Chuyện của ngôi làng còn lại… 5 người

Tôi đã đi đến nhiều làng của người dân ở Tây Nguyên, những ngôi làng hiện đại có và cả những ngôi làng truyền thống cũng có. Nhưng một lần đến với ngôi làng Kon Sơ Lăng (xã Hà Tây, huyện Chư Păh, Gia Lai), tôi đã không khỏi tiếc nuối. Đây là một ngôi làng giữ lại được gần như nguyên vẹn những nét văn hóa truyền thống của đồng bào, nhưng tiếc rằng ngôi làng đang dần phủ một lớp bụi theo thời gian…

Ngôi làng thiếu tiếng người

Trên con đường đất đỏ của vùng cao nguyên nắng gió, làng Kon Sơ Lăng hiện ra yên bình đến lạ, tuyệt nhiên vắng bóng dáng của con người. Cái sự yên bình khiến người ta phải tò mò. Đi khắp làng, tôi mới chợt nhận ra rằng kết cấu của những ngôi nhà hoàn toàn không có một sự sắp xếp nào như khái niệm "làng Văn hóa truyền thống”. Đó là một sự sắp xếp hết sức tự nhiên và khoa học của người Tây Nguyên tự ngàn đời nay với vị trí chính giữa làng là nhà rông bề thế với nguyên liệu hoàn toàn lấy từ rừng: Cột gỗ, sàn gỗ, vách gỗ, mái lợp tranh săng. Tuyệt nhiên không tìm thấy một thứ gì bằng kim loại dù chỉ là một chiếc đinh. Quần tụ quanh nhà rông vẫn là những ngôi nhà sàn truyền thống của người BahNar. Từng ngôi nhà đều thể hiện sự công phu, tỉ mẩn, khéo léo của những người đã tạo ra chúng.

Chuyện của ngôi làng còn lại… 5 người - 1

Anh Puih về lại làng cũ

Thấp thoáng giữa làng là màu xanh mát của những cây phượng vĩ, xoài, thanh long, những giàn bí… Toàn cảnh ngôi làng bật lên vẻ đẹp nguyên sơ, không một sự sắp đặt.

Gặp anh Puih (người Bah Nar không có họ), anh về lại làng để mang thức ăn cho bầy heo. Hóa ra ở ngôi làng này vẫn còn có sự tồn tại của con người. Điều đó giải thích tại sao tất cả các ngôi nhà cửa khóa im lìm nhưng dưới sàn nhà vẫn có những bầy dê, heo và trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ. Dẫn tôi đi tham quan làng, anh Puih kể: "Người dân trong làng đã chuyển về làng mới cách đó chưa đầy 5 cây số. Hiện trong làng chỉ còn 5 cụ già sinh sống. Họ không thích về làng mới đâu. Người già bảo họ sống đây cả đời nên quen rồi, giờ về làng mới lạ cái nhà, lạ cái đường họ không thích!”. Anh Puih cũng cho biết, người cao tuổi nhất sống ở làng này là cụ Hnhih, một trăm tuổi và bốn người khác là ông Chil (68 tuổi- cha của anh Puih), ông Chưng (80 tuổi) và vợ chồng ông Kơch (82 tuổi) bà Dyơi (87 tuổi) nữa.

Anh Pui dẫn tôi về nhà anh gặp cha anh là cụ Chil. Cụ không nói được tiếng Kinh nên anh Puih trở thành thông dịch viên cho tôi. Hỏi về ngôi làng với sự phân bố đặc biệt, cụ Chil cười, nhả khói thuốc từ chiếc tẩu đã lên bóng nước thời gian: "Chính cái sự "không thứ tự” ấy làm cho ngôi làng của chúng tôi ấm cúng hơn, thể hiện tinh thần đoàn kết của dân làng trong việc chung lưng chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, với núi rừng thâm u huyền bí.

Chuyện của ngôi làng còn lại… 5 người - 2

Nhà rông làng cũ.

Hỏi già Chil sao không đến làng mới ở cùng con cháu cho vui, già bảo, sống ở đây từ khi cha sinh mẹ đẻ, đã quen rồi, bỏ làng đi thì nhớ lắm. Mỗi khi ở làng mới có người chết đều đưa về nghĩa địa làng cũ chôn. Tuy là chuyện buồn của cả làng, nhưng đó lại là những ngày rộn ràng nhất bởi tiếng cồng chiêng, tiếng khóc than lại vang lên ở ngôi làng cũ vắng tiếng người này!”. Thì ra, không chỉ người sống mà cả người chết vẫn muốn về nơi mình đã sinh ra.

Tôi hỏi ở đây có buồn không, già cười: "Ngày nào cũng có con cháu đi làm ruộng gần đây, ghé thăm và lo việc ăn uống cho người già, chăm sóc bầy heo, gà, dê nuôi trong làng nên không thấy buồn”. "Vậy khi các già chết rồi, liệu có ai đến ở làng này nữa không?”. Già Chil rít một hơi thuốc dài, trầm ngâm không trả lời.

Làng mới và làng cũ

Anh Puih nói bà con làng Kon Sơ Lăng rời làng đến nơi ở mới theo chủ trương của Nhà nước, nhưng mọi người vẫn lưu luyến ngôi làng nơi mình đã sinh ra. Làng mới vẫn mang tên Kon Sơ Lang, có 93 hộ với 473 nhân khẩu. Ở làng mới được quy hoạch hiện đại với những con đường bê tông, điện lưới, nước sạch… Làng mới cũng có nhà rông bề thế, chỉ khác là nhà rông ở đây không ở trung tâm làng mà nằm lẻ loi ở một vị trí độc lập ngay đầu làng.

Những ngôi nhà ở làng mới được bố trí dọc theo hai bên đường theo đúng nghĩa "nhà mặt phố”. Mỗi hộ đều có một căn nhà gạch nho nhỏ. Nhưng bên cạnh những căn nhà ấy vẫn có một ngôi nhà sàn phía trước hoặc bên cạnh, mà hầu hết người dân ở làng mới đều sinh hoạt ở những căn nhà sàn này.

Chuyện của ngôi làng còn lại… 5 người - 3

Già Chil trầm ngâm nhìn làng cũ

Tôi hỏi một người phụ nữ Barnah đang địu con và tay dắt mấy đứa trẻ quay về làng cũ, chị bẽn lẽn cười cho biết tuy đã dời về làng mới từ nhiều năm nay nhưng chị và nhiều người khác vẫn đi về làng cũ. Vậy là, xét về mặt hành chính, ngôi làng mà tôi đang đứng đây đã bị "xóa sổ”. Song, làng vẫn là chốn về bình yên và quen thuộc của cả người sống và người đã mất.

Trao đổi về vấn đề này ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai chia sẻ: "Theo quy định, bảo tồn là một việc làm cần thiết, nhưng nếu bảo tồn mà không đảm bảo đời sống thì không nên. Ngược lại nếu dời đến chỗ mới mà vẫn tiếp tục bảo tồn được bản sắc văn hóa thì vẫn tốt hơn”. Nhưng như ông Đinh Sưck, chủ tịch xã Hà Tây (Chư Păh, Gia Lai) vẫn băn khoăn: "Nếu có một con đường mới dẫn vào làng, thì đâu cần dời ra làng mới, mà số tiền xây một ngôi làng mới với số tiền làm một con đường, cái nào sẽ nhiều hơn!”.

Trong làng cũ bây giờ, già Chil và 4 già khác vẫn hàng ngày chuốt mây, đan gùi. Già Chil bảo đan gùi cho mấy đứa cháu có cái gùi đi rẫy, không chúng lại mang ba lô lên rẫy thì không được. Trầm ngâm nhìn ra phía nhà rông, già Chil bảo, nơi ấy đã từng sống động những vòng xoang duyên dáng của các thiếu nữ, tiếng cồng chiêng trầm hùng của các chàng trai, những ghè rượu uống mãi không bao giờ cạn trong mùa lễ hội… Giờ tất cả đã chìm vào quá khứ. Người dân dời làng đến nơi ở mới theo chủ trương của Nhà nước, nhưng tâm nguyện của chúng tôi là nếu bảo tồn nét văn hóa truyền thống song song với việc duy trì cuộc sống ở chính nơi chúng tôi sinh ra và lớn lên thì mọi thứ sẽ không còn là…quá khứ. Nghe tâm sự của già Chil, tôi chợt nghĩ, nếu 5 người già này mất đi, ngôi làng truyền thống này không hiểu sẽ "sống” thế nào?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Toàn – Hữu Cường (Đại Đoàn Kết)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN