Chuyển cơ quan điều tra nhiều doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài

Sự kiện: Tin nóng

Bộ LĐ-TB&XH trực tiếp thỏa thuận và công khai danh sách tất cả các đơn vị xuất khẩu lao động hợp pháp. Người dân không nên đi theo con đường bất hợp pháp hay không được cấp phép.

Thông tin tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 5-11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng về vụ việc 39 người tử vong ở Anh cần tách bạch giữa vấn đề quản lý lao động nước ngoài với tội phạm buôn người, hay việc di cư bất hợp pháp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định việc đưa người đi lao động nước ngoài được thực hiện theo Luật đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Theo đó, tất cả quốc gia ta đưa đi đều có bản hiệp định lao động và bản ghi nhớ giữa hai quốc gia.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời báo chí liên quan đến vấn đề đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: ĐỨC MINH

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời báo chí liên quan đến vấn đề đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: ĐỨC MINH

Hiện những người lao động (NLĐ) nước ngoài hợp pháp thường đi theo hình thức được các doanh nghiệp Việt Nam cấp phép; đi theo hợp tác giữa các doanh nghiệp, tập đoàn và công ty giữa hai nước; đi cá nhân, ký trực tiếp với tổ chức ở nước ngoài nhưng đăng ký với Sở LĐ-TB&XH và cơ quan ở nước ngoài; hợp tác đào tạo giữa hai bên được cấp phép. Gần đây, Chính phủ cho phép hình thức trao đổi và hợp tác công việc giữa hai nước trong thời gian ngắn hạn.

“Hiện nay chúng ta có khoảng gần 400 doanh nghiệp được cấp phép, đủ tư cách đưa người Việt đi lao động nước ngoài. Ba năm qua, mỗi năm ta đưa trên 100.000 NLĐ đi nước ngoài, chủ yếu sang các nước Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia”, ông Dung thông tin.

Ở châu Âu, Việt Nam ký hợp tác với hai quốc gia là Rumani (đã đưa khoảng 3.000 người đi) và Đức (đưa 1.066 điều dưỡng viên sang lao động). Bộ trưởng Dung đã kiểm tra trực tiếp nơi những người này làm việc tại Đức, kiểm tra việc ăn ở và thấy cuộc sống tương đối tốt. Mức thu nhập ban đầu là 2.600 Euro, sau đó thỏa thuận tăng lên 3.000 Euro.

“Chúng ta đưa người Việt đi lao động nước ngoài đều đảm bảo sự minh bạch, công khai địa bàn, mức thu phí, mức lương từng doanh nghiệp. Ai đưa đi đều được cấp visa, hộ chiếu, bảo hộ công dân và đóng BHXH”, Bộ trưởng khẳng định.

Song trên thực tế, có hiện tượng doanh nghiệp không có chức năng nhưng trá hình đưa người đi, hoặc doanh nghiệp không được cấp giấy phép nhưng làm cò mồi, làm chui, làm lậu. Theo ông, thời gian qua đã xử lý nhiều doanh nghiệp, chuyển cơ quan điều tra làm rõ hành vi vi phạm.

Trong tổng số gần 400 doanh nghiệp được cấp phép đưa người đi lao động nước ngoài, vừa qua Bộ đã thanh tra, kiểm tra 118 doanh nghiệp. Bộ trưởng đã thu hồi, thậm chí cấm vĩnh viễn doanh nghiệp vi phạm, trong đó có doanh nghiệp tồn tại đến 25 năm. “Quan điểm thống nhất là doanh nghiệp nào vi phạm đều bị xử lý…”, ông Dung khẳng định.

Bộ trưởng cũng đưa ra khuyến cáo với người dân, nhất là thanh thiếu niên nên đi lao động theo con đường hợp pháp, thông qua các cơ quan được cấp phép. Ở nước sở tại, phải được doanh nghiệp ký hợp tác với Việt Nam và được bảo hộ công dân, còn mức lương được thỏa thuận giữa các nước.

“Chúng tôi trực tiếp thỏa thuận và công khai tên tuổi, danh sách tất cả các đơn vị hợp pháp. Người dân không nên đi theo con đường bất hợp pháp và con đường không được cấp phép”, ông Dung nói.

Cặp vợ chồng ở Nghệ An tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép

Chi tiếp nhận và hướng dẫn người dân làm hồ sơ đi du lịch sang Nga và các nước. Còn Sếu ở Nga đón, tiếp nhận lao động…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỨC MINH - VIẾT LONG ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN