Chuyện chưa kể về tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam cách đây 140 năm

Sự kiện: Nhịp sống 24h

“Sài Gòn - Mỹ Tho” là tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam và cũng là đầu tiên của Đông Dương, đã được đưa ra bàn thảo từ cách đây 140 năm.

Chuyến xe lửa đầu tiên của tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho. (Ảnh tư liệu)

Chuyến xe lửa đầu tiên của tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho. (Ảnh tư liệu)

Trên hành trình tìm kiếm những kỷ lục bất biến của Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) vừa công bố những bức tư liệu mang đậm dấu ấn lịch sử của tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho (Tiền Giang).

Từ các tài liệu thu thập được, Vietkings cho biết, vào ngày 22/11/1880, tức cách đây 140 năm, dự án xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam được đưa ra thảo luận. Dự án này tạo ra cuộc tranh luận “nảy lửa” về những băn khoăn liên quan tới hiệu quả kinh tế và sự cần thiết.

Một chuyến tàu chờ đợi để khởi hành Sài Gòn - Mỹ Tho vào ngày 20/7/1885, ngày mở đầu của tuyến đường sắt. Ảnh: Maison Asie-Pacifique (MAP)

Một chuyến tàu chờ đợi để khởi hành Sài Gòn - Mỹ Tho vào ngày 20/7/1885, ngày mở đầu của tuyến đường sắt. Ảnh: Maison Asie-Pacifique (MAP)

Sau nhiều cuộc tranh luận kéo dài, đến đầu năm 1881, tuyến đường sắt từ Sài Gòn tới Mỹ Tho chính thức được phê duyệt với tổng kinh phí gần 12 triệu Franc (một đơn vị tiền tệ của Pháp thời đó, hiện đã được thay thế bằng đồng Euro). Đây cũng là tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương.

Đến giữa năm 1881, công trường được tổ chức quy mô, khẩn trương, huy động 11.000 lao động và có cả nhiều sĩ quan công binh cùng nhiều kỹ sư từ Pháp sang. Để xây dựng công trình này, mọi vật liệu đều được chở từ Pháp về. 

Ga Chợ Lớn năm 1905. (Ảnh tư liệu)

Ga Chợ Lớn năm 1905. (Ảnh tư liệu)

Ngày 20/7/1885, tuyến đường sắt hoàn thành, tiêu tốn 11,6 triệu Franc (ít hơn so với dự toán ban đầu). Lúc này, dù đường sắt đã được đưa vào sử dụng nhưng hành khách phải xuống tàu ở Bến Lức (thuộc tỉnh Long An ngày nay) do cầu vượt sông Vàm Cỏ Đông chưa bắc xong.

Đến tận tháng 5/1886, chuyến tàu đầu tiên chạy toàn tuyến xuất phát từ ga Sài Gòn (Công viên 23/9 ngày nay), vượt sông Vàm Cỏ Đông đến ga cuối cùng tại trung tâm thành phố Mỹ Tho. Hành trình diễn ra trên tuyến đường dài hơn 70km.

Dẫn tư liệu lịch sử, Vietkings mô tả chi tiết: Tuyến đường sắt có tổng cộng 15 ga. Xe lửa xuất phát từ ga Sài Gòn đi qua An Đông, Phú Lâm, An Lạc, Bình Điền. Trên Quốc lộ 1, xe lửa dừng lại ở các ga: Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Cầu Voi, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Trung Lương và kết thúc tại ga Mỹ Tho nằm sát sông Tiền (tượng đài Thủ Khoa Huân ngày nay).

Thời gian đi hết tuyến khoảng 2 giờ 30 phút, về sau được rút ngắn còn chưa tới 2 giờ, tức tàu chạy với tốc độ khoảng 37km/h. Đây là tốc độ rất nhanh so với phương tiện phổ thông của người Việt lúc bấy giờ.

“Sự kiện này đánh dấu sự ra đời của ngành đường sắt Việt Nam. Tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho được đánh giá là giúp thay đổi hẳn tư duy giao thông của người Việt vào cuối thế kỷ XIX khi trước đó chỉ có hai phương tiện là ngựa và ghe thuyền. Xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho ngày ấy sử dụng đầu kéo là máy hơi nước”, Vietkings cho biết.

Tàu lửa tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho phải đi phà qua sông lúc hai cây cầu sắt Tân An và Bến Lức chưa xây xong. (Ảnh tư liệu)

Tàu lửa tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho phải đi phà qua sông lúc hai cây cầu sắt Tân An và Bến Lức chưa xây xong. (Ảnh tư liệu)

Từ khi được đưa vào sử dụng tuyến đường sắt này rất lãi, có năm thu về đến 4 triệu Franc. Nhưng đến thập kỷ 50 của thế kỷ XX, xe hơi phát triển cùng hệ thống đường bộ Sài Gòn - Mỹ Tho được đầu tư nên hành khách chuyển sang đi đường bộ. Có những ngày cả đoàn tàu chỉ có vài chục người. Do đó, năm 1958, tuyến đường sắt này đã ngưng chạy.

Tàu lửa Sài Gòn - Mỹ Tho đã ngừng hoạt động sau 73 năm gắn bó người dân Nam Bộ. (Ảnh tư liệu)

Tàu lửa Sài Gòn - Mỹ Tho đã ngừng hoạt động sau 73 năm gắn bó người dân Nam Bộ. (Ảnh tư liệu)

“Với 73 năm tồn tại, tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho đã tác động mạnh vào đời sống, tình cảm, tập quán, văn hóa... của người dân Nam Bộ, đặc biệt là khu vực phía Bắc sông Tiền. Qua bao nhiêu thời gian, tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho giờ chỉ còn lại trong ký ức những người lớn tuổi”, Vietkings đánh giá.

Hiện, toàn bộ tuyến đường sắt vàng son một thời đã được tháo dỡ, ga Sài Gòn cũng được dời từ Công viên 23/9 ra Hoà Hưng (thuộc phường 9, quận 3, TP.HCM ngày nay). Mặc dù vậy, ngày nay người ta vẫn có thể tìm thấy một số hạng mục còn sót lại như trụ cầu, nhà ga rải rác suốt tuyến đường hơn 70km của tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho nói trên.

Dù không còn tồn tại nguyên hình nguyên trạng, nhưng tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho vẫn được Vietkings ghi nhận là một kỷ lục bất biến của Việt Nam bởi những giá trị lịch sử trường tồn theo thời gian của nó.

Con phố sang trọng bậc nhất Hà Nội thay đổi như thế nào sau hơn 1 thế kỷ?

Phố Tràng Tiền có lịch sử hơn 2 thế kỷ, thường được biết đến như con phố “Tây” nhất của Hà Nội. Trải qua năm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN