất mãn, tiêu cực lắm. Trung bảo biết bị bệnh từ sớm thì khỏi ăn học cho bố mẹ đỡ khổ. Giờ học xong, chưa xin được việc để kiếm tiền giúp bố mẹ thì lại bệnh tật thế này. Thấy con như vậy, tôi chỉ biết động viên, vỗ về, còn sức khỏe thì còn kiếm tiền được. Giờ con phải sống, rồi sau này con kiếm tiền cho bố mẹ sau”, bà Tính nghẹn ngào nói.

Về nhà vay được ít tiền, bà chạy ngược chạy xuôi làm xét nghiệm. “Chồng thì yếu quá không hiến được, đứa em thì đang bị bệnh nên cũng không thể. Còn chị gái nó thì tôi không đành lòng, vì nó còn chồng, con và tương lai. Tôi thì cũng đã sống được nửa cuộc đời rồi, có chết mà mang lại sự sống cho con thì tôi cũng làm. Khi biết khoản tiền để chi phí cho toàn bộ ca ghép lên đến cả trăm triệu, tôi không biết lấy tiền ở đâu. Mảnh đất với căn nhà rao bán từ năm ngoái giờ chẳng ai mua. Trong tình thế khó khăn, tôi đành mượn sổ đỏ của các chị, các em, các cháu đi cầm cố ngân hàng cho con ghép thận”, bà Tính kể về quyết định hiến thận của mình.

Ca ghép thận thành công, bà Tính mừng chảy nước mắt. Vậy là con bà đã được sống để hy vọng thực hiện ước mơ làm thầy giáo. Nhưng ghép thận mới là giành Trung ra khỏi tay tử thần thôi. Giờ bà Tính vẫn còn nỗi lo vì mắt Trung không nhìn rõ. Tôi mong nếu có tiền thì lại hiến giác mạc cho con. Cuộc đời của tôi đến đây là được rồi, nhưng Trung thì phải sống”, bà Tính nói trong nước mắt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phùng Bình (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN